27/08/2017 - 11:05

Thái Lan khép lại kỷ nguyên Shinawatra 

Sau các thông tin xác nhận cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (ảnh) đã rời nước này, nhiều người không khỏi tự hỏi liệu đây cũng là dấu chấm hết cho kỷ nguyên nhà Shinawatra trên chính trường Thái Lan.

 Ảnh: EPA

Tối  25-8, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, Đại tướng Prawit Wongsuwon cho biết bà Yingluck đã rời khỏi đất nước. Chính phủ Thái Lan hiện chưa rõ bà này đang lưu trú tại quốc gia nào. Nhưng theo Bộ trưởng Prawit, ít có khả năng cựu thủ tướng lưu lại các nước láng giềng trong khu vực. Tờ Bangkok Post đưa tin Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã “bị sốc” trước hành động đột ngột của người từng được ví như “bông hồng trên chính trường Thái Lan”.

Tòa án Tối cao Thái Lan trước đó cùng ngày đã phát lệnh bắt giữ bà Yingluck khi cựu thủ tướng vắng mặt tại tòa vì lý do sức khỏe, nhưng sau đó bị cho là đã bỏ trốn nhằm né tránh bản án có thể khiến bà ngồi tù 8-10 năm và bị cấm tham gia chính trường vĩnh viễn. Trước đó, bà Yingluck bị cáo buộc lơ là trách nhiệm trong chương trình trợ giá gạo khiến nền kinh tế Thái Lan thiệt hại hàng tỉ USD. Mức độ nghiêm trọng của bản án sẽ khó để bà được bảo lãnh và tiến hành kháng cáo.

Theo một số nguồn tin cấp cao trong đảng Pheu Thai của cựu thủ tướng và những người thân cận với nhà Shinawatra, bà Yingluck cùng con trai 15 tuổi đã rời Thái Lan vào tuần trước, bay qua Singapore và “đã an toàn” đến thành phố Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) – nơi anh trai bà là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra được cho đang sống lưu vong sau khi bị lật đổ hồi năm 2006. Tuy nhiên, giới chức Singapore thông báo với phía Thái Lan rằng bà Yingluck không nhập cảnh nước này. Đại diện của ông Thaksin ở Dubai cũng không lên tiếng phản hồi.

Liên quan vấn đề này, theo một nguồn tin an ninh, bà Yingluck đã ra đảo Koh Chang ở ngoài khơi tỉnh Trat - nằm ở Đông Nam Thái Lan, giáp giới Campuchia - rồi từ đó đáp máy bay trực thăng đến Phnom Penh (Campuchia), nơi bà lên một chiếc máy bay thuê sẵn để đến Singapore. Đi cùng với bà là một quan chức cấp cao chính phủ, người đã giúp bà không phải làm các thủ tục xuất nhập cảnh.

Mặc dù chưa rõ cựu Thủ tướng Thái Lan chính xác đang ở đâu nhưng giới quan sát cho rằng bà Yingluck nhiều khả năng tiếp nối con đường sống lưu vong của anh trai mình. Hàng triệu người ủng hộ bà Yingluck cho biết họ bị “sốc” cũng như thất vọng trước thông tin bà vắng mặt tại tòa và đã đào tẩu. “Chúng tôi đã tin bà Yingluck sẽ chiến đấu chống lại vụ án cho đến cùng. Chúng tôi cảm thấy như mình bị lừa dối” - một người ủng hộ tỏ rõ thất vọng.

Diễn biến này cũng được cho khép lại hành trình chính trị của gia tộc Shinawatra vốn có đến 3 người giữ chức Thủ tướng Thái Lan trong 16 năm qua (anh rể của bà Yingluck là ông Somchai Wongsawat từng làm thủ tướng hồi năm 2008 nhưng sau đó bị cấm tham gia chính trường trong 5 năm). Với vai trò trụ cột của phong trào “Áo đỏ”, sự kết thúc của thời đại Shinawatra cũng đặt ra dấu chấm hỏi đối với triển vọng của đảng Pheu Thai trong cuộc bầu cử vào năm sau. Kể từ năm 2001, Pheu Thai chiếm ưu thế trên chính trường Thái Lan và giành chiến thắng trong tất cả các cuộc tổng tuyển cử. Nhưng hiện tại, nhiều lãnh đạo của đảng này hoặc bị cấm tham gia chính trường hoặc phải ngồi tù.

Trong bối cảnh hiện nay, giới quan sát cho rằng một số nhân vật cốt cán như chính trị gia kỳ cựu Khunying Sudarat Keyuraphan có thể tạm thời nắm quyền lãnh đạo Pheu Thai. Nhưng vị thế của họ có thể không duy trì lâu trước sự bất mãn của công chúng. Cùng với sự bấp bênh của lực lượng chính trị ủng hộ gia tộc Shinawatra, các nhà phân tích dự đoán nền chính trị Thái Lan tương lai gần sẽ vẫn bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn mà hệ quả khiến chia rẽ xã hội ngày càng sâu sắc hơn.l

Mai Quyên (Theo SCMP, SMH)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Yingluck Shinawatra