18/02/2025 - 19:53

Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khÓA XV

Bầu bổ sung 2 Phó Thủ tướng và 2 Phó Chủ tịch Quốc hội 

 Thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)

Các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước chúc mừng các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng nhận nhiệm vụ mới. Ảnh: quochoi.vn

Chiều 18-2, Quốc hội cũng đã tiến hành các bước theo quy trình và bỏ phiếu kín bầu Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội khóa XV; phê chuẩn bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021-2026. Cụ thể, bầu Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XV đối với ông Lê Minh Hoan và ông Vũ Hồng Thanh; bầu Ủy viên UBTVQH khóa XV đối với ông Phan Văn Mãi; bầu Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội khóa XV, gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đối với ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính đối với ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Ðối ngoại đối với ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội đối với ông Nguyễn Ðắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu đối với bà Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát đối với ông Dương Thanh Bình; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Mai Văn Chính và ông Nguyễn Chí Dũng và các Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021-2026, gồm: Bộ trưởng Bộ Xây dựng đối với ông Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đối với ông Ðỗ Ðức Duy, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo đối với ông Ðào Ngọc Dung.

Quốc hội biểu quyết thông qua 5 dự thảo Nghị quyết:

Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XV: có 461 đại biểu tán thành/461 đại biểu tham gia biểu quyết.

Nghị quyết bầu Ủy viên UBTVQH khóa XV: 446 đại biểu tán thành/446 đại biểu tham gia biểu quyết.

Nghị quyết bầu Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội khóa XV: 447 đại biểu tán thành/447 đại biểu tham gia biểu quyết.

Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026: 448 đại biểu tán thành /448 đại biểu tham gia biểu quyết.

Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021-2026: 456 đại biểu tán thành/457 đại biểu tham gia biểu quyết.

► Sáng cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Ðịnh, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao: 463/465 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 96,86% tổng số đại biểu Quốc hội.

Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 5 chương, 32 điều. Theo đó, về vị trí, chức năng của Chính phủ, Luật quy định: Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước.

Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Việc thành lập, bãi bỏ Bộ, cơ quan ngang Bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới thành lập Chính phủ.

Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, Luật quy định tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; bảo đảm bình đẳng giới. Tổ chức bộ máy hành chính quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm nguyên tắc cơ quan cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh quyết định của cơ quan cấp trên.

Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và chức năng, phạm vi quản lý giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ; bảo đảm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Phân quyền, phân cấp hợp lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Thực hiện quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; phục vụ nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân. Chủ động tham gia, phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm soát của Chính phủ đối với nền hành chính quốc gia và việc thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp.

Về chế độ làm việc của Chính phủ và từng thành viên Chính phủ, Luật quy định: Chế độ làm việc của Chính phủ, các thành viên Chính phủ được thực hiện trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và đề cao trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, từng thành viên Chính phủ theo quy định của pháp luật. Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ.

Về hình thức hoạt động của Chính phủ, Luật quy định: Chính phủ họp thường kỳ mỗi tháng 1 phiên; họp chuyên đề, họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, theo yêu cầu của Chủ tịch nước hoặc của ít nhất 1/3 tổng số thành viên Chính phủ. Trong trường hợp Chính phủ không họp, Thủ tướng Chính phủ quyết định gửi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ bằng văn bản. Chính phủ họp theo yêu cầu của Chủ tịch nước để bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước. Khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ phải lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Ðổi mới hình thức hoạt động của Chính phủ gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính linh hoạt, hiệu quả và xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số.

Về hiệu lực thi hành, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2025. Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 47/2019/QH14 và Luật số 20/2023/QH15 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

► Sau khi biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Quốc hội họp riêng về: cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội; số thành viên của UBTVQH khóa XV (sửa đổi). Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, với 465 đại biểu tán thành trong 467 đại biểu tham gia biểu quyết; thông qua Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, với 444 đại biểu tán thành trong 445 đại biểu tham gia biểu quyết. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội, với 463 đại biểu tán thành trong 464 đại biểu tham gia biểu quyết; thông qua Nghị quyết về số thành viên của UBTVQH khóa XV (sửa đổi), với 450 đại biểu tán thành trong 451 đại biểu tham gia biểu quyết.

Quốc hội cũng đã tiến hành các bước theo quy trình để miễn nhiệm chức vụ Ủy viên UBTVQH khóa XV đối với bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng để nhận nhiệm vụ thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Ðại hội XIV của Ðảng; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Thanh Nghị và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Huỳnh Thành Ðạt.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đại biểu bỏ phiếu bầu Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy viên UBTVQH; Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: quochoi.vn

Quốc hội cũng đã nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình đề nghị bầu Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội khóa XV; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng nhiệm kỳ 2021-2026. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại đoàn về các nội dung trên.

Theo TTXVN 

    

 

Chia sẻ bài viết