HẠNH NGUYÊN (Theo Flight Global, Middle East Eye)
Thổ Nhĩ Kỳ vừa hạ thủy tàu sân bay mới có khả năng mang theo nhiều máy bay không người lái (UAV) và trực thăng, thay vì các chiến đấu cơ thông thường. Các chuyên gia gọi tàu TCG Anadolu là “kẻ thay đổi cuộc chơi” của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ giữa lúc nước này muốn thể hiện sức mạnh trong khu vực.

Tàu sân bay TCG Anadolu là chiến hạm lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: West Observer
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10-4 cho biết tàu sân bay TCG Anadolu đã chính thức được biên chế cho hải quân nước này. Phát biểu tại lễ bàn giao, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mô tả TCG Anadolu là chiến hạm đầu tiên trên thế giới mà các trực thăng lớn và nặng nhất cũng như UAV đều có thể cất và hạ cánh.
TCG Anadolu là tàu sân bay hạng nhẹ, tương tự các tàu tấn công đổ bộ lớp America của Mỹ hoặc tàu sân bay lớp Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh. Những chiến hạm này đều nhỏ hơn các siêu tàu sân bay lớp Ford và Nitmitz của Hải quân Mỹ, vốn sử dụng hệ thống phóng máy bay và dây cáp bắt giữ để phóng/thu hồi các máy bay cánh cố định. Tàu sân bay lớp Nitmitz có sàn đáp dài 333m, trong khi TCG Anadolu chỉ dài 231m và rộng 32m.
Các tàu nhỏ hơn như HMS Queen Elizabeth và TCG Anadolu được thiết kế để mang theo các máy bay phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL), bao gồm F-35B của Hãng Lockheed Martin và AV-8B Harrier II của Boeing.
Thổ Nhĩ Kỳ đã có kế hoạch sử dụng chiến đấu cơ F-35B trên tàu TCG Anadolu. Tuy nhiên, kế hoạch bị hủy vào năm 2019 khi Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình phát triển F-35 do đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã hai lần đàm phán về khả năng khôi phục 100 chiếc F-35 mà Ankara muốn “tậu”, nhưng không đạt nhiều tiến triển.
Do thiếu F-35, Thổ Nhĩ Kỳ chuyển hướng tập trung sang các UAV nội địa có thể phóng từ tàu. TCG Anadolu gây chú ý bởi đây là hàng không mẫu hạm đầu tiên có phi đội máy bay chủ yếu được cấu thành từ các UAV.
“Cõng” nhiều máy bay mới
Được biết, vũ khí, hệ thống quản lý chiến đấu, tác chiến điện tử, tìm kiếm và theo dõi bằng tia hồng ngoại, tìm kiếm quang điện, cảnh báo laser, hệ thống phòng thủ ngư lôi và các radar của tàu TCG Anadolu đều được phát triển trong nước.
TCG Anadolu có thể triển khai 10 trực thăng hoặc 11 UAV vũ trang trên sàn đáp và cất giữ 19 trực thăng hoặc 30 trực thăng vũ trang trong nhà chứa máy bay. Ngoài ra, tàu còn có thể mang theo 94 phương tiện, bao gồm 13 xe tăng, 27 phương tiện tấn công đổ bộ bọc thép, 6 thiết vận xa… Thủy thủ đoàn của tàu lên đến 1.400 người.
Video về lễ hạ thủy TCG Anadolu cho thấy nhiều máy bay trên sàn đáp, bao gồm trực thăng chiến đấu AH-1W Super Cobra, S-70B Seahawk và UAV nội địa Bayraktar TB-2 (Baykar). Hãng Baykar đang phát triển Bayraktar Kizilelma, loại UAV cánh cố định và dự kiến sẽ gia nhập phi đội máy bay hoạt động trên tàu TCG Anadolu. Kizilelma đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12-2022. Hãng mô tả Kizilelma sở hữu “tính năng tàng hình mạnh nhất trước radar và khả năng hoạt động lợi hại”. UAV một động cơ này cũng có thể cất và hạ cánh trên các tàu sân bay có đường băng ngắn, thực hiện nhiệm vụ tấn công bằng đạn có sẵn.
Baykar cũng đang phát triển TB-3 với khả năng phóng và trở về tàu sân bay đường băng ngắn. Đây là máy bay “kế nhiệm” của chiếc TB-2 đang rất thịnh hành. Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo trực thăng tấn công hạng nặng T-929 để sau này thay thế các trực thăng Super Cobra của Mỹ trên tàu sân bay TCG Anadolu. Tiêm kích hạng nhẹ Hurjet cũng sẽ được đưa lên TCG Anadolu trong tương lai.
Theo Tổng thống Erdogan, nhờ chở theo xe tăng và các phương tiện tấn công đổ bộ bọc thép, tàu sân bay TCG Anadolu có khả năng thực hiện các chiến dịch quân sự và nhân đạo ở mọi ngóc ngách trên thế giới khi cần. Do trang bị cả bệnh viện và các phòng phẫu thuật trên tàu, TCG Anadolu có thể cung cấp hỗ trợ y tế trong các chiến dịch cứu trợ thảm họa thiên tai, viện trợ nhân đạo và sơ tán người.