19/03/2023 - 07:24

Thế giới trong cuộc đua tàu ngầm hạt nhân 

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Việc Mỹ công bố kế hoạch bán tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc, đồng thời cam kết chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho cả Úc và Anh theo hiệp ước an ninh 3 bên AUKUS được cảnh báo sẽ châm ngòi cho cuộc đua sản xuất tàu ngầm hạt nhân trên thế giới trong bối cảnh nhiều nước đang tăng cường chi tiêu quốc phòng trước các những căng thẳng địa chính trị mới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) và Thủ tướng Anh Rishi Sunak cùng Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại buổi công bố thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân theo hiệp ước AUKUS hôm 13-3. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) và Thủ tướng Anh Rishi Sunak cùng Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại buổi công bố thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân theo hiệp ước AUKUS hôm 13-3. Ảnh: AFP

Công nghệ tàu ngầm hạt nhân là một trong những thiết bị vũ trang bí mật nhất được bảo vệ nghiêm ngặt nhất của Mỹ và cho đến nay, nước này chỉ chia sẻ cho một quốc gia đồng minh duy nhất là Anh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hiện chỉ có 6 quốc gia sở hữu tàu ngầm hạt nhân gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Ấn Độ. Với quốc gia không phải là cường quốc hạt nhân như Úc, việc sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đòi hỏi nước này phải phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân do Mỹ hoặc Anh cung cấp, đồng thời không có nghĩa Canberra sẽ có vũ khí hạt nhân trên tàu ngầm. Tuy nhiên, Mỹ sẽ chia sẻ công nghệ phóng tên lửa thẳng đứng, cho phép tàu ngầm hạt nhân của Úc trong tương lai có khả năng bắn tên lửa siêu thanh vốn có thể tránh hệ thống phòng thủ của đối phương.

Lịch sử tàu ngầm hạt nhân

Hải quân Mỹ năm 1948 thành lập Binh chủng Năng lượng Hạt nhân, bắt đầu cuộc cách mạng trong lĩnh vực động cơ tàu ngầm quân sự. Binh chủng này có nhiệm vụ giám sát quá trình đóng chiếc tàu ngầm đầu tiên trang bị động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân mang tên USS Nautilus.

Thời kỳ đó, việc đưa lò phản ứng hạt nhân lên tàu ngầm được coi là một quyết định rất mạo hiểm, vì một sai sót rất nhỏ có thể biến cả con tàu thành một quả bom nguyên tử khổng lồ. Tuy nhiên, những ưu điểm của động cơ hạt nhân trên tàu ngầm trong những hải trình dài khiến Hải quân Mỹ chấp nhận rủi ro.

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ giúp Hải quân Mỹ giảm bớt số lượng lớn tàu tiếp liệu trên biển, giảm nhu cầu hậu cần trên biển của các hạm đội. Tàu ngầm hạt nhân có phạm vi tác chiến gần như không giới hạn, tốc độ nhanh hơn, hoạt động dễ dàng hơn tàu chạy động cơ diesel.

Chính phủ Mỹ năm 1958 quyết định đưa USS Nautilus thực hiện chuyến đi táo bạo nhất thời điểm đó, trở thành tàu ngầm đầu tiên tiếp cận khu vực Bắc Cực. Không chỉ thiết lập một kỷ lục mới, chuyến đi xuyên Bắc Cực của USS Nautilus gửi một tín hiệu quan trọng đối với Mát-xcơ-va rằng Washington đã có thể tiếp cận những khu vực gần Liên Xô mà không bị phát hiện.

Chuyến đi xuyên Bắc Cực của USS Nautilus được cho đã châm ngòi cho cuộc chạy đua chế tạo tàu ngầm hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ngay trong mùa hè năm 1958, Liên Xô hạ thủy tàu ngầm hạt nhân đầu tiên mang tên K-3 “Leninskiy Komsomol” và biên chế vào hải quân vào tháng 7-1958. K-3 thực hiện hải trình đầu tiên tới được Bắc Cực vào tháng 7-1962, “chậm chân” hơn 4 năm so với Mỹ. Tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô được đánh giá có nhiều điểm vượt trội so với USS Nautilus, khiến cuộc chạy đua vũ trang giữa hai cường quốc càng trở nên căng thẳng.

USS Nautilus phục vụ hải quân Mỹ suốt 25 năm với hơn 820.000km hành trình mà không gặp bất cứ một sự cố nào. Nó đã chứng minh rằng những con tàu sử dụng năng lượng hạt nhân rất an toàn và hiệu quả, mở đường cho Hải quân Mỹ xây dựng hạm đội tàu ngầm hạt nhân hùng hậu.

 

Theo hiệp ước AUKUS được công bố chi tiết hôm 13-3, Mỹ sẽ bán cho Úc 3 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia (ảnh). Úc cũng có thể mua thêm 2 chiếc nữa. Ngoài ra, cùng với Anh, Úc sẽ tự đóng 3 tàu ngầm hạt nhân mới dựa trên công nghệ và sự hỗ trợ của Mỹ.

 

Mỹ dẫn đầu và bỏ xa cuộc đua

Theo số liệu của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, với 67 chiếc, Mỹ hiện là nước có hạm đội tàu ngầm hạt nhân lớn nhất và bỏ xa các đối thủ trên thế giới. Nga có 31 chiếc, so với 12 của Trung Quốc, 10 của Anh, 9 của Pháp và 1 của Ấn Độ.

Theo Hãng tin Sputnik, Mỹ hiện sở hữu hơn 50 tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh. Chúng bao gồm 29 tàu ngầm lớp Los Angeles được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon và tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk; 22 tàu ngầm lớp Virginia và 3 tàu thuộc lớp Seawolf cũng được trang bị cùng loại vũ khí.

Đặc biệt, Mỹ có 14 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Ohio được lắp đặt các tên lửa đạn đạo. Cụ thể, hơn 50% trong tổng số 1.744 vũ khí hạt nhân của Mỹ đang được lắp đặt trên các tàu ngầm lớp Ohio.

Mỗi chiếc tàu ngầm này được trang bị tới 24 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Trident II, với mỗi tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân sử dụng công nghệ đa đầu đạn phân hướng tấn công nhiều mục tiêu độc lập (MIRV). Những đầu đạn này có sức công phá từ 5-7 kiloton đến 475 kiloton, đủ để san phẳng một khu vực đô thị lớn. Mỗi tên lửa Trident mang từ 1-14 đầu đạn, đồng nghĩa một tàu ngầm lớp Ohio có thể chứa tới 336 quả bom hạt nhân, đủ sức tàn phá bất kỳ quốc gia nào trên Trái đất.

Đáng chú ý, Hải quân Mỹ đang vận hành 4 tàu ngầm mang tên lửa hành trình (SSGN). Đây là các tàu ngầm lớp Ohio được chuyển đổi thành SSGN vào những năm 2000, sử dụng hệ thống phóng thẳng đứng cho phép chúng mang theo hàng chục tên lửa hành trình Tomahwak.

Mỗi ống phóng trong số 22 ống phóng của mỗi tàu ngầm hoán cải chứa tới 7 quả Tomahawk, tức tổng cộng 154 tên lửa hành trình. Trong đó, các tên lửa Tomahawk có thể được trang bị cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân với sức công phá từ 5-150 kiloton. SSGN cũng có thể chuyên chở các quân nhân tham gia những sứ mệnh đặc biệt, bí mật ở các bờ biển xa.

Trong tương lai, Mỹ sẽ có 12 tàu ngầm lớp Columbia nhằm thay thế các tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio. Lễ khởi công đóng tàu USS District of Columbia đã diễn ra vào tháng 6-2022. Đây là chiếc đầu tiên trong lớp tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mới dự kiến ​​đưa vào hoạt động năm 2027. Được biết, Tập đoàn General Dynamics của Mỹ đã ký hợp đồng trị giá hơn 10 tỉ USD cho 2 chiếc tàu ngầm lớp Columbia đầu tiên. Đây sẽ là lớp tàu ngầm lớn nhất, mạnh nhất và tân tiến nhất của Mỹ. Tàu Columbia được xem là chìa khóa để Mỹ duy trì lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là với Trung Quốc, nước đang có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới.

Nga, Trung Quốc nỗ lực “theo đuổi”

Hiện nay, khoảng 576/1.588 đầu đạn, tức khoảng 1/3 tổng số đầu đạn hạt nhân chiến lược đang triển khai của Nga hiện được lắp đặt trên dàn tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Số đầu đạn nói trên được trang bị cho các tên lửa sử dụng công nghệ đa đầu đạn phân hướng có thể tấn công nhiều mục tiêu độc lập (MIRV) trên 11 tàu ngầm hạt nhân. Chúng bao gồm 6 tàu ngầm thuộc lớp Borei và Borei-A, được đưa vào hoạt động trong những năm 2010 và đầu những năm 2020, cùng 5 tàu ngầm Dự án 667BDRM Delfin cũ hơn, được hoàn thiện trong giai đoạn 1981-1992.

Các tàu lớp Borei và Borei-A được trang bị 16 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) RSM-56 Bulava với 6-10 đầu đạn MIRV cho mỗi quả tên lửa. Những tên lửa Bulava bắt đầu được sử dụng vào năm 2018 sau gần 2 thập kỷ phát triển, với sức công phá tương đương 100-150 tấn thuốc nổ TNT, gấp gần 10 lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật năm 1945. Mỗi quả tên lửa Bulava mang được 10 đầu đạn hạt nhân và đạt tầm bắn tối đa khoảng 10.000 km, cho phép mỗi tàu ngầm lớp Borei mang được tối đa 160 đầu đạn hạt nhân. Cuối năm ngoái, Nga hạ thủy tàu ngầm chiến lược Imperator Aleksandr III thuộc lớp Borei-A, được so sánh ngang hàng với tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ.

Ngoài các tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo, Hải quân Nga còn sở hữu 15 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, 10 tàu ngầm mang tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân cùng một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đặc biệt.

Trong khi đó, Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của mình mang tên Trường Chinh I  vào năm 1970 và bắt đầu hoạt động vào năm 1974.

Trong một báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2021, Trung Quốc đã chế tạo 12 tàu ngầm hạt nhân trong vòng 15 năm, bao gồm 6 chiếc tàu ngầm tấn công Type 093 (phương Tây định danh là lớp Thương, thay thế tàu ngầm tên lửa đạn đạo đầu tiên Type 092 mà phương Tây gọi là lớp Hạ) và 6 chiếc mang tên lửa đạn đạo Type 094 (phương Tây gọi là lớp Tấn). Trong đó, chỉ có tàu ngầm Type 094 mang vũ khí hạt nhân.

Theo Sputnik, tàu ngầm Type 094 nặng 11.000 tấn và dài 135 mét. Ngoài 6 chiếc Type 094 hiện có, Trung Quốc đang chế tạo thêm ít nhất 2 chiếc nữa. Tàu ngầm Type 094 mang theo 16 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) JL-2  có tầm bắn 7.200 km, đầu đạn 1 megaton hoặc tối đa 3 MIRV. Hồi năm ngoái, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng Trung Quốc đã trang bị cho các tàu ngầm Type 094 những loại ICBM mới là JL-3, một tên lửa nhiên liệu rắn có tầm bắn ước tính 10.000-12.000km, có nghĩa nó có thể tiếp cận bất cứ thành phố lớn nào ở bờ Tây nước Mỹ. Những chiếc JL-3 mới có thể mang theo từ 5 đến 7 đầu đạn MIRV. Ngoài ra, Trung Quốc đang phát triển Type 096, phiên bản của tàu ngầm Type 094.

Chia sẻ bài viết