04/01/2016 - 21:54

Thách thức mới đối với kế hoạch Trung Đông của Mỹ

Những biến động bất ngờ sau vụ người biểu tình Iran đốt Đại sứ quán Saudi Arabia tại Thủ đô Tehran không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao 2 nước mà còn tác động đến kế hoạch chiến lược của Mỹ tại Trung Đông.

Diễn tiến này là đỉnh điểm của mối quan hệ ngoại giao ngày càng xấu đi giữa Iran – Saudi Arabia sau tuyên bố của giới chức Saudi Arabia hôm 2-1 về việc hành quyết 47 người trong đó bao gồm giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite Sheikh Nimr al-Nimr. Giáo sĩ al-Nimr hồi năm 2014 từng bị kết tội "kích động bạo loạn và chống đối giới cầm quyền Saudi Arabia". Động thái này ngay lập tức dấy lên sự phẫn nộ quốc tế, đặc biệt tại Iran khi người biểu tình xông vào đập phá và đốt Đại sứ quán của Saudi Arabia tại Thủ đô Tehran để phản đối.

Người dân Iran biểu tình gần Đại sứ quán Saudi Arabia ở Thủ đô Tehran hôm 3-1.

Trong diễn biến mới nhất, Riyadh đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran và yêu cầu phái viên các cơ quan ngoại giao của Đại sứ quán, Lãnh sự quán và văn phòng ngoại giao liên quan của Iran phải rời khỏi Saudi Arabia trong vòng 48 tiếng. Phát biểu trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir nhấn mạnh Riyadh không cho phép Iran "làm suy yếu an ninh quốc gia". Theo ông, vụ tấn công hôm 2-1 "tương tự những vụ tấn công đại sứ quán nước ngoài ở Iran trước đây" và đi đôi với những gì mà ông cho là "chính sách tạo ra những phần tử khủng bố ở Saudi Arabia hoặc các nước đồng minh nhằm gây bất ổn khu vực".

Được biết, Saudi Arabia từng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran vào năm 1988 cũng sau vụ người biểu tình tấn công Đại sứ quán Saudi Arabia khiến một nhà ngoại giao thiệt mạng. Hai bên khôi phục quan hệ ngoại giao vào năm 1991 nhưng căng thẳng vẫn kéo dài trong nhiều năm qua. Cho đến tháng 9 năm ngoái, quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia lại lùi thêm một bước sau vụ giẫm đạp trong cuộc hành hương hàng năm tại thánh địa Mecca. Hiện tại, giới chức Mỹ tiếp tục kêu gọi người dân bình tĩnh, thúc đẩy giải pháp đối thoại trực tiếp giữa Iran và Saudi Arabia cũng như nỗ lực ngoại giao của lãnh đạo các nước khu vực để hạ nhiệt căng thẳng.

Các quan chức Mỹ cho biết Bộ Ngoại giao nước này từng thảo luận với Riyadh trong nhiều tháng trước về quan ngại của Washington xung quanh các vụ hành quyết có thể gia tăng nguy cơ xung đột giáo phái trên toàn Trung Đông. Nhưng dựa trên cục diện hiện nay, giới chức A-rập và nhiều nhà phân tích Trung Đông cho rằng căng thẳng Saudi Arabia và Iran nếu leo thang hơn nữa thì không chỉ gây khủng hoảng khu vực mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược của Mỹ tại Trung Đông, cuốn Washington vào mối quan hệ ràng buộc ngoại giao thậm chí phức tạp hơn.

Hiện tại, Mỹ vẫn là đồng minh quan trọng nhất cung cấp vũ khí cho Saudi Arabia và sẽ ủng hộ Riyadh trong trường hợp xảy ra xung đột. Mặt khác, Mỹ dù không có quan hệ ngoại giao với Iran nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn đang trong tiến trình cải thiện mối quan hệ với Tehran thông qua thỏa thuận hạt nhân dự kiến thực hiện trong tháng này. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia ngày càng xấu đi dưới thời Tổng thống Obama khi Saudi Arabia vẫn liên tục gây sức ép buộc Nhà Trắng có những bước đi tích cực hơn trước những gì mà họ gọi là "nỗ lực của Iran nhằm gây bất ổn cho các nước A-rập". "Trên một số khía cạnh, Mỹ có thể bị buộc phải đứng về một bên. Nhưng điều này lại có khả năng đe dọa thỏa thuận hạt nhân" – nguồn tin thân cận với chính phủ Saudi Arabia cho biết.

Ngoài ra, giới quan sát còn lo ngại sự leo thang căng thẳng đột ngột hiện nay không chỉ là "trò chơi nguy hiểm" giữa Iran và Saudi Arabia mà hệ quả của nó còn lớn hơn so với phản ứng trước các vụ hành quyết; đó là làm suy yếu cuộc chiến chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến Syria khi mà cả Iran và Saudi Arabia đang ủng hộ 2 phe phái khác nhau.

MAI QUYÊN
(Theo Wall Street Journal, Reuters. Politico, WP)

MAI QUYÊN (Theo Wall Street Journal, Reuters. Politico, WP)

Chia sẻ bài viết