17/04/2024 - 12:46

Thế hệ Z Trung Quốc “thắt lưng buộc bụng” 

Ở tuổi 24, Zhang Ru không phải là khách hàng mục tiêu của một quán ăn công cộng ở thành phố Thượng Hải, bởi quán ăn trông sạch sẽ và sáng sủa này thường phục vụ những người lớn tuổi với những bữa ăn giá rẻ.

Thế hệ Z Trung Quốc “chuộng” ăn uống ở vỉa hè. Ảnh: AFP

Song, quán ăn nói trên trong năm qua đã trở thành nơi thường xuyên lui tới của Zhang. “Ăn ở đây giúp tôi tiết kiệm được một ít tiền. Nhờ ăn ở đây mà mỗi ngày tôi tốn chưa tới 100 nhân dân tệ” - Zhang cho biết. Zhang nhấn mạnh, sở dĩ cô làm vậy là bởi cần phải tiết kiệm cho tương lai. Một nhân viên phục vụ cho hay những người trẻ tuổi như Zhang hiện chiếm khoảng 1/3 lượng khách hàng của quán.

Trong khi đó, theo tờ Nikkei Asia, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lượt tìm kiếm từ khóa “ngôi chùa” của người dùng Thế hệ Z Trung Quốc (những người được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1997-2012) trên trang web nhà cung cấp dịch vụ đặt chỗ Xiaozhu tăng gấp 24 lần. Việc nghỉ qua đêm tại chùa đã trở thành giải pháp thay thế phổ biến dành cho khách sạn, giúp Thế hệ Z tiết kiệm một khoản không nhỏ, bởi một đêm ở lại chùa chỉ tốn khoảng 80 nhân dân tệ.

Không chỉ tiết kiệm trong việc ăn uống, nghỉ ngơi, những người thuộc Thế hệ Z Trung Quốc còn thể hiện sự “tằn tiện” theo nhiều cách khác nhau, gồm lùng sục các nền tảng thương mại điện tử để tìm hàng giảm giá. Theo một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Truyền thông Thanh Hoa - Nikkei công bố gần đây, trong lễ hội mua sắm Ngày Độc thân (11-11) năm ngoái, 43,4% trong số họ tìm hiểu và chọn mua hàng với mục đích rõ ràng và hơn 30% so sánh giá trên nhiều nền tảng trước khi quyết định “móc hầu bao”. Nghiên cứu còn phát hiện, Thế hệ Z Trung Quốc ngày càng “chuộng” dùng các mặt hàng được sản xuất tại địa phương. Theo đó, 59% trong số họ thích các thương hiệu sản xuất trong nước, so với chỉ 11,8% thích các nhãn hiệu nước ngoài.

Thế hệ Z chiếm 18,4% tổng dân số 1,4 tỉ người của Trung Quốc, nắm giữ chìa khóa cho việc tiêu dùng cũng như nuôi dạy trẻ trong tương lai. Tuy nhiên, họ đồng thời phải đối mặt với gánh nặng của tình trạng kinh tế chậm lại và xã hội già đi. Ước tính, tỷ lệ thất nghiệp ở những người Trung Quốc trong độ tuổi từ 16-24 ở mức 15,3% trong tháng 2, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn quốc là 5,3%.

Hiện “tiêu dùng ngược” hay “nền kinh tế tằn tiện” là những cụm từ thông dụng trên mạng xã hội Trung Quốc. Nó phản ánh cách những người trẻ áp dụng để có thể chi tiêu một cách hợp lý hơn. Julienna Law, biên tập viên tờ Jing Daily, cơ quan truyền thông chuyên theo dõi xu hướng tiêu dùng, nhận xét: “Với sự gia tăng của nền kinh tế tằn tiện, các hoạt động như ăn uống tại các quán ăn công cộng hay mua sắm tại các cửa hàng đồ ăn nhẹ giảm giá đã trở thành chiến lược tiết kiệm tiền phổ biến”.

Xu hướng trên đang khiến các nhà tiếp thị cũng như các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc “đau đầu” trong bối cảnh họ đang cố gắng xoa dịu nỗi lo lạm phát dai dẳng và duy trì mức tăng trưởng GDP khoảng 5%/năm. Chi tiêu hộ gia đình vẫn chậm chạp do sự phục hồi không đồng đều thời “hậu COVID-19”, trong khi tăng trưởng doanh số bán lẻ trong 2 tháng đầu năm 2024 chậm lại, chỉ còn 5,5%, so với mức 7,4% trong tháng 12 năm ngoái.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã thúc giục Bắc Kinh nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc thuyết phục người dân chi tiêu thay vì tiết kiệm để giải quyết tình trạng dư thừa công suất công nghiệp đang tràn ngập thị trường toàn cầu. “Việc dư thừa công suất công nghiệp gây rủi ro không chỉ cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ cũng như nền kinh tế toàn cầu mà còn đặt ra rủi ro cho năng suất và tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc” - bà Yellen nói.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết