
|
AFP |
Những ai trông chờ vào Tổng thống Mỹ Barack Obama (ảnh) quyết tâm chấn chỉnh hoạt động do thám tràn lan của giới tình báo Mỹ, trong đó đặc biệt là Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), có thể đã cảm thấy thất vọng tràn trề qua bài phát biểu quan trọng đầu tiên của ông chủ Nhà Trắng về tình báo điện tử tại Bộ Tư pháp Mỹ hôm 17-1.
Bài phát biểu 43 phút được chờ đợi từ rất lâu của chủ nhân Nhà Trắng chỉ có tính trấn an, xoa dịu chứ không thể làm giảm sự hoài nghi, lo lắng của công luận về hành vi thu thập dữ liệu không có giới hạn của giới tình báo Mỹ. Nhà lãnh đạo gốc Phi chỉ thừa nhận việc cộng đồng tình báo Mỹ thao túng mọi hoạt động do thám thì khó tránh khỏi nghi ngờ của dư luận rằng chính quyền Mỹ không lạm dụng và xâm phạm quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, ông Obama không tin giới tình báo Mỹ có thể “bất kính” quyền tự do dân sự như vậy. Đây cũng là lý do ông Obama không chấp nhận tha thứ cho cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, người đã phanh phui chương trình do thám đồ sộ gây chấn động thế giới của NSA và qua đó buộc nhà chức trách Mỹ phải xem xét chỉnh đốn lại hoạt động tình báo điện tử.
Chủ nhân Nhà Trắng cho biết đã yêu cầu cộng đồng tình báo Mỹ chấm dứt hàng chục chương trình nghe lén điện thoại nhằm vào các nhà lãnh đạo đồng minh và thân thiết trên thế giới, nhưng nhấn mạnh họ có quyền hành động vì lý do an ninh quốc gia và nước Mỹ cũng không cần phải xin lỗi việc NSA theo dõi (một cách có hiệu quả) thông tin liên lạc hàng loạt các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ bạn bè trong những năm vừa qua. Đây là một sự tái khẳng định Mỹ có lý do để duy trì quan điểm không hoàn toàn tin tưởng đồng minh, bạn bè trong vấn đề an ninh quốc gia.
Đề xuất cải cách được coi đáng chú ý nhất của Tổng thống Obama là yêu cầu Bộ Tư pháp và NSA phối hợp đưa ra “cách tiếp cận mới” quản lý “siêu dữ liệu” trong vòng 60 ngày, có thể là bên thứ ba như công ty viễn thông. Ngoài ra, ông Obama cho rằng các cơ quan tình báo Mỹ mỗi khi kiểm tra dữ liệu điện thoại cần thiết phải xin phép Tòa án giám sát tình báo nước ngoài bí mật (FISA), trừ những trường hợp khẩn cấp.
Trong khi đó, ông Obama không đáp lại kiến nghị của Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ muốn cân bằng lại các nhiệm vụ chồng chéo giữa các cơ quan tình báo và trung tâm an ninh mạng trong hoạt động do thám máy tính và phòng chống tin tặc. Ông cũng không đồng ý tìm cách ngăn chặn khả năng tình báo Mỹ bẻ khóa mật mã và mua bán, trao đổi thông tin.
Tóm lại, với tuyên bố việc tiếp tục chính sách do thám điện tử trên diện rộng là nhằm bảo vệ nước Mỹ trước nguy cơ khủng bố của ông Obama, cộng đồng tình báo Mỹ sẽ không thay đổi gì trong hoạt động do thám gây phẫn nộ dư luận, mà chỉ điều chỉnh cách thức lưu trữ và tra cứu dữ liệu. Và mọi sự “cải tổ” theo đề xuất của ông Obama còn phải thông qua quá trình tranh luận kéo dài và dễ bế tắc trong Quốc hội Mỹ.
ĐỨC TRUNG