12/02/2009 - 21:22

Rối loạn trầm cảm, cần được can thiệp sớm

* BS. Thiều Quang Hùng
(Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ)

Trầm cảm là bệnh rất phổ biến. Cuộc sống càng tất bật, căng thẳng, con người càng dễ bị trầm cảm. Trầm cảm gây nhiều tổn hại cho cá nhân, cho gia đình và xã hội, làm giảm chất lượng sống của người bệnh nên cần quan tâm để phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Bài viết này nhằm giúp bạn đọc nhận dạng được trầm cảm và hướng điều trị.

Một bệnh nhân bị rối loạn trầm cảm do nghiện rượu được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ.
Ảnh: K.LOAN

Ở nước ta và nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ mắc trầm cảm tại một thời điểm là 3-5% dân số. Hàng tuần, Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ tiếp nhận khá nhiều trường hợp rối loạn trầm cảm đến khám và điều trị. Trong đó, có nhiều ca phải nhập viện do bệnh tiến triển nặng hoặc bệnh nhân tự gây tổn thương bản thân bằng cách tự tử. Điển hình như trường hợp chị T.T.B.V ở tỉnh Sóc Trăng, tự treo cổ nhưng được gia đình phát hiện kịp thời và đưa đến bệnh viện điều trị. Theo gia đình, chị B.V sống khép kín, ít giao tiếp, ít nói, chỉ quanh quẩn trong nhà. Từ năm 2006, chị B.V thường xuyên mất ngủ. Các bác sĩ chẩn đoán chị mắc chứng rối loạn trầm cảm kéo dài, không được can thiệp sớm nên bệnh trạng diễn tiến nặng.

Trầm cảm là trạng thái cảm xúc buồn rầu, chán nản, u uất,... khác với phản ứng buồn chán nhất thời thường có ở người bình thường. Trầm cảm cần được phát hiện sớm, điều trị và chăm sóc đúng cách mới có thể đạt kết quả tốt hoặc thuyên giảm. Tuyệt nhiên không được cho rằng bệnh nhân “yếu đuối”, “lười biếng” hoặc cho rằng thần thánh “trừng phạt”, ma quỷ “ám hại”.

Trầm cảm có nguyên nhân, cơ thể bệnh nhân thường sinh bệnh phức tạp, biểu hiện lâm sàng không chỉ bằng các triệu chứng đặc trưng về tâm thần là giảm khí sắc mà còn kèm theo nhiều triệu chứng về cơ thể của hệ tiêu hóa, hệ tim mạch, hệ thần kinh, nội tiết... Vì vậy, người bệnh trầm cảm thường đến nhiều chuyên khoa khác để điều trị là bỏ sót chẩn đoán trầm cảm. Trầm cảm bệnh lý còn là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho nhiều người bệnh do tự sát. Bệnh nhân dễ bị tai nạn hoặc suy kiệt do từ chối ăn uống.

Những biểu hiện lâm sàng của trầm cảm: khí sắc trầm (nét mặt, dáng điệu buồn rầu, ủ rũ, mất hoặc giảm sút sinh lực, thường thở dài, than vãn, rầu rĩ...); mất hoặc giảm sự quan tâm, thích thú (không quan tâm đến mọi việc, người xung quanh, không còn ham thích gì kể cả vui chơi, giải trí, sinh hoạt xã hội); mất hoặc giảm năng lượng, giảm hoạt động (dễ mệt mỏi, mất sức lực chỉ sau một cố gắng nhỏ, do đó, thường nằm, ngồi một chỗ, ít hoạt động, bỏ bê công việc).

Bảy triệu chứng phổ biến của một giai đoạn trầm cảm là:

- Người bệnh mất hoặc khó tập trung chú ý nên không thể nắm bắt được thông tin khi xem truyền hình, hoặc nghe người khác kể chuyện; cảm thấy mình không nhớ gì, đầu óc mông lung, trống rỗng ,...

- Người bệnh giảm sút tính tự trọng và lòng tự tin, thấy mình vô tích sự, không thể đưa ra được những quyết định dù rất nhỏ.

- Bệnh nhân tự cho mình không xứng đáng hoặc có ý tưởng bị tội, có khuyết điểm.

- Nhìn tương lai ảm đạm, bi quan, đen tối.

- Có ý tưởng, hành vi tự gây thương tích hoặc tự sát.

- Rối loạn giấc ngủ (khó ngủ, mất ngủ, ngủ nông, dễ thức giấc hoặc ngủ nhiều với nhiều ác mộng...)

- Cảm thấy ăn ít ngon miệng.

Trầm cảm nặng: thường có hiện tượng sụt cân nhanh (giảm 5% trọng lượng cơ thể/ 1 tháng), giảm hoặc mất dục năng (liệt dương ở nam giới, lãnh cảm ở nữ giới), mất ngủ hoàn toàn, và nhiều triệu chứng loạn thần như: hoang tưởng, ảo giác, loạn cảm giác, ...

Nguyên nhân của trầm cảm:

- Do sự cố sang chấn, căng thẳng như: xung đột, mâu thuẫn, đổ vỡ, mất mát (của cải, người thân) dẫn đến trầm cảm phản ứng.

- Do tổn thương ở não hoặc các bệnh lý cơ thể ngoài não làm ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của não như: lạm dụng rượu, nghiện rượu, nghiện ma túy, chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não... dẫn đến trầm cảm thực tổn.

- Do mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh cảm xúc, các amin sinh học (như serotonin, noradrenalin, dopamine)... gây ra trầm cảm nội sinh.

Để điều trị bệnh trầm cảm có hiệu quả:

- Người nhà cần phải phát hiện các biểu hiện bệnh để đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

- Bác sĩ phải chẩn đoán chính xác trạng thái trầm cảm, kể cả trầm cảm nhẹ, trầm cảm biểu hiện bằng các triệu chứng cơ thể của nhiều chuyên khoa khác; xác định được mức độ trầm cảm đang có ở người bệnh (nhẹ, trung bình hay nặng, triệu chứng có nguy cơ tự sát), nguyên nhân gây ra và phải lưu ý trầm cảm có kèm theo loạn thần hay những biểu hiện của ý tưởng hoặc hành vi tự sát để kịp thời xử lý và điều trị có hiệu quả.

- Đi đôi với điều trị trầm cảm bằng thuốc, còn cần phải sử dụng liệu pháp tâm lý như giúp bệnh nhân nhận thức được hành vi của mình. Đồng thời, thông cảm, chia sẻ, chống stress cho bệnh nhân.

- Ngoài ra, yếu tố gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Gia đình cần quan tâm, chăm sóc, kịp thời phát hiện ý tưởng tự sát của người bệnh để can thiệp hợp lý; loại bỏ những tác nhân gây căng thẳng cho bệnh nhân như mâu thuẫn trong gia đình, cơ quan; khích lệ lòng tự tin, yêu công việc và cuộc sống.

Trầm cảm thường có khuynh hướng tiến triển mạn tính, bác sĩ, gia đình và bệnh nhân cần phối hợp, kiên trì điều trị lâu dài.

KIM LOAN (Ghi)

Chia sẻ bài viết