03/11/2013 - 19:45

Quy định việc xếp hàng hóa trên ô tô khi tham gia giao thông đường bộ

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng vừa ký ban hành Thông tư số 35/2013/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về xếp hàng hóa trên ô tô khi tham gia giao thông đường bộ; áp dụng đối với: người vận tải hàng hóa, lái xe, áp tải, thuê vận tải, xếp hàng hóa trên ô tô và các tổ chức, cá nhân liên quan hoạt động này. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15-12-2013.

Thanh tra Giao thông kiểm tra hoạt động vận tải hàng hóa bằng ô tô tải trên quốc lộ 91B. Ảnh: X.ĐÀO

Thông tư này quy định về việc xếp hàng hóa trên ô tô, rơ- moóc, sơ-mi rơ-moóc (gọi chung là ô tô) khi tham gia giao thông đường bộ. Quy định chung việc xếp hàng hóa trên ô tô, người vận tải phải lựa chọn phương tiện phù hợp với loại hàng hóa cần vận chuyển. Việc xếp và vận chuyển hàng phải thực hiện đúng quy định về trọng tải, thiết kế ô tô, tải trọng và khổ giới hạn của cầu, hầm, đường bộ, đảm bảo các quy định về an toàn giao thông (ATGT) và vệ sinh môi trường (VSMT). Đối với các loại hàng hóa là máy móc, phương tiện giao thông trước khi xếp lên ô tô phải rút hết nhiên liệu ra khỏi bình chứa. Hàng hóa xếp trên ô tô phải dàn đều, không xếp lệch về một phía và phải được chằng buộc chắc chắn, đảm bảo không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển. Quy định về xếp hàng rời: khi vận chuyển hàng rời phải sử dụng ô tô tải có thùng hoặc container. Trường hợp chở hàng rời trên xe tải không có thùng kín, người vận tải phải sử dụng thiết bị, dụng cụ để che kín hàng hóa, đảm bảo không bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển. Quy định về xếp hàng bao kiện: các kiện hàng nặng có bao gói cứng, ổn định được đặt ở phía dưới; các kiện hàng có kích thước giống nhau sắp xếp cùng nhau; các kiện hàng có xu hướng nghiêng một góc nhỏ xếp vào giữa số hàng. Đồng thời, quy định về xếp hàng trụ ống, quy định về xếp hàng vào container trên ô tô.... Ngoài ra, Thông tư cũng quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, như: trách nhiệm của người: vận tải, lái xe, áp tải, thuê vận tải, xếp hàng hóa. Tổng Cục đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư này; đồng thời kiểm tra, thanh tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Thông tư theo thẩm quyền; theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện và kịp thời báo cáo Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế. Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô địa phương tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Thông tư tại địa phương; kiểm tra, thanh tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Thông tư này theo thẩm quyền.

TRẦN VŨ TRỌNG

 

Chia sẻ bài viết