26/06/2014 - 15:03

Tạo điều kiện để phụ nữ khám và điều trị ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Năm 2010, Việt Nam có 5.664 phụ nữ mắc (tỷ suất 13.6/100.000 phụ nữ). TP Cần Thơ có tỷ lệ mới mắc UTCTC cao nhất cả nước (tỷ suất 21.5/100.000 phụ nữ), kế đến là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Vừa qua, Dự án "Tăng cường nhận thức phụ nữ về tầm soát UTCTC, kết hợp hỗ trợ sàng lọc, phòng ngừa và điều trị ca bệnh" triển khai giai đoạn II ở TP Cần Thơ, trở thành tin vui cho rất nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn.

Tỷ lệ mắc UTCTC ở Cần Thơ cao nhất nước

Theo PGS.TS Trịnh Hữu Vách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dân số và Sức khỏe nông thôn (RCRPH): "Mỗi năm, Việt Nam có gần 2.500 người tử vong do căn bệnh này. Trong 10 năm nữa, tỷ lệ mắc mới và chết do UTCTC sẽ tăng thêm 25% nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời". Nguyên nhân gây UTCTC là do HPV, một loại vi-rút gây u nhú ở người, lây nhiễm qua đường tình dục và là một trong những tác nhân gây nhiễm trùng đường sinh dục phổ biến nhất ở phụ nữ và phụ nữ nào cũng có thể bị UTCTC. Sau lần nhiễm HPV đầu tiên, 5-10% trường hợp có thể hình thành các biến đổi do HPV. Phần lớn các tổn thương này tự thoái triển sau một thời gian ngắn hoặc không tiến triển nặng hơn. Nếu người phụ nữ nhiễm nguy cơ cao đối với các yếu tố khác, tổn thương ban đầu có thể tồn tại và tiến triển trong vòng 10-20 năm qua các giai đoạn tân sản nội biểu mô để hình thành UTCTC. Tuy nhiên, UTCTC có thể được sàng lọc, phát hiện sớm bằng các phương pháp đơn giản, rẻ tiền, dễ thực hiện tại các tuyến y tế như: VIA (quan sát cổ tử cung bằng mắt thường với acid acetic) hoặc VILI (quan sát cổ tử cung bằng mắt thường với lugol). Các phương pháp này có thể thực hiện bởi nhân viên y tế và đạt kết quả tối ưu trong một lần khám.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bé Năm triển khai giai đoạn II của dự án.

Tại TP Cần Thơ, năm 2009, PATH tài trợ sàng lọc UTCTC cho chị em phụ nữ bằng VIA. Đến giữa năm 2013, Quỹ UTCTC Úc cùng với RCRPH đã triển khai dự án ở 6 xã thuộc 3 huyện: Phong Điền, Thới Lai và Cờ Đỏ. Dự án đã tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng về quy trình khám sàng lọc và chẩn đoán UTCTC cho các bác sĩ, nữ hộ sinh của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) TP Cần Thơ và Trung tâm y tế dự phòng 3 huyện triển khai dự án. Sau đó, dự án truyền thông trực tiếp cho nữ sinh trường THCS, tiến hành khám sàng lọc cho 2.050 phụ nữ từ 21-70 tuổi. Qua đó, phát hiện gần 63% phụ nữ bị nhiễm phụ khoa và tất cả được cấp thuốc điều trị. Dự án sàng lọc UTCTC bằng VIA cho 2.047 phụ nữ, có 91 ca VIA dương tính. Dự án cũng xét nghiệm tế bào học cổ tử cung cho 187 phụ nữ. Qua đó, phát hiện 16 chị bị tiền UTCTC mức độ nhẹ, trung bình và 1 phụ nữ bị CIN III (tức là giai đoạn loạn sản nặng, tiền UTCTC nặng). Các phụ nữ bị tiền ung thư được tư vấn chuyển gởi điều trị kịp thời, phòng tiến triển thành UTCTC. Chị La Thị Tám, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phong Điền, cho biết: "Đa số chị em ở nông thôn bị bệnh phụ khoa, UTCTC nhiều hơn thành thị do nguồn nước sinh hoạt, điều kiện lao động ngâm mình dưới nước, dễ gây viêm nhiễm vùng kín, trong khi rất hạn chế kiến thức phòng, trị bệnh. Qua triển khai giai đoạn 1 ở 2 xã thuộc huyện Phong Điền, kiến thức chị em nâng lên rõ rệt. Nhiều chị chủ động khám phụ khoa, sàng lọc UTCTC". Theo Trung tâm Y tế dự phòng huyện Thới Lai: "Giai đoạn 1, dự án triển khai ở xã Định Môn và xã Trường Thành. Trước đây, chị em không biết bệnh phụ khoa có hại sức khỏe nên rất chủ quan; chỉ điều trị khi bệnh trở nặng. Càng không biết nếu phát hiện sớm UTCTC ở giai đoạn tiền ung thư, việc điều trị đơn giản, ít tốn kém và làm việc, sinh hoạt bình thường. Qua tuyên truyền, chị em tham gia khám rất đông và sau đó, số lượt chị em đến trạm y tế khám, điều trị phụ khoa, sàng lọc UTCTC bằng VIA tăng đáng kể".

Mở rộng dự án

Trước hiệu quả tích cực của dự án, Quỹ UTCTC Úc quyết định tài trợ triển khai giai đoạn II từ nay đến hết tháng 3-2016 với mục tiêu: Giảm tỷ lệ phụ nữ mắc UTCTC thông qua hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, sàng lọc UTCTC và hỗ trợ điều trị các trường hợp bất thường. Bác sĩ Nguyễn Thị Bé Năm, Giám đốc Trung tâm chăm sóc SKSS TP Cần Thơ, cho biết: "Điểm mới của giai đoạn II là các trường hợp phát hiện VIA+, tiền ung thư và UTCTC được hỗ trợ điều trị. Trong đó, các ca phát hiện VIA+ được xét nghiệm, điều trị miễn phí. Với những ca UTCTC nhẹ và trung bình được hỗ trợ 1 phần kinh phí (thực hiện Pap’smear cho 640 người, áp lạnh cho 450 người) và các ca tiền UTCTC nặng, UTCTC được hỗ trợ chi phí 3 triệu đồng/người". Ở giai đoạn này, có 24 xã, thị trấn (khoảng 340 phụ nữ được khám sàng lọc/đơn vị) thuộc 3 huyện tham gia dự án như: Phong Điền, Thới Lai và Cờ Đỏ. Các hoạt động truyền thông gồm: Truyền thông nhóm phụ nữ từ 21-70 tuổi, tổ chức nói chuyện ngoại khóa tại trường THCS cho nữ sinh, phát tờ rơi, treo poster… Trung tâm chăm sóc SKSS TP Cần Thơ kết hợp với các Trung tâm y tế dự phòng huyện, trạm y tế để khám cho chị em.

Giải thích lý do không hỗ trợ tiêm vắc- xin ngừa UTCTC cho phụ nữ, ông Graeme Lade, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ UTCTC Úc, cho biết: Trước hết, giá vắc-xin đắt đỏ, không thể tiêm số lượng lớn phụ nữ, thứ hai vắc xin chỉ ngừa UTCTC gây ra bởi 2 tuýp là 16 và 18 (70% các ca UTCTC xác định nhiễm vi- rút HPV 16 và 18), còn các tuýp khác vẫn có khả năng gây UTCTC vì vậy dù tiêm phòng nhưng phụ nữ vẫn phải sàng lọc. So sánh giữa việc mua vắc- xin và triển khai truyền thông, khám sàng lọc thì khám sàng lọc ít tốn kém hơn và hiệu quả hơn. Giai đoạn II, dự án cố gắng hỗ trợ điều trị tiền UTCTC và UT nhiều hơn. Qua đó, xác định và tìm nguyên nhân, giải pháp không chỉ cho TP Cần Thơ mà cả Việt Nam. Rất mong, khi dự án kết thúc, chị em tiếp tục khám, điều trị phụ khoa và sàng lọc UTCTC.

Bài, ảnh: ĐOÀN LÝ

Chia sẻ bài viết