28/11/2020 - 10:06

Hội LHPN phường Thuận Hưng

Thiết thực giúp hội viên phát triển kinh tế 

Hội LHPN phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt vừa ra mắt mô hình Tổ liên kết hợp tác (LKHT) bánh tráng với 15 thành viên. Tham gia mô hình, các thành viên được hỗ trợ vay vốn mua sắm nguyên vật liệu, xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây là một trong những mô hình giải quyết việc làm hiệu quả, giúp nhiều lao động nhàn rỗi có thu nhập ổn định 3-6 triệu đồng/người/tháng...

Nhờ số vốn hỗ trợ của Hội, chị Ngọc Lan (thứ 3, từ trái sang) khởi sự kinh doanh tiệm tóc hiệu quả, thu nhập ổn định.

Nhờ số vốn hỗ trợ của Hội, chị Ngọc Lan (thứ 3, từ trái sang) khởi sự kinh doanh tiệm tóc hiệu quả, thu nhập ổn định.

Cơ sở sản xuất bánh tráng Thanh Cảnh của chị Nguyễn Thị Thanh Cảnh - Tổ phó Tổ LKHT bánh tráng đang giải quyết việc làm cho 3 hội viên, phụ nữ. Theo chị Thanh Cảnh, gia đình chị đã làm nghề khoảng 10 năm nay. Ban đầu, chỉ làm ít bánh; dần về sau, được vay vốn, chị mở rộng sản xuất. Đến nay, cơ sở đã có nguồn khách hàng ổn định. Hằng tháng, sau khi trừ chi phí, chị còn lời hơn 10 triệu đồng. Chị Thanh Cảnh cho biết: "Lúc trước, làm bánh tráng chỉ bán cho bà con địa phương, tôi chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu. Khi tham gia mô hình, tôi đã đăng ký in bao bì, dán nhãn lên sản phẩm".

Chị Biện Thị Bé Hai, đang phụ việc cho cơ sở chị Cảnh, kể: "Tôi có 2 con nhỏ, chồng làm mướn. Trước đây, tôi chỉ ở nhà nội trợ, chăm sóc con. Tôi được cô Cảnh động viên qua phụ làm bánh, tôi làm công đoạn phơi bánh, được trả công mỗi ngày 100.000 đồng". Hoàn cảnh gia đình chị Huỳnh Thị Kim Xuyến cũng rất khó khăn. Gia đình không có đất sản xuất, 4 người con của chị đều đang đi học. Được sự động viên của chị Cảnh, chị Xuyến tranh thủ thời gian nhàn rỗi, phụ việc tại cơ sở và được trả công 150.000 đồng/ngày. Nhờ vậy, chị có thu nhập ổn định để chăm lo các con.

Bà Hà Thị Sáu, Tổ trưởng Tổ LKHT bánh tráng cho biết, cơ sở sản xuất bánh tráng của bà đã hoạt động hơn 10 năm qua. Hiện nay, cơ sở có các loại bánh: bánh tráng ruốc, bánh tráng ngọt, bánh tráng dừa... Ngoài 4 thành viên của gia đình, bà thuê thêm 2 lao động nữ thường xuyên phụ việc, làm các công đoạn tráng bánh và phơi bánh. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng bà Sáu thu về hơn 20 triệu đồng. Bà Sáu cho biết: "Tổ đang giải quyết việc làm cho khoảng 30 người, với thu nhập trung bình 3-6 triệu đồng/người/tháng".

Theo bà Huỳnh Thị Pha, Chủ tịch Hội LHPN phường Thuận Hưng, mô hình hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và khởi sự kinh doanh được Hội xây dựng từ năm 2018 cũng đang phát huy hiệu quả. Trong đó, nhiều chị đã khởi sự kinh doanh thành công từ sự hỗ trợ vốn của Hội. Điển hình như chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, hội viên Chi hội Phụ nữ khu vực Tân Thạnh. Chị Ngọc Lan kể, vợ chồng chị làm nghề tóc ở TP Hồ Chí Minh gần chục năm, năm 2018, chị gom góp vốn liếng về quê mở tiệm làm tóc. Ban đầu, do vốn eo hẹp, chị Lan mở tiệm nhỏ; sau này, được Hội LHPN phường hỗ trợ vay 50 triệu đồng, chị đầu tư mở rộng mặt bằng và mua thêm nguyên phụ liệu ngành tóc. Nhờ khéo tay, ân cần phục vụ khách hàng, đến nay, tiệm của chị đã có lượng khách ổn định, với thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng.

Để tạo điều kiện cho chị em tăng thu nhập, năm 2019, Hội LHPN phường Thuận Hưng mở 1 lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho hơn 300 lượt hội viên, con em hội viên. Hiện nay, Hội quản lý có hiệu quả 8 tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ hơn 12 tỉ đồng giúp các hội viên mua bán nhỏ, chăn nuôi, cải tạo vườn, đầu tư sản xuất… Năm 2020, Hội vận động 3.000kg gạo cấp cho hội viên, phụ nữ nghèo trên địa bàn phường; tặng 120 phần quà cho cán bộ Hội dịp lễ, Tết (mỗi phần trị giá 150.000 đồng). Đồng thời, vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân cất mới 2 căn nhà tình thương cho hội viên phụ nữ nghèo, với tổng trị giá  95 triệu đồng... Từ những việc làm thiết thực, trong năm 2020, Hội đã giúp đỡ 37 hộ hội viên phụ nữ thoát nghèo.

Bà Huỳnh Thị Pha cho biết: "Hội LHPN phường sẽ tiếp tục nâng chất và nhân rộng các mô hình hỗ trợ hội viên phụ nữ làm kinh tế hiệu quả. Đồng thời, chủ động xây dựng thêm nhiều mô hình mới, thiết thực, phù hợp thực tế của địa phương... giúp hội viên phụ nữ có thu nhập, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm, bình đẳng….". 

Bài, ảnh: Tâm Khoa

Chia sẻ bài viết