24/02/2010 - 08:25

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ:

Tấn công Iran có thể gây hậu quả khôn lường

* Mỹ có “Kế hoạch B” cho việc rút quân chậm hơn khỏi Iraq

(TTXVN)- Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mike Mullen ngày 22-2 nói rằng mọi biện pháp tấn công quân sự nhằm vào Iran đều không có tính quyết định đến việc chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Phát biểu sau chuyến thăm Trung Đông kéo dài một tuần, Đô đốc Mullen cho rằng “Iran đang trong quá trình hoàn tất sản xuất vũ khí hạt nhân và là tác nhân gây mất ổn định trong khu vực”. Tuy nhiên, ông ủng hộ các biện pháp trừng phạt ngoại giao và kinh tế đối với Tehran hơn là các cuộc tấn công quân sự, do chúng có thể mang lại “những hậu quả khôn lường”.

Trước đó, hãng thông tấn ISNA dẫn lời Phó Tổng thống kiêm Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran, ông Ali Akbar Salehi cho biết Tehran đã xác định địa điểm xây dựng 10 nhà máy làm giàu uranium mới, trong đó hai cơ sở đầu tiên sẽ được khởi công xây dựng trong tháng ba. Các cơ sở hạt nhân mới sẽ được xây dựng trong lòng núi để “đề phòng mọi nguy cơ tấn công”, và dự kiến sẽ sử dụng máy ly tâm thế hệ mới. Công suất làm giàu uranium của các cơ sở mới tương đương với nhà máy làm giàu uranium hiện nay của Iran tại thành phố miền Trung Natanz.

Tuyên bố trên của ông Salehi được đưa ra sau khi Tướng Mỹ David Petraeus cảnh báo rằng Washington sẽ theo đuổi các biện pháp cứng rắn buộc Iran phải ngừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Người phát ngôn của Nhà Trắng, ông Philip Crowley ngày 22-2 đã chỉ trích động thái trên của Iran là “minh chứng rõ rệt về việc Tehran bất hợp tác với IAEA và cộng đồng quốc tế”.

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Iran đã lắp đặt 8.610 máy ly tâm tại nhà máy hạt nhân Natanz, trong đó 3.772 máy đang được vận hành dưới sự giám sát của IAEA.

* Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Iraq Ray Odierno ngày 22-2 thông báo có thể “gia hạn” chiến lược rút các lực lượng chiến đấu của Mỹ khỏi Iraq trong năm nay nếu tình hình chính trị tại Baghdad vẫn bất ổn sau cuộc tổng tuyển cử ngày 7-3 tới.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn phát biểu của Tướng Odierno tại một cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc cho biết chưa có dấu hiệu nào cho thấy việc rút quân chậm hơn khỏi Iraq là cần thiết, nhưng Mỹ có “Kế hoạch B” cho khả năng này. Nếu trong vài tháng tới, Iraq gặp khó khăn trong việc thành lập một chính phủ mới thì Mỹ có thể tiến hành chậm lại việc thoái lui. Thậm chí sau thời hạn chót rút hết quân khỏi Iraq vào cuối năm 2011, một lực lượng nhỏ của Mỹ sẽ vẫn ở lại để hỗ trợ chính quyền Baghdad trong việc chuyển giao và hướng dẫn sử dụng vũ khí. Ông Odierno cho biết cũng không loại trừ khả năng Nhà Trắng sẽ đẩy nhanh việc rút quân nếu cần.

Hiện Mỹ vẫn duy trì khoảng 96.000 quân ở Iraq, con số thấp nhất kể từ sau cuộc chiến lật đổ chính quyền cố Tổng thống Saddam Hussein năm 2003. Theo một thỏa thuận giữa Iraq và Mỹ dưới thời cựu Tổng thống George Bush, tất cả các lực lượng chiến đấu của Washington sẽ rời khỏi Baghdad ngày 31-8 năm nay. Tuy nhiên, sẽ có khoảng 50.000 binh lính Mỹ tiếp tục ở lại nhằm hỗ trợ huấn luyện các lực lượng an ninh của Iraq. Số binh sĩ này sẽ rút khỏi Iraq vào cuối năm 2011.

 

Chia sẻ bài viết