13/08/2011 - 21:44

Tăng cường phối hợp, chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng

Trước tình hình bệnh tay chân miệng (TCM) ở nhiều địa phương trên cả nước diễn biến ngày càng phức tạp, với số ca mắc bệnh tăng cao, UBND TP Cần Thơ tiếp tục có Công văn số 2862/UBND-VXNC (ngày 29-7-2011), về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống bệnh TCM. Đến nay, các địa phương, sở, ban, ngành liên quan, đặc biệt là ngành y tế, giáo dục đã và đang triển khai nhiều biện pháp để chủ động phòng chống bệnh TCM, hạn chế bệnh lây lan trong cộng đồng...

* Bà Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ: Cần hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng chống bệnh TCM

 

Thời gian qua, bên cạnh việc tham mưu cho UBND thành phố ban hành ngay văn bản chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tham gia công tác phòng chống dịch bệnh TCM, ngành y tế thành phố đã phối hợp với các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh đường tiêu hóa nói chung và bệnh TCM nói riêng. Sở Y tế thành phố cũng đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo cho các đơn vị y tế tập trung triển khai các biện pháp cụ thể. Trong đó, các cơ sở dự phòng tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch bệnh; chuẩn bị đội chống dịch cơ động; điều tra, xử lý kịp thời các nơi có bệnh nhân mắc TCM, không để bệnh lây lan và bùng phát thành dịch... Các cơ sở điều trị chuẩn bị đầy đủ con người, cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu, vật tư hóa chất, phương tiện vận chuyển, để kịp thời phục vụ bệnh nhân, cố gắng không để bệnh nhân tử vong; củng cố các đội cấp cứu tại các bệnh viện có đủ trình độ, năng lực xử lý, điều trị cho người bệnh, sẵn sàng đội cấp cứu ngoại viện, hỗ trợ cho tuyến dưới khi có yêu cầu; tập huấn cho 40 bác sĩ bệnh viện (BV) Nhi, BV quận/ huyện và BV tư nhân về phác đồ điều trị. Ngành y tế TP luôn phối hợp với báo, đài và các ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh TCM để mọi người hiểu và tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống bệnh tại cơ quan, đơn vị, trường học, tại cộng đồng và hộ gia đình.

Tuy nhiên, do mật độ dân ở thành thị cao, điều kiện sống ở một số khu vực còn chật chội, môi trường sống ô nhiễm, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được chặt chẽ, đặc biệt là mùa tựu trường sắp đến sẽ tập trung đông trẻ là điều kiện dễ lây lan, bùng phát dịch. Bên cạnh đó, ý thức người dân về phòng chống dịch bệnh TCM chưa cao; sự phối hợp giữa các cơ sở mầm non và y tế ở một số địa phương chưa chặt chẽ trong phát hiện bệnh; cơ sở vật chất của BV Nhi đồng và một số BV quận, huyện còn chật chội, xuống cấp, chỉ đáp ứng với dịch nhỏ, dịch trung bình xảy ra mà chưa đủ đáp ứng khi dịch bệnh lớn bùng phát.

Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh TCM trong thời gian tới, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch chi tiết, với mục tiêu đề ra là: giảm tỷ lệ mắc bệnh, phấn đấu không có ca tử vong, khống chế không cho dịch lớn xảy ra. Trong đó, cùng với củng cố lại Ban chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe ban đầu các cấp, bổ sung thêm đội cơ động chống dịch, ngành y tế tăng cường đi kiểm tra, giám sát tình hình bệnh TCM tại các quận, huyện, xã, phường, các nhà trẻ, trường mầm non, số ca đến khám và điều trị tại các bệnh viện; trang bị thêm phương tiện, máy móc, hóa chất chống dịch. Tập huấn phác đồ điều trị và chăm sóc cho cán bộ y tế; dự trù thuốc men kịp thời; chuẩn bị hỗ trợ tuyến dưới. Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cách phòng chống bệnh cho nhiều đối tượng, đặc biệt là đội ngũ giáo viên trong nhà trường, bảo mẫu mầm non trong và ngoài công lập để biết cách phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh, cách ly tại nhà và thông báo cơ quan y tế. Để thực hiện tốt kế hoạch trên, chúng tôi đang trình UBND thành phố hỗ trợ kinh phí khoảng 674 triệu đồng nhằm thực hiện tốt hơn công tác chống bệnh TCM.

* Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ: Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh tcm, kịp thời xử lý các tình huống

 

Với mục tiêu phát hiện sớm và làm giảm số ca mắc bệnh TCM, thời gian qua, Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) TP Cần Thơ đã kết hợp chặt chẽ với Bệnh viện Nhi đồng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, Bệnh viện 121, các bệnh viện tư nhân trong việc giám sát số ca đến khám và điều trị tại bệnh viện. Trung tâm phối hợp với bệnh viện lấy mẫu các trường hợp bệnh TCM có biến chứng thần kinh để chuyển đến Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh xét nghiệm; phối hợp với Trung tâm YTDP quận/huyện điều tra, xử lý triệt để ổ dịch TCM. Các Trung tâm YTDP quận/huyện cập nhật, báo cáo chi tiết tình hình các ca bệnh về Trung tâm YTDP TP Cần Thơ. Trung tâm YTDP thành phố cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra chỉ đạo chống dịch triệt để tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch. Các phương án nhân sự, mua thuốc, hóa chất, phương tiện cũng đã được chuẩn bị và sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới chống dịch, không để dịch lớn xảy ra. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm YTDP TP Cần Thơ đã hỗ trợ, phân phối 4,1 tấn Cloramine B dùng khử khuẩn bề mặt và môi trường cho các cơ sở y tế và trường học. Sắp tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tập huấn cho thầy cô giáo ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố; tăng cường tập huấn về công tác điều trị và phòng chống bệnh TCM cho cán bộ y tế tuyến quận/huyện, xã, phường. Kịp thời cử cán bộ trong đội phòng chống dịch cơ động kết hợp với Trung tâm y tế dự phòng, Phòng Y tế quận/huyện đến địa bàn nơi xảy ra ca bệnh, tiến hành các bước xử lý theo quy trình khám chữa bệnh, dịch TCM của Bộ Y tế.

* Ông Nguyễn Quý Đôn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ: Thực hiện nghiêm các biện pháp hạn chế bệnh lây lan trong trường học

 

Thực hiện các công văn chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT); UBND thành phố, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ đã có Công văn số 1182/SGDĐT-GDTrH về tăng cường phòng, chống bệnh TCM gửi tất cả cơ sở giáo dục trong thành phố. Trong đó, yêu cầu các trường học nhất là các trường mầm non, các nhóm trẻ, các trường tiểu học phải chuẩn bị tốt mọi điều kiện để bước vào năm học mới; tích cực đề phòng bệnh TCM bằng các biện pháp theo hướng dẫn của ngành y tế, như: vệ sinh, khử trùng trường lớp, nhất là các nơi sinh hoạt học tập, vui chơi, ăn, nghỉ của học sinh. Chú ý vệ sinh dụng cụ học tập, đồ chơi, nhà vệ sinh hàng ngày bằng nước xà phòng và lau bằng dung dịch Cloramin B. Các dụng cụ ăn uống như bát, đũa, cốc cần phải được ngâm, tráng nước sôi trước khi sử dụng. Đặc biệt, chú ý xử lý hợp vệ sinh phân của trẻ tại trường học để tránh lây lan mầm bệnh. Các trường học cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cho trẻ em, học sinh thực hiện tốt các hành vi vệ sinh cá nhân; vệ sinh răng miệng, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi chơi chung đồ chơi; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức cho thầy cô và cha mẹ học sinh kiến thức về các biện pháp phòng chống bệnh TCM; đồng thời phải theo dõi trẻ hàng ngày, phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước để thông báo cho gia đình và cơ quan y tế xử lý kịp thời. Đối với trẻ mắc bệnh phải tiến hành cách ly y tế tại nhà và tại các cơ sở y tế ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. Khi lớp học có từ 2 trẻ trở lên bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày, cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất và đề xuất phương án cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để phòng chống lây lan mầm bệnh. Đến nay, hầu hết các trường học, nhất là các trường mầm non, các nhóm giữ trẻ, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đã tổ chức làm vệ sinh phòng lớp, nơi sinh hoạt, ăn, nghỉ của trẻ... nhằm đảo đảm tốt các điều kiện cho các em đến trường trong năm học mới.

* Ông Nguyễn Quang Duy, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người góp phần phòng chống bệnh tcm

 

Là một trong những địa phương trên địa bàn thành phố có số ca mắc bệnh TCM cao (tính đến ngày 11-8-2011 là 91 ca), UBND quận Ninh Kiều luôn quan tâm chỉ đạo các phòng, ban, ngành, các phường tăng cường công tác phòng, chống bệnh TCM. Trong đó, chỉ đạo phòng Y tế, Trung tâm YTDP quận triển khai các biện pháp phòng bệnh, tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch, các điểm nóng, các nơi có bệnh nhân mắc TCM. Đối với những nơi có nguy cơ phát sinh dịch bệnh phải tập trung mọi nguồn lực để khống chế, không để bệnh lây lan và bùng phát thành dịch; tăng cường phối hợp tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh TCM để mọi người hiểu và tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cơ quan, đơn vị, trường học, tại cộng đồng và gia đình. UBNQ quận cũng giao Phòng GD-ĐT quận chỉ đạo các trường học, các nhóm trẻ gia đình phối hợp với Trung tâm YTDP tổ chức vệ sinh trường lớp, khử trùng phòng học trước ngày khai giảng 1 tuần; báo cho Trung tâm YTDP khi có trẻ bệnh TCM để tổ chức khử trùng lớp học. Giáo viên các trường học, đặc biệt là cấp mầm non và tiểu học phải theo dõi diễn biến sức khỏe của học sinh hàng ngày, sớm phát hiện những trường hợp có biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước để thông báo cho gia đình và cơ quan y tế xử lý kịp thời; không để trẻ mắc bệnh TCM đến lớp học khi chưa được cơ quan Y tế xác định khỏi bệnh nhằm tránh lây lan cho trẻ khác.

Song song đó, UBND quận Ninh Kiều cũng đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT quận kết hợp Trung tâm YTDP quận mời cán bộ Trung tâm YTDP thành phố triển khai cho Ban Giám hiệu của các trường học trên địa bàn quận để giúp các thầy cô nắm rõ các triệu chứng, sự lây truyền bệnh TCM, từ đó có những biện pháp phòng chống bệnh hữu hiệu trong nhà trường.

SỸ KHANG- HỒNG VÂN

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, từ đầu năm đến ngày 11-8-2011, trên địa bàn TP Cần Thơ đã ghi nhận 277 ca mắc bệnh TCM, tăng 214 ca so với cùng kỳ năm 2010 và không có trường hợp tử vong. Nhìn chung, số ca mắc bệnh TCM ở hầu hết các quận huyện trên địa bàn TP Cần Thơ đều tăng so với cùng kỳ. Trong đó, quận Ninh Kiều tăng 77 ca, quận Bình Thủy tăng 37 ca, huyện Phong Điền tăng 26 ca, quận Ô Môn tăng 20 ca, huyện Thới Lai tăng 18 ca,… 

Chia sẻ bài viết