Sở Xây dựng TP Cần Thơ đang tập trung lập các quy hoạch phân khu đô thị 5 quận của thành phố, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị cũng như phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Mới đây, lãnh đạo UBND thành phố đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 của hai quận: Ô Môn và Thốt Nốt. Tại cuộc họp, lãnh đạo thành phố, các sở, ngành cho rằng cần thiết quy hoạch Ô Môn, Thốt Nốt theo hướng phát triển đô thị- công nghiệp.
►Định hướng đô thị phục vụ công nghiệp
Đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Ô Môn đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 với mục tiêu cụ thể hóa các nội dung của đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt; các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị của thành phố đối với quận Ô Môn. Đồng thời, xác định cơ cấu phân khu, quỹ đất dành cho đầu tư xây dựng các khu chức năng, khu dân cư, các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị phù hợp với quy mô chung, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của quận và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc làm cơ sở cho việc triển khai các quy hoạch chi tiết xây dựng cũng như các dự án đầu tư xây dựng cụ thể. Đưa Ô Môn trở thành khu đô thị dịch vụ - công nghiệp...
Theo đơn vị tư vấn, điểm mạnh của Ô Môn là đô thị hiện hữu đã có quá trình phát triển về văn hóa, lịch sử với bản sắc riêng; có cảnh quan thiên nhiên sông nước đặc trưng và vùng nông nghiệp sinh thái; gần khu trung tâm truyền thống của thành phố, tiếp cận các tuyến giao thông quan trọng; tốc độ đô thị hóa đang tăng, có quỹ đất lớn để phát triển đô thị… Ô Môn có tổng diện tích tự nhiên 13.193ha, định hướng phân khu đô thị gồm 3 vùng; dân số dự kiến đến năm 2020 là 180.000 người, năm 2030 là 220.000 người. Vùng 1: vùng phát triển đô thị trung tâm (đô thị Ô Môn 1), phát triển không gian dọc trục giao thông chính là quốc lộ 91 hiện hữu, quy mô khoảng 3.000ha, quy mô dân số khoảng 100.000 người. Vùng 2: vùng phát triển đô thị- công nghiệp (đô thị Ô Môn 2); khu vực phát triển công nghiệp gồm có các khu vực Khu Công nghiệp Trà Nóc 2, Khu Nhà máy điện, Khu công nghệ cao (dự kiến); khu vực phát triển đô thị-phát triển chức năng đô thị và công nghiệp (đô thị phục vụ khu công nghiệp) trên cơ sở khai thác không gian dọc sông Hậu, quốc lộ 91 và sông Trà Nóc; quy mô khoảng 1.600ha; quy mô dân số khoảng 70.000 người. Vùng 3: vùng phát triển nông nghiệp đô thị gắn với các khu dân cư mật độ thấp kết hợp du lịch sinh thái… Quy hoạch Ô Môn là đô thị mới kết hợp cải tạo, gắn kết với khu đô thị trung tâm (Bình Thủy-Ninh Kiều); đồng thời là trung tâm công nghiệp chuyên ngành, công nghệ cao, công nghiệp điện năng cấp vùng; phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao sông Hậu.
Còn quận Thốt Nốt có tổng diện tích tự nhiên 12.202ha, định hướng phân khu đô thị thành 2 vùng; dân số dự kiến đến năm 2020 là 200.000 người, năm 2030 là 240.000 người. Vùng 1 có quy mô khoảng 2.500ha phát triển đô thị- công nghiệp, là vùng có các điều kiện thuận lợi về giao thông, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và các yếu tố động lực khác nhằm tạo điều kiện thu hút người dân về đây sinh sống, hoạt động kinh tế phi nông nghiệp. Vùng phát triển đô thị- công nghiệp cũng được cấu trúc gồm 2 khu đô thị có không gian gắn kết chặt chẽ với nhau qua tuyến giao thông quốc lộ 91. Đó là khu đô thị trung tâm (phường Thốt Nốt và một phần các phường Trung Kiên, Thuận An, Trung Nhứt, Thạnh Hòa), với khoảng 1.600ha, dân số khoảng 120.000 người; khu đô thị- công nghiệp (thuộc phường Thới Thuận), diện tích khu vực phát triển công nghiệp dự kiến đến năm 2030 khoảng 550-600ha và vùng dự trữ phát triển giai đoạn sau 2030 khoảng 1.000ha. Vùng 2: vùng phát triển nông nghiệp đô thị- du lịch sinh thái; là vùng cù lao Tân Lộc, quy mô diện tích khoảng 3.330ha… Quy hoạch Thốt Nốt là trung tâm công nghiệp và kho vận cấp vùng; đồng thời là đô thị cửa ngõ phía Tây Bắc, không gian đô thị gắn với các trục giao thông huyết mạch cấp vùng; khu vực phát triển nông nghiệp đô thị.
►Tận dụng lợi thế phát triển
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, cho biết: Sở đã có góp ý đồ án, đơn vị tư vấn đã có bổ sung, chỉnh sửa. Sở đề xuất thêm là nâng tỷ lệ đất dành cho giao thông lên trên 25% để có được hệ thống giao thông bền vững trong tương lai, quy hoạch có làn đường dành riêng cho vận tải hành khách công cộng. Tuyến cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đang làm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, cũng cần tận dụng lợi thế này, kết nối vào tuyến cao tốc để phát triển đô thị Ô Môn.
Theo Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt Võ Văn Tân, quận cơ bản thống nhất đồ án quy hoạch này. Phương án quy hoạch phát triển đô thị- công nghiệp (khu vực phía Bắc giáp tỉnh An Giang), quy hoạch tại Thới Thuận một trong những đô thị và công nghiệp, đây là vị trí thuận lợi có cầu Vàm Cống vừa có thể phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị phù hợp. Ngoài ra, địa phương kiến nghị xem xét quy hoạch bắc cầu qua cù lao Tân Lộc để phát triển vùng này trong tương lai…
Quy hoạch phân khu Ô Môn cần tận dụng lợi thế phát triển của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cũng cho rằng: Tiềm năng phát triển của quận Thốt Nốt rất lớn, sau khi cầu Vàm Cống hoàn thành đã kết nốt rất tốt với các tỉnh miền Đông Nam bộ. Khi có tuyến đi Đại Ngãi (Sóc Trăng), tuyến đường sắt, quận sẽ còn phát triển. Ngoài ra, Thốt Nốt đang có tính kết nối với Long Xuyên (An Giang) rất cao. Về công nghiệp Thốt Nốt đang đứng thứ 2 của thành phố, cần tận dụng nguồn nguyên liệu phát triển công nghiệp chế biến, phát triển khu công nghiệp cần có quỹ đất tương đối lớn, phát triển thêm cơ khí phục vụ nông nghiệp, quan tâm phát triển cảng. Về du lịch cần dựa vào lợi thế cù lao Tân Lộc… để phát triển.
Chủ trì cuộc họp này, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh nhấn mạnh: Đồ án quy hoạch phân khu quận Ô Môn, cần rà soát lại hiện trạng hạ tầng, thổ nhưỡng, đất đai, đã có những thay đổi kể từ sau khi Quy hoạch chung thành phố được Thủ tướng phê duyệt đến nay. Nếu Ô Môn phát triển công nghiệp sẽ phải dịch chuyển về phía tây, tức là bám xung quanh trục cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dự kiến được Trung ương đầu tư trong thời gian tới) chứ không nằm cặp sông Hậu; nằm khoảng giữa quốc lộ 91 và tuyến cao tốc, đồng thời khai thác 2 bên tuyến đường tỉnh 922 mới. Sau cuộc họp này, Sở Xây dựng gửi lại đồ án cho các sở, ngành nghiên cứu kỹ, cập nhật chính xác các ngành, các lĩnh vực, để Sở Xây dựng có đầu mối cập nhật lại phương án quy hoạch…
Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Mạnh cũng yêu cầu đối với đồ án quy hoạch phân khu quận Thốt Nốt, Sở Xây dựng và đơn vị tư vấn cập nhật lại các số liệu, hiện trạng cho đầy đủ, chính xác. Định hướng phát triển cho quận Thốt Nốt, nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, ngã tư đường, kết nối với An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… Tiềm năng phát triển của Thốt Nốt rất lớn, chắc chắn cần tận dụng lợi thế để phát triển công nghiệp.
Bài, ảnh: ANH KHOA