TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Trong đề xuất ngân sách quốc phòng tài khóa 2023, đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Thủ tướng Fumio Kishida tìm cách tăng gấp đôi chi tiêu dành cho quốc phòng trong vòng 5 năm tới, từ mức hiện nay là 5.400 tỉ yen (tương đương 39,5 tỉ USD).
Binh sĩ Nhật trong cuộc tập trận chung với binh sĩ Mỹ hồi tháng 3-2022. Ảnh: Kyodo
Tờ Bloomberg cho hay, ngoài việc mua thêm khí tài quân sự mới, Nhật Bản sẽ dùng số tiền nói trên để chi cho các vấn đề như tăng lương, mua đạn dược, phụ tùng thay thế và hậu cần. “Có lẽ hầu hết mọi người đều nghĩ rằng nếu chúng tôi tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng, chúng tôi sẽ mua được nhiều thiết bị hơn. Nhưng vấn đề không chỉ là mua nhiều thứ hơn” - Toshiyuki Ito, phó đô đốc về hưu và hiện là giáo sư tại Học viện Công nghệ Kanazawa, cho biết.
Nhật báo Yomiuri Shimbun cho hay, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang cân nhắc mua nhiều thiết bị quân sự mới, gồm tên lửa và hệ thống radar cải tiến, có thể đánh chặn tên lửa từ Trung Quốc hay Triều Tiên, và có kế hoạch ra mắt máy bay chiến đấu không người lái. Tokyo còn dự định nâng kho vũ khí lên khoảng 1.000 tên lửa có thể bắn từ tàu, máy bay và vươn tới Triều Tiên, Trung Quốc. Ðặc biệt, Nhật Bản sẽ dành ra một khoản ngân sách để phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo với Anh cũng như cải thiện mức lương cho binh sĩ.
Theo Bloomberg, chính “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine, tình hình ngày càng căng thẳng ở eo biển Ðài Loan và mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã làm gia tăng lo ngại ở Nhật Bản và nhận được sự ủng hộ của công chúng đối với việc chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng. Trong cuộc khảo sát do hãng thông tấn Jiji Press thực hiện hồi tháng 6, khoảng 50% số người được hỏi tán thành mức tăng nói trên dành cho chi tiêu quốc phòng.
Nhật đứng thứ 9 trên thế giới về chi tiêu quân sự, nhưng ngân sách quốc phòng đã “khựng” lại trong nhiều thập niên. Sau Thế chiến thứ hai, Nhật Bản đã tự đặt ra những ràng buộc đối với chính sách an ninh, gồm hạn chế ngân sách quốc phòng ở khoảng 1% GDP. Chi tiêu quân sự của Tokyo bắt đầu tăng nhẹ kể từ năm 2010 do những lo ngại về Trung Quốc và Triều Tiên, để rồi ngân sách quốc phòng của nước này tài khóa 2022 đạt mức kỷ lục 5.400 tỉ yen, vượt trần 1% GDP.
Nếu được thông qua, kế hoạch trên sẽ giúp đưa Nhật Bản lên vị trí thứ 3 về chi tiêu quốc phòng, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Theo hãng tin CNN, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi cuối tháng 3 đã công bố đề xuất ngân sách 5.790 tỉ USD cho năm tài chính 2023 bắt đầu từ ngày 1-10. Trong khi đó, trong báo cáo ngân sách chính phủ công bố đầu tháng 3, Trung Quốc thông báo tăng ngân sách quốc phòng năm 2022 thêm 7,1% so với năm ngoái, lên 1.450 tỉ NDT (tương đương 230 tỉ USD).
Giới phân tích cho rằng việc Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng sẽ tạo cơ hội cho ngành công nghiệp vũ khí của xứ hoa anh đào đẩy mạnh đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trước các “ông lớn” Mỹ và quốc tế, qua đó có thể giành các hợp đồng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Năm 2014, Tokyo đã nới lỏng quy định cấm xuất khẩu vũ khí phi sát thương và chuyển giao thiết bị quốc phòng phục vụ công tác cứu hộ, vận tải, cảnh báo, giám sát và rà phá bom mìn cho các nước thân thiện.