02/11/2012 - 21:28

Nội chiến ở Syrie

Phe nổi dậy ngại các nhóm thánh chiến nước ngoài

Các nhóm thánh chiến đang trở thành lực lượng chiến đấu chủ chốt bên cạnh phe nổi dậy trong cuộc chiến chống lại Chính phủ Syrie.
Ảnh: Foreignpolicy

Trong khi cuộc nội chiến đẫm máu tại Syrie giữa chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập vẫn đang leo thang mà không có dấu hiệu hạ nhiệt, thì một nỗi "e ngại" về những chiến binh thánh chiến nước ngoài cũng đang nhen nhóm và ngày một lớn dần giữa các thành viên lực lượng nổi dậy.

Abu Ismael, một phần tử của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda nói rằng y đã rời khỏi Iraq và đến Syrie. "Tất cả rất dễ dàng. Vấn đề tiền bạc hay vũ khí đều không thành vấn đề. Chúng tôi ở đây để chiến đấu cho một cuộc chiến mới. Và khi chế độ bị lật đổ, tất cả những ai chống lại người Hồi giáo đều là kẻ thù của chúng tôi, đặc biệt là người Hồi giáo dòng Shiite"- Ismael tuyên bố. Theo lời kể, Ismael đến với cuộc chiến tại Syrie và gia nhập lực lượng nổi dậy ở nước này cách đây hai tháng.

Theo chuyên gia phân tích Aaron Y Zelin thuộc Viện Washington thì "mục đích chính của các tay súng Hồi giáo nước ngoài tại Syrie không phải để giúp quốc gia này gầy dựng nhà nước vì lợi ích người dân Syrie mà vì mục tiêu thiết lập một nhà nước của thế giới Hồi giáo". Do đó, trên thực tế Quân đội Syrie Tự do (FSA) cũng không mặn mà lắm với mối quan hệ cũng như chiến thuật của các nhóm thánh chiến tại Syrie. Một chiến binh trẻ tuổi thuộc phe đối lập nói: "Ismael thuộc phong trào Salafi, không có nghi ngờ gì về điều đó. Nhưng anh ta không đại diện cho đức tin của tất cả chúng tôi". Phát biểu với tờ Guardian của Anh, một số nhóm phiến quân nói rằng họ đang thấy một thách thức mới đang dần hiện ra phía trước cùng với các phần tử Hồi giáo cực đoan được cho có mối liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda.

Hiện tại, phần lớn các tay súng chống chính quyền al-Assad là người Syrie, với số lượng người nước ngoài dao động từ 1.200 đến 1.500 thành viên. Mặc dù chỉ chiếm gần 10% trong thành phần chiến đấu của phe nổi dậy, nhưng các nhóm thánh chiến lại được trang bị vũ khí tốt hơn và đều là những tay súng thiện chiến với kinh nghiệm tại các chiến trường Iraq, Afghanistan, Yemen và Libye. Và dường như các thế lực này đang ngày một bành trướng với vai trò quan trọng trên các mặt trận cùng phe đối lập chống lại chế độ Tổng thống al-Assad.

Trở lại với diễn biến cuộc nội chiến tại Syrie, Ủy ban Điều phối Địa phương Syrie (LCC) đã lên tiếng cáo buộc quân đội chính phủ đang sử dụng "bom chân không" và các loại bom chùm mang tính sát thương cao trong các cuộc giao tranh nhằm vào phe đối lập. Trong khi đó, tổ chức giám sát nhân quyền thuộc phe đối lập Syrie có trụ sở tại Anh ngày 2-11 cho biết lực lượng an ninh trung thành của Tổng thống al-Assad đã rút khỏi căn cứ quân sự cuối cùng nằm gần thị trấn Saraqeb, cách Aleppo 50 km về phía Tây Nam, và điều này chứng tỏ khả năng tấn công của quân đội chính phủ vào thành phố này đang suy yếu.

Trong một diễn biến có liên quan, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 1-11 lên tiếng cho biết nước này vừa đưa ra đề xuất 4 điểm mới trong nỗ lực thúc đẩy một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt bạo lực đẫm máu kéo dài 20 tháng qua và gần như bế tắc tại Syrie.

Đề xuất trên bao gồm việc ngừng bắn tại Syrie theo từng giai đoạn và khu vực. Trong đó, cơ quan nhà nước nên tiếp tục duy trì hoạt động trong quá trình thiết lập chính phủ chuyển tiếp bao gồm vai trò của tất cả các bên đang tham chiến tại Syrie. "Trung Quốc đưa ra đề xuất trên với mong muốn cộng đồng quốc tế có thể hợp tác, phối hợp với nỗ lực hòa giải của Đặc phái viên chung của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn A-rập (AL) về vấn đề Syrie Lakhdar Brahimi, thúc đẩy các giải pháp chính trị để kết thúc cuộc chiến tại Syrie càng sớm càng tốt"- ông Hồng Lỗi nói.

VI VI (Theo Guardian, CNN, New York Times)

Các nhóm thánh chiến đang trở thành lực lượng chiến đấu chủ chốt bên cạnh phe nổi dậy trong cuộc chiến ch&#

Chia sẻ bài viết