07/04/2009 - 10:25

Phim truyền hình Việt -
những quả bóng màu dễ vỡ

“Cô gái xấu xí” kết thúc đầu tháng 4-2009, sau gần một năm chiếm “giờ vàng” (lúc 21 giờ thứ hai đến thứ tư hàng tuần) trên VTV3.

Trong năm 2008 và đầu 2009, khán giả màn ảnh nhỏ không thể nhớ mình đã xem bao nhiêu bộ phim truyền hình, có bao nhiêu hãng phim tư nhân mới ra đời và đâu là những phim để lại ấn tượng sâu đậm nhất. Phim truyền hình nước ta đang có sự bứt phá mạnh, nhưng chỉ về số lượng, về chất lượng còn nhiều điều đáng bàn…

Điều ghi nhận đầu tiên là bước chuyển trong công nghệ sản xuất với kỹ thuật quay phim và hiệu ứng hình ảnh đã có những bước tiến nhảy vọt. Khán giả màn ảnh nhỏ ngày nay được thưởng thức phim có màu sắc rực rỡ sống động, hình ảnh sắc nét không thua các bộ phim Hàn Quốc, Trung Quốc. Điều đáng nói là sự phát triển của công nghệ không đi đôi với nội dung đã khiến phim Việt hiện nay như những quả bong bóng sặc sỡ mà dễ vỡ, cộng với sự quảng cáo khoa trương khiến nhiều người có cảm giác phim Việt làm ăn gian dối, qua loa đại khái.

Công bình mà nói, hầu hết các bộ phim truyền hình lên sóng đều có chủ đề tư tưởng và khởi đầu khá tốt. Nhưng gần như phim nào cũng “đầu voi đuôi chuột”, càng dài càng “đuối”. Hầu hết các kịch bản phim truyền hình đều ở tầm một truyện vừa, chỉ đủ để làm một bộ phim tối đa 5-10 tập mà các nhà sản xuất đã “ép” phim phải dài từ 30 đến 50 tập (!). Kết quả là phim phải “bày” ra rất nhiều tuyến nhân vật có những xung đột – mâu thuẫn trong công việc và tình cảm “nhái” theo mô-típ thường gặp ở phim Hàn Quốc, Trung Quốc... để rồi không giải quyết nổi từng tuyến một cách hợp lý, lô-gích. Có những nhân vật bị “quên” sau vài tập hoặc kết thúc “lãng xẹt”, gượng ép theo công thức. Nếu là nhân vật nam thì sẽ chết đột ngột vì tai nạn – tiêu biểu là nhân vật Nhiên trong “Một ngày không có em” đã “chia tay” khán giả sau khi làm tròn “bổn phận” đi ra đi vô nói chuyện gây cười trong suốt... 40 tập; hay nhân vật nữ sẽ có một chàng Việt kiều đột ngột xuất hiện và... yêu nàng chân thật (Ngọc Bảo trong “Sóng gió thương trường”). Có quá lời không khi nhiều khán giả nhận xét: các bộ phim truyền hình hiện nay thường có những chi tiết, cảnh quay, nhân vật, lời thoại thừa thãi, lê thê và vô bổ. Một số phim đã được khán giả đặt cho những “tên” khá hài hước như: “Một ngày dài lê thê” (“Một ngày không có em”), “Nhịp tới nhịp lui” (“Nhịp đập trái tim”), “Bỗng dưng muốn chán” (“Bỗng dưng muốn khóc”)...

Phim truyền hình không có nhân vật đủ sức tồn tại lâu trong lòng khán giả. Kịch bản chắp vá và yếu kém đã làm cho nhân vật – kể cả vai chính – nhạt nhòa, thiếu sức sống, thiếu cá tính. Một thời, người xem thấy truyền hình Việt đổ xô làm phim theo mô-típ “Hoàng Tử – Lọ Lem” với hàng loạt cô gái quê lên thành phố làm người mẫu, diễn viên, làm giàu bằng mọi giá; đến trào lưu phim hài với những nhân vật đặt biệt như ế chồng, đồng tính; rồi phim đào sâu những nghề nghiệp đặc thù. Dường như phim truyền hình đang cổ súy cho lối sống đua đòi, thực dụng trong giới trẻ thông qua những nhân vật trẻ “sành điệu” trong “Nữ sinh”, “Nhật ký Vàng Anh”; hay chuỗi câu chuyện “cà lơ phất phơ” được minh họa bằng hình ảnh có sự góp mặt của các diễn viên được yêu thích như “Bỗng dưng muốn khóc”, “Những người độc thân vui vẻ”... Phim truyền hình hiện nay không có những ngôi sao thực sự – một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự thu hút. Điều đáng lưu tâm hơn là phim truyền hình đang làm lệch lạc định hướng chân, thiện, mỹ – một một yếu tố nhất thiết phải có để giúp khán giả trẻ hình thành nhận thức và hành động đúng đắn.

Nếu tính từ bộ phim video đầu tiên là “Phạm Công Cúc Hoa” đến nay phim truyền hình Việt Nam cũng đã gần 25 “tuổi”. Khán giả đang mong các nhà sản xuất, nhà làm phim trong thời điểm thuận lợi hiện tại hãy làm những bộ phim vừa vặn với khả năng viết kịch bản của đội ngũ biên kịch. Hãy đừng vay mượn kịch bản của nước ngoài để rồi tạo ra những “đứa con lai” như “Cô gái xấu xí” hay “Những người độc thân vui vẻ”, mà làm những bộ phim có chất liệu đời sống, thể hiện rõ văn hóa Việt, về thành phố, về con người với cuộc sống muôn màu muôn vẻ đang diễn ra. Đừng ép người xem ăn những món ăn tinh thần vừa vô bổ vừa quá ngán.

Xuân Viên

Chia sẻ bài viết