01/11/2022 - 08:49

Singapore gặp khó trong thu hút nhân tài 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Trong bối cảnh thế giới đang chạy đua tranh giành nhân tài nước ngoài nhằm giảm bớt tình trạng khan hiếm nhân lực trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe hay công nghệ, Singapore nổi lên như một điểm đến hấp dẫn với “những cải tiến có mục đích” về thị thực lao động dành cho người lao động trình độ cao.

Người dân Singapore trong giờ tan tầm. Ảnh: SCMP

Đảo quốc sư tử gần đây đã cho công bố thị thực lao động mới được gọi là Thẻ thông hành dành cho người nước ngoài có chuyên môn (One Pass) có mức lương hàng tháng tối thiểu 30.000SGD (tương đương 21.300USD). So với thị thực lao động thông thường vốn chỉ có hiệu lực 2 năm đối với những người lao động lần đầu đến Singapore và 3 năm đối với những người được gia hạn, One Pass cấp cho họ thời gian lưu trú 5 năm, đồng thời cho phép vợ/chồng người lao động làm việc ở Singapore nhưng với điều kiện, người xin thị thực phải chứng minh rằng họ đã làm việc ít nhất một năm cho công ty được thành lập với giá trị vốn hóa thị trường là 500 triệu USD hoặc đạt doanh thu hàng năm tối thiểu 200 triệu USD.

Song, việc ai nên có được những công việc tốt nhất trước đã là một vấn đề nhức nhối trong thời gian dài ở Singapore. Nhiều người địa phương cáo buộc các công ty ép họ vào những hoạt động tuyển dụng thiếu công bằng và có xu hướng ưu tiên tuyển dụng người nước ngoài dù họ có trình độ thấp hơn, từ đó làm dấy lên lo ngại những người tìm việc trong nước sẽ càng khó có được việc làm vào thời điểm xuất hiện nhiều quan ngại về xu hướng nền kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, Chính phủ Singapore nói rằng những lời chỉ trích này là sai lệch, bởi việc thu hút nhân tài nước ngoài có ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến việc tạo việc làm cho người dân địa phương, đồng thời nỗ lực đảm bảo với người dân rằng việc thu hút nhân tài nước ngoài không có nghĩa là họ sẽ bị bỏ lại phía sau.

Nhiều ý kiến cho rằng Singapore cần có sự minh bạch hơn trong truyền thông chính sách, cần đưa ra các biện pháp bảo vệ chống lại sự thiên vị trong tuyển dụng và đầu tư nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động địa phương. Theo chính trị gia Jamus Lim, dù thị thực lao động mới đã được triển khai nhưng các vấn đề cũ xung quanh việc thuê người lao động nước ngoài vẫn chưa được giải quyết. Ông Lim cảnh báo, nếu các doanh nghiệp thiên vị trong tuyển dụng thì sẽ dẫn đến sự bất mãn trong người lao động.

Một số người thậm chí còn lo ngại, việc thu hút nhiều người nước ngoài vào vị trí cấp cao sẽ dẫn đến sự phân biệt đối xử với người dân địa phương. Tafep, cơ quan chính phủ chuyên giám sát sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc, cho biết họ nhận được trung bình 379 đơn khiếu nại mỗi năm trong giai đoạn 2014-2021. Trong đó, định kiến ​​dựa trên quốc tịch chiếm nhiều nhất trong số các khiếu nại, trung bình là 233 trường hợp/năm. Carmen Wee, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành một công ty dịch vụ tư vấn nhân sự chiến lược, cho biết “những vấn đề như vậy luôn có cơ sở”. “Nếu không có đủ biện pháp bảo vệ ở cấp công ty nhằm thúc đẩy tuyển dụng toàn diện và phát triển nhân tài, các nhân tài địa phương có thể không được thăng tiến, ngay cả khi có đủ kỹ năng và đóng góp cần thiết” - Wee nhấn mạnh.

Terence Ho, phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Ðại học Quốc gia Singapore, cho hay dù nhiều người công nhận nhu cầu người lao động nước ngoài là cần thiết nhằm “gia tăng lực lượng lao động địa phương và phát triển miếng bánh kinh tế tập thể”, chính phủ phải truyền đạt các chính sách đó một cách rõ ràng. Bên cạnh đó, chính phủ cần theo dõi tỷ lệ người Singapore đảm nhận các vai trò lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp ở từng lĩnh vực nhằm giúp giảm bớt nỗi lo của người dân địa phương cũng như tăng cường an sinh xã hội, đảm bảo tuyển dụng công bằng và đầu tư nâng cao tay nghề người bản địa để “đảm bảo rằng họ sẽ có cơ hội công bằng” tại nơi làm việc.

Phó Thủ tướng Singapore Vương Thụy Kiệt trong bài phát biểu khai mạc Tuần lễ Ðổi mới và Công nghệ Singapore mới đây cho biết, nước này sẽ đầu tư 50 triệu USD để thu hút và phát triển nhân tài trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cũng như mở 3 trung tâm sáng tạo mới nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ thử nghiệm những ý tưởng mới trong môi trường xây dựng vật liệu tiên tiến, nông nghiệp đô thị, làm đẹp và chăm sóc cá nhân. Theo ông Vương, hiện có 3 rào cản đối với sự đổi mới của Singapore, gồm thiếu nhân lực, công nghệ phát triển quá nhanh và chậm tiến độ về xây dựng tính bền vững.

Chia sẻ bài viết