17/07/2022 - 09:37

Tàu sân bay trong tham vọng của Bắc Kinh 

ÐỨC TRUNG (Theo SCMP, 19fortyfive)

Hải quân Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay thứ 3 và cũng là tàu sân bay tiên tiến nhất của nước này hồi trung tuần tháng 6-2022. Sự kiện này được nhìn nhận là đưa Bắc Kinh tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng “hạm đội nước sâu” (hạm đội biển khơi) với khả năng hoạt động ở bất kỳ vùng biển nào trên thế giới, thay vì chỉ là “hạm đội nước vàng” (hạm đội ven bờ) hoạt động trong vùng biển quốc gia của mình và chỉ có khả năng hoạt động trong các vùng biển khu vực xung quanh.

Tàu sân bay thứ 3 có tên Phúc Kiến của Trung Quốc hạ thủy ngày 17-6. Ảnh: CNN

Tàu sân bay Phúc Kiến có độ choán nước 80.000 tấn, được đặt tên theo tỉnh duyên hải Ðông Nam của Trung Quốc nằm đối diện với Ðài Loan. Ðây là hàng không mẫu hạm đầu tiên do Trung Quốc thiết kế và xây dựng. Trước đó, tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh được hoán cải từ con tàu cũ mua của Ukraine và chiếc thứ 2 có tên là Sơn Ðông được đưa vào biên chế từ tháng 12-2019. Cả 2 tàu này được thiết kế dựa trên nguyên mẫu tàu sân bay cũ của Liên Xô. Phúc Kiến là tàu sân bay thứ 2 thế giới, sau tàu sân bay Gerald R. Ford của Mỹ, sử dụng hệ thống phóng tiên tiến cho phép chiến đấu cơ mang nhiều nhiên liệu và vũ khí hơn, tức giúp tầm hoạt động và tính sát thương của máy bay cao hơn.

Hỗ trợ tấn công Ðài Loan?

Theo ông Wang Hongliang, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc gia của Ðại học Giao thông Thượng Hải, tàu Phúc Kiến cần từ 3-4 năm thử nghiệm trước khi đưa vào biên chế và phải mất từ 6-8 năm để có thể đưa vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Dù tàu sân bay không phải là sự lựa chọn tốt nhất để tham gia vào một cuộc xung đột tiềm năng tại eo biển Ðài Loan, nhưng ông Wang cho rằng tàu Phúc Kiến sẽ cung cấp cho quân đội Trung Quốc nhiều giải pháp chiến thuật trong việc hỗ trợ hỏa lực cho các đơn vị tác chiến đổ bộ.

Ông Wang cho rằng  một khi đưa vào vị trí sẵn sàng chiến đấu, tàu Phúc Kiến sẽ đóng vai trò quyết định trong môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc và đáp ứng nhu cầu của cả 3 hạm đội hải quân Trung Quốc gồm: Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Ðông Hải và Hạm đội Nam Hải.

Trong đó, Hạm đội Ðông Hải đóng trên Biển Hoa Ðông, có nhiệm vụ chính là tuần tra eo biển Ðài Loan, ngăn chặn nguy cơ Ðài Loan tuyên bố độc lập và duy trì khả năng tranh chấp tại quần đảo Ðiếu Ngư mà Nhật Bản gọi là Senkaku.

Do cả Ðài Loan và quần đảo Senkaku/Ðiếu Ngư đều gần với bờ biển của đại lục nên các lực lượng trên bờ của Trung Quốc ở phía Ðông sẽ có thể thực hiện các nhiệm vụ kiểm soát trên biển và trên không. Trung Quốc cũng có nhiều tàu đồ bộ tiên tiến được trang bị cho Hạm đội Ðông Hải và Hạm đội Nam Hải. Thế nên, sự tiếp ứng của tàu sân bay Phúc Kiến sẽ hỗ trợ đắc lực các lực lượng Trung Quốc xâm chiến Ðài Loan.

Tiến tới tàu sân bay hạt nhân?

3 tàu sân bay hiện có của Trung Quốc được đánh giá là khó cạnh tranh với Mỹ trên các vùng biển Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn. Do đó, để có thể “mộng mơ” thị uy sức mạnh tại vùng biển nước sâu, Hải quân Trung Quốc được cho cần có tàu sân bay thứ 4 chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tờ South China Morning Post ở Hong Kong mới đây dẫn một nguồn tin hải quân Trung Quốc đã tiết lộ về khả năng đó và dự báo tàu sân bay hạt nhân của Bắc Kinh có thể hoàn thành trước năm 2030. Trung Quốc đang có 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nên việc xây dựng động cơ đẩy hạt nhân cho tàu sân bay là nằm trong tầm tay của nước này. Hải quân Trung Quốc được phát hiện đang huấn luyện sử dụng chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 FC-31 Gyrfalcon và J-15 Flying Shark trên tàu sân bay và mục tiêu chính của họ có lẽ là phục vụ cho tàu sân bay thứ 4.

Và để có nhóm tác chiến tàu sân bay hạt nhân đủ khả năng răn đe chiến lược tại Tây Thái Dương, Ấn Ðộ Dương hay các vùng biển gần châu Âu, Trung Quốc cũng muốn có đội tàu khu trục và khinh hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân như các cường quốc quân sự Mỹ, Nga. Trung Quốc kỳ vọng trở thành cường quốc hải quân toàn cầu vào năm 2030.

Chia sẻ bài viết