Nga và Iran đang tiến gần hơn đến việc ký thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà theo giới chuyên gia sẽ “chính thức hóa” sự hợp tác quốc phòng giữa Mát-xcơ-va và Tehran và là nỗ lực của cả 2 nước nhằm vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bước tiến chưa từng có
Mặc dù không có nhiều thông tin được tiết lộ nhưng thỏa thuận trên dự kiến sẽ được công bố trong “tương lai rất gần” và phản ánh “bước tiến chưa từng có” trong mối quan hệ giữa 2 nước, theo thông báo hôm 2-9 của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Trước nay, Nga và Iran duy trì thỏa thuận chiến lược được ký kết từ năm 2001. Theo các nguồn tin, Nga và Iran có thể ký kết thỏa thuận này tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) vào tháng 10 tới tại Kazan, Liên bang Nga.
Nga và Iran đang có kế hoạch xây dựng Hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam, tuyến đường thương mại xuyên lục địa kéo dài từ thành phố St Petersburg đến Biển Caspi, từ đó đến thủ đô Tehran rồi đến thành phố Mumbai (Ấn Độ). Ảnh: bne intellinews
“Một thỏa thuận toàn diện có thể chính thức hóa mối quan hệ chính trị chặt chẽ giữa 2 nước, có khả năng củng cố sự chống đối chung của họ đối với phương Tây, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Mặc dù không được đề cập rõ ràng nhưng thỏa thuận có thể dẫn đến sự hợp tác sâu rộng hơn về công nghệ quân sự hoặc chia sẻ thông tin tình báo” - Mohammed Soliman, Giám đốc Chương trình Công nghệ Chiến lược và An ninh Mạng tại Viện Trung Đông (Mỹ), nhận định.
Theo ông Soliman, thỏa thuận mới giữa Nga và Iran có thể bao gồm sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như trong sản xuất dầu khí, lọc dầu hoặc trong các dự án cơ sở hạ tầng để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây; phát triển hoặc mua thêm vũ khí tiên tiến; tập trận quân sự chung hoặc chia sẻ thông tin tình báo; chia sẻ những tiến bộ trong nhiều lĩnh vực khác nhau để hạn chế sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây.
Trong khi đó, Jonathan Lord, Giám đốc Chương trình An ninh Trung Đông tại Trung tâm An ninh Mới (Mỹ), cho rằng dù thỏa thuận trên sẽ không tạo ra bước đột phá mới nhưng “sẽ cho thấy cách mà mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước đã phát triển”. “Quan hệ giữa Iran với Nga là câu chuyện về sự thay đổi theo thời gian. Hiện Tehran và Mát-xcơ-va đang cố gắng đưa mối quan hệ đó theo hướng linh hoạt hơn. Do đó, hiện vẫn chưa rõ thỏa thuận này sẽ mang lại kết quả gì.” - Behnam Ben Taleblu, thành viên cấp cao Quỹ Bảo vệ Dân chủ (Mỹ), nhận định.
Khắng khít theo thời gian
Thật ra, Nga và Iran không phải là đối tác tự nhiên. Đế chế Nga và Ba Tư đã nhiều lần giao tranh trong những thế kỷ trước. Vào cuối thế kỷ 20, Iran đã hỗ trợ lực lượng thánh chiến (mujahideen) chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô ở Afghanistan. Hai nước thời gian gần đây thậm chí còn tỏ ra nghi ngờ lẫn nhau. Theo đó, Nga duy trì quan hệ với Iran trong khi coi quốc gia này là một thế lực có thể gây bất ổn ở “sân sau” của Mát-xcơ-va tại khu vực Kavkaz. Chẳng hạn mới đây, Iran đã chỉ trích Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vì ủng hộ yêu cầu của Azerbaijan về việc được tiếp cận không bị cản trở vào vùng đất Nakhchivan bằng cách mở hành lang vận tải Zangezur qua Armenia, điều này sẽ cắt đứt quyền tiếp cận trực tiếp của Iran vào Armenia. Nakhchivan thuộc Azerbaijan nhưng nằm chia cắt bởi lãnh thổ Armenia. Iran thậm chí đã triệu đại sứ Nga tại Tehran để phản đối, cho rằng yêu cầu mở hành lang vận tải Zangezur sẽ làm thay đổi địa chính trị khu vực Kavkaz.
Trong nhiều thập niên, Nga bán công nghệ hạt nhân dân sự cho Iran nhưng do lo ngại Iran theo đuổi phát triển vũ khí, Mát-xcơ-va cùng với các nước phương Tây hồi năm 2015 đã tạo sức ép, buộc Tehran phải hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.
Song, 2 nước đã xích lại gần nhau hơn sau khi Nga can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria hồi năm 2015, sát cánh cùng các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn để chống đỡ cho chế độ của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, đồng minh chung của Nga và Iran. Quan hệ Nga - Iran trở nên chặt chẽ hơn kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine hồi năm 2022. Đặc biệt, hợp tác quân sự giữa 2 nước gia tăng đáng kể trong vòng 2 năm qua, giúp Nga duy trì cuộc chiến ở Ukraine và mang lại cho Iran hy vọng nâng cấp đáng kể năng lực quân sự của nước này. Theo tờ Breaking Defense, Iran đã xuất khẩu nhiều máy bay không người lái (UAV) Shahed sang Nga và hiện đang cung cấp công nghệ phát triển loại UAV này cho một cơ sở sản xuất của Nga, nơi dự kiến sẽ sản xuất hàng loạt UAV Shahed vào năm 2025. Nhiều báo cáo cho thấy Iran cũng có thể gửi tên lửa đạn đạo cho Nga. Ngoài ra, Tehran còn chia sẻ với Mát-xcơ-va cách đối phó các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Đổi lại, giới chuyên gia cho rằng Tehran đang “để mắt” đến hệ thống phòng không tiên tiến S-400 của Nga để bảo vệ không phận nước này trong bối cảnh các cuộc xung đột ở Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hệ thống này sẽ giúp nâng cấp hệ thống S-300 mà Iran hiện đang sở hữu và sẽ cho phép Tehran bảo vệ tốt hơn các cơ sở hạt nhân mà giới chức Israel nhiều lần dọa sẽ tấn công nếu Iran đạt được khả năng phát triển vũ khí hạt nhân.
Mặt khác, Iran còn muốn mua Sukhoi Su-35 - chiến đấu cơ của Nga được cho có thể giúp tăng cường năng lực của lực lượng không quân Iran, vốn phụ thuộc vào các chiến đấu cơ cũ kỹ của Mỹ được mua trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Nhiều báo cáo còn cho thấy Nga đã chuyển giao cho Iran hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander cũng như hệ thống tác chiến điện tử Murmansk-BN. Với tầm bắn khoảng 310 dặm và sở hữu khả năng bắn đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân, Iskander là thành phần chính trong năng lực tên lửa đạn đạo của Nga. Trong khi đó, được triển khai lần đầu vào năm 2014, Murmansk-BN là một hệ thống hiện đại, được dùng đồng thời để trinh sát và chế áp điện tử.
Hiện Nga cũng đang chia sẻ thông tin tình báo với Iran; hợp tác với Tehran về chiến tranh mạng và giúp Iran phóng vệ tinh do thám. “Họ còn đang hợp tác để phát triển và sản xuất nhiều loại đạn dược gây chết người để Nga sử dụng tại Ukraine và để Iran cung cấp cho các đối tác trên khắp Trung Đông” - ông Lord cho hay.
Kể từ khi xung đột bùng phát tại Ukraine, Nga và Iran đã công bố một loạt thỏa thuận kinh doanh mới, trao đổi các mặt hàng như tua-bin, vật tư y tế và phụ tùng ô tô. Hai nước còn đặt mục tiêu tạo ra hệ thống thanh toán thay thế hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT của phương Tây.
Liên kết đa phương
Ngoài sự hợp tác trong lĩnh vực quân sự, mối quan hệ ngày càng sâu sắc với Nga giúp Iran bớt bị cô lập trên trường quốc tế. Hồi đầu năm nay, Nga đã ủng hộ việc đưa Iran cùng 4 nước khác chính thức vào BRICS. Năm 2023, Iran cũng chính thức trở thành thành viên thứ 9 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Đáng chú ý, Nga và Iran đang có kế hoạch xây dựng một tuyến đường thương mại xuyên lục địa mới nhằm nối Biển Baltic với Ấn Độ Dương. Tuyến đường dài 3.508 dặm, kéo dài từ thành phố Saint Petersburg đến Biển Caspi, từ đó đến thủ đô Tehran rồi đến thành phố Mumbai (Ấn Độ), nhằm mục đích bảo vệ các liên kết thương mại giữa Nga và Iran khỏi sự can thiệp của phương Tây cũng như thiết lập các liên kết mới với các thị trường ở châu Á.
Ngoại trưởng Lavrov giải thích: “Đây là Hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam (INSTC), một hành lang cho phép bạn đi từ St Petersburg thẳng đến Vịnh Ba Tư (Biển Caspi), sau đó đến Ấn Độ Dương. Nó làm giảm đáng kể cả thời gian di chuyển và chi phí vận chuyển”.
INSTC được biết đến là hệ thống vận chuyển đa phương thức gồm đường thủy, đường sắt và đường bộ. Việc xây dựng INSTC bắt đầu vào đầu những năm 2000, nhưng việc phát triển nó đã có động lực mới trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây buộc Nga phải chuyển hướng tuyến đường thương mại sang châu Á và Trung Đông.
Giới chuyên gia ước tính, Mát-xcơ-va và Tehran sẽ đầu tư tới 25 tỉ USD vào dự án này. Tại một hội nghị kinh tế hồi tháng 9-2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: “Tuyến đường này này sẽ mang đến cho các công ty Nga nhiều cơ hội mới để thâm nhập vào thị trường Iran, Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi. Ngược lại, nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc Nga nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia đó”.
Ngoài INSTC, Ngoại trưởng Lavrov cũng đề cập đến sự hợp tác về nhà máy điện hạt nhân Bushehr và các dự án đầu tư chung khác giữa Nga và Iran. Hai nước đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn về năng lượng và thương mại trong thời gian cả hai nước đều đang chịu lệnh trừng phạt của phương Tây. Vào tháng 6-2024, gã khổng lồ năng lượng Nga Gazprom đã ký bản ghi nhớ chiến lược với Iran về việc cung cấp khí đốt qua đường ống cho Cộng hòa Hồi giáo. Năm 2022, Mát-xcơ-va đã công bố một thỏa thuận năng lượng lớn với Tehran, trị giá 40 tỉ USD, cũng như thỏa thuận trao đổi nguồn cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)