Ngày 24-2, Thụy Sĩ ra lệnh phong tỏa tài sản của Tổng thống Libye Muammar Gadhafi, trong khi Mỹ và đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để ngỏ khả năng can thiệp quân sự vào nước này. Một dấu hiệu cho thấy sức ép quốc tế gia tăng lên chính quyền Libye.
|
Người biểu tình Libye tại thành phố Benghazi. Ảnh: Getty |
Sau 10 ngày biểu tình chống chính phủ dâng cao tại Libye, Tổng thống Gadhafi đã mất quyền kiểm soát phần phía Đông lãnh thổ. Nhiều thành viên trong chính phủ quay lưng lại với chính quyền và đe dọa tấn công “cứ địa” của ông Gadhafi ở Thủ đô Tripoli từ mọi phía. Các chỉ huy nổi dậy tuyên bố họ đã triển khai binh sĩ cho cuộc tấn công này. Đại tá Tareq Saad Hussein, một trong 7 cựu tướng lĩnh quân đội chỉ huy lực lượng nổi dậy ở Benghazi - thành phố lớn thứ hai của Libye, cho biết họ có kế hoạch đánh chiếm Tripoli và “sẽ không dừng lại cho đến khi giải phóng hoàn toàn đất nước (khỏi chế độ cầm quyền của ông Gadhafi)”. Từ khu liên hợp điều hành quân đội, hiện là trung tâm hoạt động của các tướng lĩnh nổi dậy, Đại tá Hussein nói đội quân của ông đang tiến về phía Tây tới Tripoli theo từng nhóm nhỏ, nhằm gây bất ngờ cho các lực lượng trung thành với ông Gadhafi. Ông Hussein không cho biết có bao nhiêu quân được điều đi, nhưng các nhà quan sát cho rằng có hơn 1.000 người. Theo Đại tá Hussein, thông tin tình báo cho biết ông Gadhafi đang di chuyển liên tục từ nơi này sang nơi khác nhằm tránh bị mưu sát.
Trong khi đó, người dân Tripoli cho biết các nhóm chống chính phủ đã truyền thông điệp kêu gọi biểu tình quy mô lớn tại quảng trường Xanh như dấu hiệu kiên quyết chống ông Gadhafi. Theo một số người dân, lực lượng chính phủ trang bị vũ khí hạng nặng tuần hành trên đường phố Tripoli sẵn sàng trấn áp người biểu tình.
Theo người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney, tình hình nguy cấp ở Libye đòi hỏi Mỹ và đồng minh “phải hành động gấp”. Hiện chính quyền Mỹ đang bàn thảo với Liên Hiệp Quốc và các đồng minh về phương án giải quyết khủng hoảng tại Libye. Carney cho biết Tổng thống Barack Obama đã tham vấn một loạt lãnh đạo các nước Anh, Pháp và Ý về việc áp dụng các biện pháp tức thời để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Libye, trong đó không loại trừ khả năng sử dụng hành động quân sự. Tuyên bố với báo giới, Carney nói: “Mỹ đang vận động sự ủng hộ của quốc tế đối với các biện pháp chống lại Tổng thống Libye Gadhafi” và nhấn mạnh “Washington không loại trừ bất cứ lựa chọn nào”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley còn xác nhận quân đội Mỹ đã “tham gia đầy đủ” các cuộc thảo luận cấp cao về biện pháp đối phó của Washington đối với cuộc khủng hoảng hiện nay ở Libye, và sẽ đánh giá các lựa chọn để trình Nhà Trắng.
N. KIỆT (Theo CNN, WSJ, Reuters)