29/08/2012 - 15:06

Lại xảy ra những hành động quá khích chống Nhật ở Trung Quốc

Quan hệ ngoại giao giữa Tokyo và Bắc Kinh thêm căng thẳng

Biểu tượng quốc kỳ bằng giấy của Nhật bị người biểu tình Trung Quốc xé rách. Ảnh: AP

Chiếc xe hơi chở Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh đang trên đường đi công tác chiều 27-8 bị hai chiếc xe Trung Quốc chặn đứng và một người đàn ông bước tới xé quốc kỳ. Đó là sự phản ứng thái quá gây thêm căng thẳng ngoại giao giữa hai nước.

Người phát ngôn Văn phòng Chính phủ Nhật Bản Osamu Fujimura hôm qua cho biết vụ việc xảy ra khoảng 16h ngày 27-8 tại Thủ đô Bắc Kinh, khiến Đại sứ Uichiro Niwa phải quay trở lại tòa đại sứ. Sau khi nhận được thông tin này từ Đại sứ quán Nhật, chính quyền Trung Quốc lên tiếng thừa nhận đây là một hành động "cực kỳ đáng tiếc" và cam kết sẽ "điều tra nghiêm túc", xử lý vấn đề nghiêm khắc theo luật pháp, đồng thời sẽ có biện pháp đảm bảo an toàn cho các công dân và công ty Nhật tại nước này. Ông Fujimura cho hay Thủ tướng Nhật bản Yoshihiko Noda cũng vừa gởi thư bày tỏ sự phẫn nộ về hành động quá khích vừa qua tại Trung Quốc.

Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba ngày 28-8 tuyên bố quốc kỳ là sự thể hiện phẩm giá của một đất nước và đó là một nguyên tắc theo luật pháp quốc tế cần phải được tôn trọng. Ngoại trưởng Gemba nhấn mạnh Tokyo "phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc phải có những biện pháp ngăn chặn cũng như tiến hành một cuộc điều tra hình sự về vụ việc trên", đồng thời cho biết sẽ cử một đặc phái viên, có thể là Thứ trưởng Ngoại giao Tsuyoshi Yamaguchi sang Trung Quốc trực tiếp trao thư phản đối của Thủ tướng Noda cho Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Theo quy định của Trung Quốc, các xe ngoại giao được gắn biển số đặc biệt và chỉ có xe của các đại sứ mới được gắn quốc kỳ. Vì thế, việc hai chiếc xe của công dân Trung Quốc chặn xe ngoại giao, rồi xé quốc kỳ của Nhật là hành vi có suy tính và ngoan cố. Đây có thể được coi là một trong những hành động phản ứng cực đoan nhất của công dân Trung Quốc trong làn sóng biểu tình chống Nhật thời gian gần đây liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Trước đó, nhiều doanh nghiệp, nhà hàng và xe hơi mang nhãn hiệu Nhật đã bị đập phá tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc.

Điều đáng nói là Đại sứ Niwa từng chỉ trích chính quyền thành phố Tokyo phát động chiến dịch quyên góp tiền mua lại các hòn đảo chính tại Senkaku từ một gia đình người Nhật, cho rằng điều này có thể gây ra "một cuộc khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng (trong quan hệ với Trung Quốc)". Việc xe chở ông Niwa bị chặn ở Bắc Kinh vừa qua xảy ra ngay sau khi người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản lên tiếng phủ nhận thông tin nói rằng chính quyền của Thủ tướng Noda đang chào giá 2 tỉ yen (25,4 triệu USD) mua lại 4 trong 5 hòn đảo ở Senkaku trong nỗ lực sớm quốc hữu hóa những hòn đảo này vào tháng 9 tới. Chính phủ Nhật Bản ngày 27-8 cũng không cho phép thành phố Tokyo cử người đến Senkaku để "xem" đất đai trước khi mua.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

CNOOC lại chào mời đối tác thăm dò các lô dầu khí mới trên vùng biển tranh chấp

Theo hãng tin Anh Reuters ngày 28-8, Tập đoàn dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) hôm 27-8 cho biết họ đang tìm kiếm các đối tác nước ngoài để hợp tác thăm dò 26 lô dầu mỏ và khí đốt mới, trong đó có 22 lô nằm ở vùng Biển Đông đang tranh chấp. Cụ thể, có 1 lô ở phía Bắc Vịnh Bột Hải, 3 lô ở Biển Hoa Đông, 4 lô nằm tại phía Tây của Biển Đông và 18 lô ở phần phía Đông của Biển Đông. Tổng diện tích thăm dò lần này là 73.754 cây số vuông. Theo CNOOC, 3 lô nằm phía Đông của Biển Đông có độ sâu từ 700-3.000m và việc mời thầu sẽ kết thúc vào ngày 30-11. Đây là lần mời thầu có số lượng lô lớn nhất của công ty này từ những năm1990 đến nay. Hồi tháng 6 vừa qua, cũng chính CNOOC đã mời thầu 9 lô dầu khí ở khu vực phía Tây của Biển Đông, một động thái bị dư luận quốc tế phê phán là "trơ trẽn và bất hợp pháp" vì chúng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Chia sẻ bài viết