09/10/2022 - 09:09

Thế giới trong cuộc đua chiến đấu cơ thế hệ 6 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 rất tiên tiến và “ngốn” nhiều tiền đến nỗi chỉ có 3 quốc gia thiết kế và chế tạo mẫu máy bay chiến đấu này, gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc. Dù chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 đang sở hữu các tính năng “đỉnh cao” như có thể tàng hình, siêu chính xác, siêu hành trình và khả năng liên kết cao, nhưng Washington, Mát-xcơ-va, Bắc Kinh và một số quốc gia châu Âu, Nhật Bản lại bắt đầu chạy đua phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6.

Chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ. Ảnh: AFP

Vẫn còn là khái niệm

Mặc dù khái niệm chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 vẫn còn mơ hồ nhưng một loạt các tính năng khác biệt sẽ được kết tụ lại để tạo nền tảng của chiến đấu cơ này. Theo đó, tất cả các tính năng cao của chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 như khả năng sống sót trong môi trường tranh chấp, ưu thế trên không, tấn công mặt đất…sẽ được cải thiện để tương xứng với chiến đấu cơ thế hệ thứ 6. Ngoài ra, máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo có thể sẽ tích hợp khả năng có người lái hoặc không người lái. Tương tự như máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35, chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 sẽ tích hợp khả năng phối hợp với nhiều loại máy bay phản lực, máy bay không người lái (UAV) và cảm biến khác nhằm cung cấp cho binh sĩ một bức tranh toàn cảnh về vùng chiến sự. 

Và để đạt được hiệu suất như mong đợi, chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 sẽ là kết quả của nhiều sự kết hợp khác nhau. Trong đó, nền tảng công nghệ thế hệ thứ 6 sẽ là “bộ não” của máy bay, gồm nền nảng kỹ thuật số tiên tiến với khả năng kết nối mạng, trí tuệ nhân tạo (AI) tích hợp, khả năng tổng hợp dữ liệu và thiết bị truyền thông tiên tiến. Ðặc biệt, chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo sẽ tích hợp các tính năng giúp phi công dễ dàng tương tác với máy bay. Vì vậy, ngoài bảng điều khiển thiết bị thời đại mới, chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 có thể sẽ có “buồng lái ảo” được trang bị trong nón của phi công, cho phép họ có tầm nhìn 360 độ.

Giống như các máy bay “tiền nhiệm” khác, chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 sẽ được trang bị công nghệ tàng hình tiên tiến, đặc biệt là khi các hệ thống phòng không ngày càng tinh vi hơn. Dự kiến, chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo sẽ được trang bị động cơ chu kỳ, có thể hoạt động một cách hiệu quả trong nhiều trường hợp khác nhau. Một số suy đoán rằng chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 thậm chí sẽ được trang bị vũ khí năng lượng định hướng.

Mỹ tiên phong

Quân đội Mỹ đang đẩy mạnh chương trình Chiến đấu cơ thế hệ mới thống trị trên không (NGAD) nhằm phát triển và trang bị máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 để thay thế các loại chiến đấu cơ F/A-18E/F Super Hornet của hải quân và cả chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor của không quân kể từ năm 2025.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 sẽ có phiên bản có phi công hoặc không người lái, tùy thuộc vào nhiệm vụ tấn công mặt đất, chiếm ưu thế trên không hoặc trinh sát. Bên cạnh đó, NGAD sẽ tạo ra một mạng lưới máy bay chiến đấu có phi công phối hợp với UAV để cùng nhau chiến đấu, chứ không chỉ tập trung vào nền tảng hoặc công nghệ vũ khí đơn lẻ.

SCMP cho hay, quân đội Mỹ đã công bố 2 chương trình vũ khí thế hệ mới cụ thể, gồm NGAD cho không quân và F/A-XX cho hải quân. Riêng F/A-XX là một kế hoạch dài hạn nhằm phát triển các máy bay thế hệ mới dùng cho tàu sân bay để bổ sung và cuối cùng là thay thế dòng F/A-18E/F Super Hornet. Hồi tháng 9-2020, Không quân Mỹ tiết lộ một nguyên mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 đã tiến hành bay thử nghiệm trong khuôn khổ NGAD nhưng không công bố thêm thông tin chi tiết.

Tướng Charles Q. Brown Jr., Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, cho hay máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 “có khả năng thực hiện các cuộc tấn công không đối đất đảm bảo sự sống sót của nó và quan trọng nhất là cung cấp các lựa chọn cho các chỉ huy không quân của chúng tôi và lực lượng chung”.

Trong giai đoạn 2019-2025, ngân sách chương trình NGAD của Không quân Mỹ là 9 tỉ USD, trong đó ngân sách năm tài chính 2022 là 1,5 tỉ USD.

Trung, Nga “nối gót”

SCMP hồi tháng 3 năm ngoái cho biết các nhà thiết kế máy bay quân sự Trung Quốc “đang theo dõi sát sao” bất cứ thông tin gì liên quan đến NGAD và cũng đã lên kế hoạch phát triển chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo. “Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Trung Quốc sẽ ra đời vào năm 2035 hoặc sớm hơn” - Wang Haifeng, kiến trúc sư trưởng tại Viện Nghiên cứu và Thiết kế Máy bay Thành Ðô, nói với Thời báo Hoàn cầu.

Theo các nguồn tin, Trung Quốc trước đây tỏ ra khá quan tâm đến tiêm kích Su-47 Berkut của Nga nên đây có lẽ đây là lý do để giới quân sự Trung Quốc sử dụng mẫu thiết kế này như một nguyên mẫu cho chiến đấu cơ thế hệ thứ 6. Ðược biết, siêu chiến đấu cơ Su-47 của Nga có thiết kế cánh ngược độc đáo, độ cơ động siêu việt cùng khả năng tác chiến tuyệt vời. Tuy nhiên, Berkut vẫn “chết yểu” khi không được sản xuất hàng loạt do chi phí đắt đỏ và yêu cầu kỹ thuật cao. Rõ ràng, Bắc Kinh muốn gửi tín hiệu đến phần còn lại của thế giới rằng họ sẽ chế tạo một máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 6 tốt hơn loại đã được thử nghiệm của Mỹ.

Về phần mình, Nga cũng không chịu ngồi yên. Mát-xcơ-va được cho đang có kế hoạch phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 giống với NGAD của Mỹ. Theo Hãng thông tấn Nga TASS, chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 của xứ bạch dương sẽ được phát triển dựa trên máy bay chiến đấu Sukhoi Su-57, với 2 phiên bản có người lái và không người lái, đồng thời được trang bị hệ mạng trung tâm được liên kết với UAV, vũ trụ và hệ thống mặt đất. “Khi nói về chiến đấu cơ thế hệ thứ 6, chúng tôi nói rằng đây không còn là một máy bay riêng biệt mà đây là toàn bộ hệ thống tương tác giữa không khí, không gian, Trái đất, UAV và phương tiện có người lái” - Yuri Slyusar, Tổng Giám đốc Tập đoàn United Aircraft của Nga, cho biết.

Các quốc gia châu Âu cũng đang bắt tay phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 đầu tiên của lục địa già. Theo đó, Anh, Thụy Ðiển, Ý, Pháp, Ðức và Tây Ban Nha đang cùng nhau phát triển Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai. Song, một câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu 6 nước này có thể điều phối thành công một dự án đầy tham vọng như vậy với nhau hay không. Riêng Nhật Bản đang phát triển F-X, chương trình máy bay tàng hình đầu tiên được Tokyo sản xuất trong nước, đồng thời hợp tác với Anh phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6. Ðặc biệt, Ấn Ðộ dù vẫn đang nghiên cứu mô hình chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 nhưng cũng bắt đầu lên kế hoạch phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 6.

Chia sẻ bài viết