Mỗi năm, con người phải tốn rất nhiều chi phí để điều trị các căn bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, ung thư
với xu hướng đang ngày một tăng. Nhưng các nhà khoa học Mỹ mới đây cho rằng "thay đổi lối sống toàn diện" sẽ là phương pháp phòng ngừa và điều trị các căn bệnh hiệu quả và ít tốn kém.
 |
Lối sống năng động là chìa khóa để có một cuộc sống khỏe mạnh.
Ảnh: Getty Images. |
Theo thống kê thì chỉ riêng ở Mỹ, hơn 75% trong tổng số 2.800 tỉ USD chi phí chăm sóc sức khỏe có liên quan đến các bệnh mãn tính như bệnh tim hay tiểu đường típ 2, mà theo các chuyên gia y tế, những bệnh này hầu như có thể ngăn chặn được bằng cách thay đổi lối sống một cách toàn diện. Theo đó, chúng ta không cần chờ có thuốc mới hay đột phá công nghệ mà chỉ cần thực hành lối sống tích cực, bằng cách đưa ra những sự lựa chọn có lợi cho sức khỏe hằng ngày như: nên ăn gì, đương đầu với tình trạng căng thẳng (stress) như thế nào, có nên hút thuốc hay không, tập thể dục bao lâu, hay bày tỏ sự yêu thương và hoạt động xã hội nhiều hơn
Một nghiên cứu gần đây trên 23.000 người cho thấy đi bộ 30 phút mỗi ngày, không hút thuốc lá, có chế độ ăn uống hợp lý và duy trì thể trạng khỏe mạnh có thể ngăn chặn 93% số ca bệnh tiểu đường, 81% ca nhồi máu cơ tim, 50% ca đột quị và 36% ca ung thư. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy việc thay đổi nhiều hơn trong chế độ ăn uống và lối sống còn có thể mang lại một kết quả ngoài mong đợi. Trong một nghiên cứu khác trên 30.000 nam giới và phụ nữ ở 52 nước, các nhà khoa học phát hiện các yếu tố thuộc về lối sống có liên quan đến phần lớn nguy cơ đau tim ở cả nam lẫn nữ và ở mọi độ tuổi.
Các nhà khoa học Mỹ khuyên chúng ta nên nhớ rằng bệnh tim và tiểu đường típ 2, hai trong số những "sát thủ" lớn nhất ở nước này, hoàn toàn có thể ngăn chặn được bằng cách thay đổi lối sống toàn diện mà không cần đến bất kỳ phương thuốc hay biện pháp phẫu thuật nào. Một lợi ích khác của việc thay đổi lối sống toàn diện khả năng làm thay đổi cấu trúc gien của cơ thể. Nó kích hoạt những gien giúp chúng ta khỏe mạnh và ức chế những gien thúc đẩy phát triển bệnh tim, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và tiểu đường.
Khi thay đổi lối sống toàn diện được xem như là một phương thức điều trị bệnh (chứ không chỉ để phòng ngừa), bệnh nhân có thể tiết kiệm đáng kể chi phí điều trị trong năm đầu tiên, bởi vì các cơ chế sinh học kiểm soát sức khỏe của họ khi đó sẽ thực hiện chức năng tốt hơn. Ví dụ, công ty Highmark Blue Cross Blue Shield (Mỹ) nhận thấy rằng chi phí dành cho việc chăm sóc sức khỏe tổng quát đã giảm 50% ở những người mắc bệnh tim khi tham gia chương trình thay đổi lối sống tại 24 bệnh viện và phòng khám ở Tây Virginia, Pennsylvania và Nebraska. Tương tự, công ty dịch vụ tài chính và bảo hiểm Mutual of Omaha cũng phát hiện so với những người điều trị theo cách thông thường, các bệnh nhân tiếp nhận liệu pháp này tiết kiệm được tới 30.000 USD trong năm đầu tiên tham gia chữa bệnh.
Khi việc thay đổi lối sống toàn diện nhằm ngăn ngừa và điều trị các căn bệnh mãn tính ngày càng được chứng minh có tác dụng tốt, chúng ta có thể thấy rõ những hạn chế và tốn kém của các kỹ thuật chữa trị công nghệ cao. Chẳng hạn:
- Các nghiên cứu gần đây tại Mỹ cho thấy phương pháp tạo hình mạch (angioplasty) hay đặt ống nong mạch (stent) không giúp kéo dài sự sống cho người mắc bệnh tim mạch hoặc ngăn chặn nhồi máu cơ tim nhưng lại tiêu tốn 60 tỉ USD mỗi năm.
- Bệnh tiểu đường típ 2 và các hội chứng tiền tiểu đường ước tính có thể gây hao tốn 3.300 tỉ USD trong 8 năm tới. Phương pháp kiểm soát đường huyết bằng thuốc không hoàn toàn giảm bớt được chi phí điều trị các biến chứng liên quan đến bệnh (gồm đau tim, đột quị, đoạn chi, liệt dương, suy thận và mù lòa), nhưng hạ đường huyết bằng dinh dưỡng và lối sống sẽ giúp tiết kiệm những chi phí trên.
- Chỉ có 1 trong 49 nam giới chữa ung thư tuyến tiền liệt có cuộc sống bình thường sau phẫu thuật hoặc xạ trị, những người còn lại thường trở nên bất lực hoặc rối loạn cương dương. Vì lẽ đó, Ủy ban đặc nhiệm phòng ngừa bệnh tật của Mỹ gần đây khuyến cáo nam giới nên chọn cách thay đổi lối sống để phòng ngừa ung thư tiền liệt tuyến, vì một khi đã mắc bệnh, việc điều trị chỉ gây tốn kém chứ ít khả năng chữa khỏi.
TRÍ VĂN (Theo CNN)