30/03/2008 - 21:15

Hợp tác xã điện nông thôn Thạnh Thắng

Thu chi nhập nhằng, xã viên bất bình

Sau khi dây điện bị chạm vào mái tôn nhà bà Phạm Ngọc Phụng, ấp Phụng Quới A, xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh được địa phương giải quyết bằng cách chống tạm cây tre để nâng dây điện lên cao khỏi mái nhà.

Gần đây, một số xã viên Hợp tác xã (HTX) điện nông thôn Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ gởi đơn phản ánh việc Ban Chủ nhiệm HTX đã có biểu hiện chuyên quyền trong phân công công tác, cấu kết với một số thành viên khác, có dấu hiệu tiêu cực trong thu chi tài chính kéo dài nhiều năm, gây mất đoàn kết nội bộ trong HTX... Sự thật ra sao?

Thiếu dân chủ, lạm quyền

Thành lập từ tháng 6-2004, HTX điện nông thôn Thạnh Thắng là thành viên của Liên minh HTX TP Cần Thơ, vốn điều lệ 300 triệu đồng, hoạt động theo Luật HTX, chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ lưới điện trên địa bàn xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh. HTX có 18 thành viên, ông Hoàng Trọng Thường được bầu làm chủ nhiệm, ông Vũ Quốc Khánh làm Phó Chủ nhiệm, ông Đinh Đức Hạ là kế toán và ông Trần Thanh Dũng làm thủ quỹ kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ sở HTX điện. Khi thành lập, Ban chủ nhiệm (BCN) HTX vận động nhân dân đóng tiền để mua dây và trụ điện với mức 110.000 đồng/công đất (1.000m2) tùy tuyến điện ngang qua hộ có diện tích đất nhiều hay ít.

Sau khi thành lập 3 tháng, BCN vận động các thành viên tham gia đóng góp cổ phần. Có 10 thành viên tham gia (mỗi cổ phần tối thiểu 5 triệu đồng), riêng ông Hoàng Trọng Thường, Chủ nhiệm HTX, góp 6 cổ phần. Từ tiền cổ phần các xã viên đóng góp, BCN mua máy Kobe và sà lan để cào đất, làm mương, ao các công trình thủy lợi, làm dịch vụ. Từ đó, HTX tách ra 2 bộ phận: nhóm người có đóng góp cổ phần thì làm bộ phận dịch vụ, ai không có cổ phần ở bộ phận HTX điện. Việc chia lãi cho các cổ đông do ông Hoàng Trọng Thường, Chủ nhiệm HTX, tự quyết định.

Ông Nguyễn Thành Công, ở ấp E2, xã Thạnh Thắng, bức xúc cho biết: “Điều đáng nói là ông Thường đã chỉ đạo cho thủ quỹ buộc nhiều công nhân ký nhận lương 900.000 đồng/tháng nhưng thực tế họ chỉ nhận 400.000 đồng/tháng. 3 năm qua, BCN chia lãi cổ đông không rõ ràng, bình quân cả năm chỉ chia 1 triệu đồng/cổ đông. Khi nhiều xã viên thắc mắc thì BCN trả lời chung chung, không rõ ràng. Tôi tham gia cổ đông của HTX được 3 năm, thấy cách quản lý, điều hành và thu chi không rõ ràng của BCN, tính tôi hay nói thẳng nên bị ông Khánh (phó chủ nhiệm) trù dập, nhiều lần hăm dọa cho nghỉ việc... Quá bất mãn, tôi làm đơn xin nghỉ việc đã 6 tháng nay. Ngày 22-12-2007, ông Trần Thế Hào, thành viên trong tổ kỹ thuật điện, do bận việc gia đình (vợ bệnh) không đi công tác theo sự phân công thì bị ông Khánh điện thoại đến nhà dọa sa thải”.

Không minh bạch rõ ràng

Thời gian đầu, HTX điện nông thôn Thạnh Thắng hoạt động rất tốt, được Huyện ủy Vĩnh Thạnh đánh giá là một trong những HTX làm ăn có hiệu quả trong huyện. Thế nhưng, trong thời gian làm Phó Chủ nhiệm HTX kiêm tổ trưởng tổ kỹ thuật, ông Vũ Quốc Khánh đã dần biểu lộ tính chuyên quyền trong việc phân công công việc cho xã viên, trù dập những ai không theo quan điểm của ông và cấu kết với một số thành viên trong HTX có biểu hiện bè phái, chia rẽ nội bộ. Theo qui chế, BCN HTX và Công đoàn thống nhất chi công tác phí cho công nhân làm công trình sửa chữa lẻ (từ 1-2 ngày) là 30.000 đồng/ngày; đi công tác theo sự điều động của BCN làm công trình cải tạo đường dây hay trồng trụ điện (đông người) thì hưởng 50.000 đồng/ngày. Ông Khánh đã phân công nhân viên đi công tác, theo dõi và chấm công, hàng tháng gởi bảng chấm công cho ông Trần Thanh Dũng (là thủ quỹ kiêm Chủ tịch công đoàn) căn cứ vào đó trả lương và công tác phí cho công nhân... Nhưng trong quá trình thực hiện, ông Khánh không làm theo qui chế, chấm công không chính xác, khiến nhiều công nhân bức xúc.

Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở HTX điện nông thôn Thạnh Thắng, cho biết: “Năm 2007, Điện lực Cần Thơ mở lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho 5 nhân viên tổ kỹ thuật điện theo học 2 tuần tại Cần Thơ, BCN HTX điện có hỗ trợ 1 triệu đồng/người, nhưng ông Khánh chỉ trao 500.000 đồng/người. Số còn lại ông Khánh không đưa và cũng không nói gì. Qua thắc mắc của công nhân, BCN HTX họp chấn chỉnh, ông Khánh nhận khuyết điểm và hoàn số tiền còn lại cho công nhân. Trong việc điều động công tác thực hiện công trình an toàn điện, công nhân phản ánh ông Khánh lắp đặt điện không đảm bảo an toàn... Tôi có trình bày BCN HTX để chấn chỉnh nhưng ông Khánh không nhận thiếu sót. Cụ thể, trong quá trình gắn đồng hồ điện an toàn cho dân ở khu dân cư tại ấp B1 sử dụng (theo yêu cầu của dân là đảm bảo an toàn điện), với giá thỏa thuận 400.000 đồng/đồng hồ, tùy theo đường dây dài hay ngắn, nhưng khi gắn đồng hồ, ông Khánh gắn không đầy đủ thiết bị an toàn cho dân (chỉ có đồng hồ điện, không có đuôi cá, sứ cách điện, dây an toàn đồng hồ...). Khi công nhân phát hiện đóng góp thì ông Khánh không nhận”.

Ông Trần Khắc Thiện, Ủy viên kiểm tra BCH công đoàn cơ sở HTX điện nông thôn Thạnh Thắng cùng một số công nhân trong tổ kỹ thuật điện trực tiếp làm theo sự chỉ đạo của ông Khánh, bức xúc nói: “Năm 2005, ông Khánh có điều động anh em đi tháo số dây đồng ở tuyến C1 và B1 (do trước đây bà con đóng tiền làm đường hạ thế với giá 110.000 đồng/1.000m2 đất) mang về cất giấu nhiều nơi, trong đó, để tại nhà ông Khánh một phần. Thời gian sau, số dây đó “không cánh mà bay”. Công nhân trong tổ thắc mắc, ông Khánh bảo đã bán để đầu tư tuyến kênh C1. Muốn tìm hiểu sự thật, anh em hỏi thủ quỹ HTX và được ông Dũng khẳng định, không nhận được số tiền bán dây đồng nhập vào quỹ HTX, còn tiền đầu tư tuyến điện C1 thì trích từ ngân sách của HTX. Khoảng tháng 4-2007, ông Khánh tiếp tục phân công số công nhân kỹ thuật gỡ thêm dây điện trên một số tuyến ở ấp Phụng Quới mang để ở nhà ông Thường (Chủ nhiệm HTX) khoảng 400- 500kg. Còn khoảng 530kg gỡ tuyến Kênh C1, ông Khánh kêu mang về nhà ông Phan Đình Phùng (ấp C1), sau đó đem bán giá 105.000 đồng/kg (ông Khánh có dặn công nhân nên giấu ông Thường vụ việc này). Trong khi gắn môtơ điện 3 pha cho một số hộ dân phục vụ sản xuất nông nghiệp, ông Khánh yêu cầu dân chỉ cần mua phụ kiện, còn đồng hồ để ông mua giùm có giấy kiểm nghiệm, sợ bà con mua nhầm đồng hồ kém chất lượng. Qua xác minh, chúng tôi phát hiện ông Khánh mua đồng hồ tại Long Xuyên với giá 750.000 đồng/cái, nhưng về thu của dân là 1.150.000 đồng/cái, số tiền chênh lệch đó ông Khánh bỏ túi riêng”.

Bà Phạm Ngọc Phụng, ấp Phụng Quới A, xã Thạnh Thắng, cho biết: “Tháng 11-2007, ông Khánh có hợp đồng gắn đồng hồ điện cho gia đình tôi cùng bà con trong xóm với giá 500.000 đồng/đồng hồ, nhưng rất cẩu thả, không sử dụng được. Thay vì ổn áp và cầu dao điện gắn cách biệt, còn đàng này ông Khánh câu trực tiếp vào ổn áp; dây bóng đèn, đồng hồ điện thì không có đồ chụp an toàn... Khoảng một tháng sau, ông Khánh cho người đến sửa lại, đòi tôi đóng thêm 25.000 đồng. Sau đó, gia đình tôi phát hiện đồng hồ chạy quá nhanh, nhiều lần yêu cầu thay đồng hồ khác, nhưng ông Khánh vẫn không thay. Còn đường dây điện thì không có trụ, chống tạm bằng cây tre, là đà trên mái nhà rất nguy hiểm. Trước Tết Nguyên đán, lúc đó khoảng 7 giờ tối, dây điện này chạm vào mái tôn nhà tôi nẹt lửa (với sự chứng kiến đông đảo người dân) suýt gây cháy nổ, gia đình rất lo sợ”.

Ngày 26-2-2008, trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quốc Khánh lý giải: “Tôi phụ trách tổ kỹ thuật điện nên phải lựa chọn công nhân có tay nghề mới phân công. Việc gắn đồng hồ điện 3 pha theo yêu cầu của dân, vì sợ dân mua nhầm đồng hồ không chất lượng bị hư hỏng HTX không chịu trách nhiệm nên dân có nhờ mua giùm. Tôi đến Điện lực An Giang mua giá 900.000 đồng/cái, có cả 3 cục xiết cáp và tính luôn tiền công lắp đặt, tôi thu của dân 1.150.000 đồng/cái. Trong việc trao 1 triệu đồng cho 5 công nhân dự lớp tập huấn ở Cần Thơ, số tiền ông Thường không đưa trực tiếp mà nhờ ông Phan Đình Phùng chuyển cho tôi. Thấy anh em có tiền đi học nên tôi chỉ đưa 500.000 đồng, khi về sẽ đưa tiếp số còn lại. Việc công nhân phản ánh tôi đã chỉ đạo họ gỡ tuyến điện ở ấp Phụng Quới và ấp C1 mang về nhà ông Thường và ông Phan Đình Phùng, tôi xác định là đúng, nhưng sau đó dân tự bán được bao nhiêu tiền thì tôi không rõ...”.

Ông Hoàng Trọng Thường, Chủ nhiệm HTX điện nông thôn Thạnh Thắng, nói: “Qua 4 năm đảm trách Phó chủ nhiệm HTX, do thái độ cư xử, cách điều hành quản lý của ông Khánh đã làm mất lòng rất nhiều xã viên. Trong phân công công tác cho xã viên không đồng đều. Việc làm dịch vụ, ông Khánh chỉ giành riêng cho mình... BCN đã nhiều lần họp chấn chỉnh, ông Khánh hứa khắc phục, nhưng sau đó lại tái phạm. Ngày 24-2-2008, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở HTX điện đã tổ chức cuộc họp bất thường để giải quyết về mối quan hệ, cách điều hành quản lý và các vấn đề kỹ thuật điện của HTX đối với ông Khánh... Tại cuộc họp, ông Khánh đã nhận thiếu sót và hứa sửa chữa. Cuộc họp thống nhất bãi nhiệm chức Phó Chủ nhiệm HTX đối với Vũ Quốc Khánh trong 6 tháng, chờ UBND xã xử lý. Nếu ông không tiến bộ, công đoàn HTX đề xuất BCN có hướng xử lý theo Luật HTX và các qui định Bộ luật Lao động. Đối với việc ông Khánh chỉ đạo cắt bán dây điện, các xã viên đề nghị chờ cơ quan chức năng giải quyết sau”.

Ông Trần Xuân Long, Chủ tịch UBND xã Thạnh Thắng, cho biết: “Năm 2007, TP Cần Thơ đầu tư hơn 3 tỉ đồng để thay toàn bộ đường dây điện trung, hạ thế của 5 ấp trong xã Thạnh Thắng. Huyện Vĩnh Thạnh cho phép xã bán phế liệu gồm số dây điện cũ (dây nhôm) và 180 trụ điện, với giá 18.000 đồng/kg và 100.000 đồng/trụ điện, tổng số tiền khoảng 219 triệu đồng. Còn 80 trụ điện đưa vào công trình điện đoạn Kênh D đến cuối Kênh C, D giáp huyện Thoại Sơn (An Giang). Tất cả tiền bán được của ấp nào, xã giao cho ấp đó quản lý để tu sửa, cải tạo hệ thống chiếu sáng công cộng... Sau khi nghe các xã viên HTX điện phản ánh, chúng tôi đã yêu cầu ông Khánh làm tường trình. HTX cũng đã hội nghị xã viên bất thường để làm rõ vấn đề liên quan đến đơn thư tố cáo quá trình sai phạm của ông Khánh. Ban Chấp hành Công đoàn HTX đã thống nhất bãi nhiệm chức Phó Chủ nhiệm HTX điện đối với ông Vũ Quốc Khánh, thời gian 6 tháng. Sau đó, chúng tôi sẽ báo cáo Đảng ủy để có hướng giải quyết”.

Được biết, hiện nay, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an huyện Vĩnh Thạnh đã vào cuộc để làm rõ các vấn đề thu chi tài chính không rõ ràng ở HTX điện nông thôn Thạnh Thắng. Không chỉ xã viên HTX mà người dân địa phương cũng mong muốn vụ việc nhanh chóng được làm rõ, những sai phạm được xử lý nghiêm, đúng qui định pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho xã viên HTX, cũng như quyền lợi của người dân nông thôn trong việc sử dụng điện.

Bài, ảnh: NGUYỄN KIM

Chia sẻ bài viết