15/02/2014 - 09:56

Sứ mệnh khó thành của ông Kerry

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) tiếp kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 14-2. Ảnh: AP

Hôm qua 14-2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Thủ đô Bắc Kinh với nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính quyền Tập Cận Bình trong vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cũng như kêu gọi Trung Quốc kiềm chế trong vấn đề tranh chấp lãnh hải trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ đã có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại Lễ đường Nhân dân và hàng loạt các quan chức cấp cao khác để truyền đi các thông điệp mạnh mẽ, trong đó Washington cam kết theo đuổi mối quan hệ hợp tác toàn diện với Bắc Kinh, đồng thời hoan nghênh sự phát triển của một Trung Quốc hòa bình và thịnh vượng với vai trò tích cực trong các vấn đề khu vực và thế giới. Trong tiến trình này, ông Kerry kêu gọi Trung Quốc "làm rõ" Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) gây phẫn nộ trên biển Hoa Đông đang tranh chấp với Nhật Bản, đồng thời thúc giục Bắc Kinh đàm phán xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông để tránh nguy cơ xảy ra xung đột.

Mặt khác, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng gây sức ép Trung Quốc cần phải có những hành động thiết thực hơn trong vấn đề hạt nhân với Triều Tiên. Tại cuộc họp báo trước đó ở Thủ đô Seoul của Hàn Quốc, ông Kerry đã lên tiếng khẳng định cần có những giải pháp mới để đưa Bình Nhưỡng trở lại vòng đàm phán 6 bên với quan điểm rõ ràng là Mỹ không chấp nhận Triều Tiên trong vai trò một quốc gia hạt nhân. Ông Kerry nhấn mạnh "Trung Quốc có thể đóng vai trò độc nhất và quyết định để tác động đến Triều Tiên mà không quốc gia tiềm năng nào khác làm được".

Trong cuộc họp báo ngắn sáng 14-2 trước khi Ngoại trưởng Mỹ tới Bắc Kinh, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tuyên bố "là một nước lớn, Trung Quốc có trách nhiệm tích cực thúc đẩy và giải quyết các vấn đề hạt nhân trong khả năng có thể có của mình. Chúng tôi có nhiều kênh ngoại giao để làm việc với phía Triều Tiên và các bên liên quan". Tuy nhiên, hãng tin AP trong bài bình luận cho rằng nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ có thể gặp trở ngại trong nhiệm vụ này tại thời điểm xuất hiện nhiều thử thách trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng sau vụ thanh trừng ông Jang Song-thaek - chú dượng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Riêng về khả năng thuyết phục Trung Quốc kiềm chế trong tham vọng bành trướng lãnh hải gây mất an ninh châu Á, AP cho rằng đây sẽ là thách thức khó khăn lớn nhất đối với ông Kerry khi mà chính quyền Bắc Kinh vẫn luôn phản đối những chỉ trích của Mỹ liên quan đến các hành vi đáng ngại của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp trong khu vực. Bà Hoa Xuân Doanh đặc biệt cảnh báo: "Nước Mỹ không phải là bên tham gia tranh chấp tại biển Đông và nên cẩn trọng trong lời nói cũng như hành động, đồng thời cần làm nhiều hơn vì hòa bình và ổn định cho khu vực hơn là chống lại nó".

MAI QUYÊN (Theo AP, AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết