01/04/2008 - 09:39

Thị trường tiêu thụ vũ khí mới của phương Tây

Quân đội Croatia. Ảnh: Morh.hr

Để thể hiện “thiện chí” muốn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Gruzia bắt đầu thay đổi các loại vũ khí từ đời Liên Xô bằng phương tiện quân sự của Mỹ và phương Tây. Và cũng trong nỗ lực đó, các nước vùng Balkan gồm Croatia, Macedonia và Albanie đang là ứng cử viên tham gia NATO (có thể được kết nạp trong Hội nghị cấp cao NATO diễn ra tại Burachest, Roumanie từ ngày mai 2-4 đến 4-4) đã lên kế hoạch chuyển đổi trang thiết bị quân sự. Sự đổi mới này đang tạo nên thị trường tiêu thụ vũ khí khổng lồ cho các tập đoàn quốc phòng phương Tây.

Để đáp ứng điều kiện gia nhập NATO, đầu năm 2008, Croatia đã hủy bỏ luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc và dự định cắt giảm quân số còn khoảng 16.000 binh sĩ chuyên nghiệp. Theo kế hoạch đến năm 2015, Croatia sẽ đầu tư trên dưới 2 tỉ euro để hiện đại hóa các lực lượng vũ trang. Năm ngoái, nước này đã đặt mua một loạt xe bọc thép Patria của Phần Lan và dự định sẽ sắm 12 máy bay chiến đấu trong năm nay. Những loại chiến đấu cơ như Gripen của Thụy Điển, Eurofighter của châu Âu và F-16 của Mỹ đang là “ứng cử viên” sáng giá cho kế hoạch quân sự của Croatia. Hải quân Croatia cũng sẽ được trang bị tàu chiến mới.

Albanie sẽ hoàn toàn chấm dứt luật nghĩa vụ quốc gia vào đầu năm 2010 và các lực lượng vũ trang 14.500 người của nước này sẽ được chuyên nghiệp hóa. Những chiếc chiến đấu cơ MiG và xe tăng cũ kỹ đời Liên Xô đang được tháo gỡ để bán phế liệu. Nước này dự tính sẽ mua nhiều xe bọc thép, máy bay lên thẳng và tàu ngầm của Mỹ hoặc châu Âu. Dù súng tiểu liên Kalashnikov vẫn còn được phép sử dụng nhưng chính quyền Albanie đã lần lượt gởi tặng cho quân đội Iraq.

Macedonia đã hủy bỏ luật thi hành nghĩa vụ quân sự bắt buộc vào năm 2006 và chuyển 7.800 binh sĩ còn tại ngũ lên chuyên nghiệp. Dù binh sĩ có quyền chọn một khẩu súng Kalashnikov để trang bị cho riêng mình, nhưng các đội đặc nhiệm phải sử dụng súng tự động hoặc bắn tỉa do phương Tây sản xuất. Về mặt lý thuyết, quân đội Macedonia đã rút giấy phép sử dụng súng Kalashnikov nhưng chưa quyết định nên chính thức trang bị loại vũ khí cầm tay của nước nào cho binh sĩ của mình. Trong khi đó, phần lớn xe tăng thời Liên Xô đã được tháo rời, chỉ còn một tiểu đoàn xe tăng 32 chiếc T-72s và 10 chiếc máy bay lên thẳng MI-24 của Nga.

Tuy lực lượng quân đội của Croatia, Macedonia và Albanie không đông nhưng cả 3 quốc gia vùng Balkan này đều cử quân ra nước ngoài hỗ trợ các chiến dịch quân sự của Mỹ và NATO. Albanie có tổng cộng 280 binh sĩ phục vụ tại Afghanistan, Iraq, Bosnia và Gruzia. Macedonia có 237 lính trên chiến trường Afghanistan, Iraq và Bosnia. Croatia có 45 sĩ quan trong các sứ mạng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại nước ngoài cùng 200 binh sĩ do NATO dẫn dắt tại Afghanistan.

V.P (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết