08/05/2021 - 09:58

Tham vọng của Trung Quốc trên Ðại Tây Dương 

Không chỉ ở châu Á, giới chức quân sự Mỹ cảnh báo mối đe dọa từ Trung Quốc còn đang tăng lên ở châu Phi khi Bắc Kinh mở rộng hiện diện hướng về Ðại Tây Dương.

Tàu Hải quân Trung Quốc cập cảng Djibouti. Ảnh: BBC

Nói với Hãng tin AP, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Mỹ ở châu Phi, Ðại tướng Stephan Townsend cho biết Trung Quốc đã tiếp cận một khu vực rộng lớn trải dài từ Mauritania ở Tây Phi đến Namibia ở Nam Phi. Mục tiêu của Bắc Kinh là tìm cách thiết lập căn cứ hải quân lớn có thể tiếp nhận tàu ngầm hoặc tàu sân bay. Nếu thành công, một cơ sở như vậy cho phép Trung Quốc mở rộng hoạt động ở Ðại Tây Dương sau khi đã có sự hiện diện lớn ở Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương.

Cảnh báo của Tướng Townsend được đưa ra giữa lúc Lầu Năm Góc đang cân nhắc chuyển trọng tâm từ cuộc chiến chống khủng bố sang khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương với mối đe dọa từ các cường quốc đối thủ như Nga và Trung Quốc. Dự kiến, tiến trình đánh giá, tái bố trí lực lượng nhằm duy trì lợi thế của quân đội Mỹ trên toàn cầu sẽ được hoàn thành vào cuối mùa hè này.

Tướng Townsend và chỉ huy quân sự Mỹ ở những khu vực khác đã trình bày quan ngại về Trung Quốc trong các cuộc điều trần gần đây trước quốc hội. Theo một số tướng lĩnh hàng đầu, Bắc Kinh đang ráo riết mở rộng ảnh hưởng kinh tế lên nhiều quốc gia châu Phi, Nam Mỹ và Trung Ðông song song nỗ lực tăng cường hiện diện và xây dựng căn cứ quân sự tại đây. Ðặc biệt ở châu Phi, Tướng Townsend thừa nhận tiếng nói của Trung Quốc đang vượt qua Mỹ ở một số nước. Dựa vào các dự án xây dựng hạ tầng, cảng biển, đầu tư kinh tế, thỏa thuận thương mại, Bắc Kinh ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận Ðại Tây Dương, phục vụ tham vọng xây dựng lực lượng “hải quân nước xanh” như Mỹ.

Năm 2015, Trung Quốc bắt đầu lập căn cứ hải quân đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi. Hiện cơ sở này có khoảng 2.000 quân nhân đồn trú và hàng trăm lính thủy đánh bộ phụ trách an ninh. Gần đây, có nhiều đồn đoán Trung Quốc lập thêm căn cứ hải quân ở Tanzania. Nhưng theo Tướng Townsend, Trung Quốc nhiều khả năng quan tâm đến các quốc gia châu Phi nằm bên bờ Ðại Tây Dương hơn. Bởi xét về mặt địa lý, khoảng cách từ căn cứ ven biển phía Bắc Ðại Tây Dương ở châu Phi đến Mỹ ngắn hơn đáng kể so với các cơ sở quân sự ở bờ biển phía Tây.

Với tâm lý này, quan chức Mỹ đoán Trung Quốc đang để mắt tới một số vị trí ở Vịnh Guinea. Trong báo cáo năm 2020 về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Bắc Kinh dường như đang xem xét bổ sung cơ sở quân sự hỗ trợ lực lượng hải quân, không quân và mặt đất ở Angola cùng nhiều địa điểm khác. Báo cáo lưu ý với lượng lớn dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hóa lỏng Trung Quốc nhập từ châu Phi và Trung Ðông, những khu vực trên sẽ là ưu tiên hàng đầu của nước này trong 15 năm tới.

Ngoài dầu mỏ, chuyên gia phân tích chính sách cấp cao Henry Tugendhat tại Viện nghiên cứu Hòa bình Mỹ nói rằng Trung Quốc còn có nhiều lợi ích kinh tế khác ở ngoài khơi bờ biển Tây Phi, chẳng hạn đánh bắt cá. Nhưng dù mục tiêu là kinh tế hay quân sự, việc Bắc Kinh muốn tiếp cận Ðại Tây Dương và nỗ lực có được một cảng hải quân ở châu Phi cho thấy tham vọng ngày càng lớn của nước này.

MAI QUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết