Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã ra sắc lệnh tạm dừng viện trợ nước ngoài của Mỹ ít nhất 90 ngày và đe dọa giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Ðộng thái này của ông Trump đã làm rúng động trong và ngoài nước Mỹ, nhất là tại các quốc gia vốn lâu nay dựa nhiều vào các chương trình viện trợ của xứ cờ hoa, đồng thời được cho mang lại cơ hội cho Trung Quốc.

Biểu tượng của USAID.
USAID phung phí, không phục vụ lợi ích Mỹ?
Ðược cố Tổng thống John F. Kennedy thành lập vào năm 1961 theo Ðạo luật Hỗ trợ Nước ngoài, USAID là cơ quan chính của Chính phủ Mỹ về viện trợ nhân đạo và phát triển quốc tế. Mục tiêu của USAID là giảm nghèo, chống dịch bệnh, cung cấp viện trợ nhân đạo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia đang phát triển, đồng thời nâng cao các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ. Hoạt động tại hơn 130 quốc gia, USAID điều hành hơn 60 phái bộ khu vực và có hơn 10.000 nhân viên, trong đó 2/3 làm việc tại nước ngoài.
Theo báo cáo của Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội Mỹ hồi tháng 1, trong năm tài chính 2023, USAID quản lý quỹ hơn 43 tỉ USD, chiếm hơn 1/3 tổng ngân sách viện trợ nước ngoài của Mỹ, chủ yếu được phân bổ vào 3 lĩnh vực chính, gồm 16,8 tỉ USD cho quản trị, 10,5 tỉ USD cho viện trợ nhân đạo và 7,0 tỉ USD cho y tế. Theo báo cáo, khoảng 70 trong số 77 quốc gia được Ngân hàng Thế giới xếp vào nhóm thu nhập thấp và trung bình thấp đã nhận viện trợ từ USAID vào năm 2023.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump cho rằng USAID không phục vụ lợi ích Mỹ và phung phí ngân sách vào các dự án gây tranh cãi. "Ðây là tiền của người nộp thuế. Chúng ta nợ người dân Mỹ lời đảm bảo rằng mỗi USD chúng ta chi ra nước ngoài đều được chi cho mục đích thúc đẩy lợi ích của chúng ta" - Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, Quyền Giám đốc USAID, nhấn mạnh.
Ðáng chú ý, thượng nghị sĩ Joni Ernst đã liệt kê hàng loạt ví dụ để chứng minh rằng "USAID là một trong những cơ quan lãng phí ngân sách nghiêm trọng nhất ở Mỹ", trong đó gồm số tiền 2 triệu USD cho các lớp học làm gốm ở Maroc, khoảng 2 triệu USD tài trợ cho các chuyến đi đến Lebanon, hơn 1 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán (Trung Quốc), 20 triệu USD để sản xuất chương trình Sesame Street tại Iraq và 9 triệu USD viện trợ nhân đạo bị cho là đã rơi vào tay các tổ chức khủng bố. Chính quyền Mỹ cũng đã chỉ ra các khoản chi tiêu gây lãng phí của USAID như 2 triệu USD tài trợ cho hoạt động LGBTQ và phẫu thuật chuyển giới ở Guatemala, 6 triệu USD phát triển du lịch ở Ai Cập. Chưa kể, USAID còn bị cáo buộc có liên quan đến các hoạt động mờ ám trong việc quản lý tài chính.
Trong bức thư gửi Ngoại trưởng Rubio hôm 5-2, bà Ernst đã đề cập đến trường hợp của Chemonics, một nhà thầu của USAID. Theo đó, Chemonics đã tính phí quá cao cho chính phủ liên bang "lên đến 270 triệu USD tính đến năm tài khóa 2019" và thậm chí còn bị nghi ngờ "có thể đã hối lộ cho các nhóm khủng bố".
Lợi bất cập hại
Ðộng thái trên của Tổng thống Trump đang làm tê liệt hoạt động ứng phó nạn đói trên toàn cầu. Trong nhiều năm qua, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho các chương trình cứu đói trên thế giới. Ước tính, Washington đã cung cấp 64,6 tỉ USD viện trợ nhân đạo trong vòng 5 năm, chiếm ít nhất 38% tổng số đóng góp được Liên Hiệp Quốc (LHQ) ghi nhận. Mặc dù Ngoại trưởng Rubio nói rằng quyết định đình chỉ viện trợ nước ngoài của Tổng thống Trump vẫn cho phép Mỹ tiếp tục hỗ trợ cho các chương trình lương thực khẩn cấp, nhưng hoạt động cứu đói quốc tế vẫn bị chững lại do vấp phải khó khăn.
Ngoài ra, theo Reuters, khoản viện trợ bằng tiền mặt của Mỹ nhằm giúp người dân ở Sudan và Dải Gaza mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm cũng đã bị dừng lại. Chịu chung số phận là các bếp ăn cộng đồng do tình nguyện viên điều hành để giúp cung cấp thực phẩm cho người dân Sudan ở những khu vực không thể tiếp cận được với viện trợ truyền thống. Marcia Wong, cựu quan chức cấp cao của USAID, cho biết vì các tổ chức nhân đạo phải chờ được chấp thuận để phân phối, khoảng 500.000 tấn thực phẩm trị giá 340 triệu USD đang bị giữ lại và có nguy cơ bị hỏng trước khi kịp đến tay người nghèo đói.
Các nhóm nhân đạo và các dự án y tế trên khắp thế giới cũng đang dần tê liệt do lệnh đóng băng viện trợ của ông Trump. Theo đó, các phòng khám điều trị HIV được ca ngợi đã cứu sống hơn 20 triệu người ở châu Phi phải đóng cửa, việc giám sát và triển khai các đội phản ứng nhanh đối với các bệnh truyền nhiễm như dịch Ebola bùng phát ở Uganda cũng bị dừng lại. Bên cạnh đó, chương trình phòng chống sốt rét PMI cũng gặp nhiều thách thức. Các chuyên gia cảnh báo động thái này có nguy cơ khiến nhiều người trên toàn thế giới tử vong.
Ðộng thái trên của Tổng thống Trump cũng là một đòn tấn công dữ dội đối với USAID. Theo Reuters, hơn 10.000 nhân viên USAID phải nghỉ làm, 2/3 số nhân viên hoạt động ở nước ngoài phải chuẩn bị kế hoạch hồi hương trong vòng 30 ngày.
Trung Quốc "hưởng lợi"?
Giới phân tích lo ngại rằng việc Mỹ "đóng băng" cơ quan viện trợ lớn nhất thế giới sẽ là cơ hội để Trung Quốc lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại. "Trung Quốc đã chi hàng trăm tỉ USD cho nhiều quốc gia, bởi Trung Quốc muốn lôi kéo họ vào phạm vi ảnh hưởng của nước này" - Thượng nghị sĩ Chris Coons nói với tờ Bưu điện Washington.
Ðồng quan điểm, giáo sư Huang Yanzhong thuộc Hội đồng Ðối ngoại Quốc tế nhận định: "Mỹ đang trải thảm mời Trung Quốc đến với cơ hội mở rộng ảnh hưởng. Những gì ông Trump đang làm về cơ bản là mở ra cơ hội hoàn hảo cho Trung Quốc để định hình lại quyền lực mềm và hướng tới lộ trình lãnh đạo toàn cầu".
Tờ Business Insider dẫn lời Jeremy Chan, chuyên gia cấp cao về Trung Quốc và Ðông Bắc Á tại Eurasia Group, cũng cho rằng việc USAID kết thúc chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc, ngay cả khi điều đó không thay đổi ngay lập tức chiến lược phát triển quốc tế của Bắc Kinh.
Năm 2018, Chính phủ Trung Quốc sáng lập Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc (ChinaAid) để hợp lý hóa chi tiêu của Trung Quốc, gồm sáng kiến "Vành đai, Con đường (BRI)". Khác với USAID, ChinaAid tập trung nhiều hơn vào những khoản vay và các dự án cơ sở hạ tầng thay vì hợp tác với các tổ chức địa phương. Trung tâm Phát triển và Tài chính Xanh thuộc Ðại học Phục Ðán ước tính, khoảng 145-149 quốc gia đã tham gia hoặc bày tỏ ý định hợp tác với BRI. Ðáng chú ý, Trung Quốc hồi năm 2023 thông qua BRI đã đầu tư 7,3 tỉ USD vào Indonesia, 4,5 tỉ USD vào Hungary và 2,9 tỉ USD vào Peru. Tại châu Phi, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất từ năm 2009, với hàng loạt dự án đường bộ, đường sắt và cảng biển mới được xây dựng. Ðặc biệt, Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 9 năm ngoái đã cam kết hỗ trợ tài chính hơn 50 tỉ USD cho châu Phi nhằm củng cố quan hệ của Bắc Kinh với các nước đang phát triển trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ và phương Tây leo thang.
Giới phân tích cho rằng dù không thể ngay lập tức thay thế vai trò của USAID, Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội này để gia tăng ảnh hưởng, đặc biệt là ở các khu vực chiến lược như châu Phi. Mark Bohlund, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại REDD Intelligence, cho rằng việc Mỹ cắt giảm viện trợ có thể cho phép Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn tại khu vực.
Viện trợ và quyền lực mềm
Ðược thành lập vào thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đóng vai trò là nền tảng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Liên Xô. Khi triển khai ý tưởng về USAID, Tổng thống John F. Kennedy thời đó lập luận rằng với tư cách là quốc gia giàu có nhất trên hành tinh, nước Mỹ "có nghĩa vụ đạo đức và tài chính" cung cấp viện trợ cho nước ngoài.
Ngày nay, mục tiêu chính của USAID là chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga. Ưu tiên trợ giúp của USAID là những quốc gia có tầm quan trọng chiến lược và các nước đang có xung đột. Có thể thấy các quốc gia nhận viện trợ nhiều nhất của USAID trong năm 2023 là Ukraine, Ethiopia, Jordan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Somalia, Yemen, Afghanistan, Nigeria, Nam Sudan
và Syria.
USAID không chỉ viện trợ nhân đạo, y tế, giáo dục, sức khỏe, môi trường, kinh tế mà cả thúc đẩy an ninh, quản trị và dân chủ. Thông qua các hoạt động của USAID, Chính phủ Mỹ muốn chứng tỏ với thế giới rằng họ là quốc gia nhân từ, rộng lượng. Vì lẽ đó, USAID trở thành công cụ chính thể hiện hình ảnh, vị thế và "quyền lực mềm" của Mỹ. Và viện trợ nước ngoài nói chung được coi là bộ phận cấu thành "sức mạnh mềm" của Mỹ, bên cạnh "sức mạnh cứng" là quân sự, kinh tế. Nối bước Mỹ, các nước lớn khác lần lượt thành lập cơ quan tương tự và viện trợ nước ngoài được sử dụng nhằm tranh giành ảnh hưởng ra bên ngoài.
ĐỨC TRUNG
TRÍ VĂN (Tổng hợp)