19/09/2020 - 08:15

Phát triển đội ngũ luật sư đủ tầm hội nhập quốc tế 

Công tác triển khai thực hiện Chiến lược án phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020 đã đạt được những kết quả tích cực. Đội ngũ luật sư TP Cần Thơ đã đạt số lượng đáp ứng nhu cầu dân cư cũng như chất lượng ngày càng được nâng cao, phần nào đáp ứng nhu cầu của xã hội, góp phần đẩy mạnh cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế. 

Học viên nhận chứng chỉ tốt nghiệp lớp Đào tạo Luật sư khóa 19 tại TP Cần Thơ.

Học viên nhận chứng chỉ tốt nghiệp lớp Đào tạo Luật sư khóa 19 tại TP Cần Thơ. 

Đáp ứng nhu cầu 

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1072/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020. Chiến lược là bước đột phá trong định hướng phát triển nghề luật sư ở Việt Nam. Mục tiêu là nhằm phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội. Theo đó, UBND TP Cần Thơ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 trên địa bàn thành phố và phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện Chiến lược.

Qua gần 10 năm triển khai thực hiện, Chiến lược đã mang đến hiệu quả khá rõ nét trong phát triển nghề luật sư của TP Cần Thơ. Từ đó, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội; phát triển số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư; phát triển tổ chức, hoạt động hành nghề luật sư; phát huy vai trò của luật sư trong đổi mới hoạt động tố tụng, góp phần đẩy mạnh cải cách tư pháp; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về luật sư và hành nghề luật sư; nâng cao vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư.

Theo ông Trần Minh Trị, Chủ nhiệm Ðoàn Luật sư TP Cần Thơ, hiện nay, phần lớn luật sư có chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn, yêu nghề, có ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật. Hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư cho tổ chức, cá nhân đã tăng đáng kể về số lượng và nâng cao về chất lượng. Những năm gần đây, việc tư vấn pháp luật đã được quan tâm nhiều hơn, trọng tâm là các vụ tư vấn liên quan đến lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình... Trong quá trình hoạt động, các luật sư nêu cao tinh thần, trách nhiệm ở từng vụ việc, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, tuân thủ pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Ðến nay, phần lớn các vụ án xét xử đều có luật sư tham gia tranh tụng, góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật...

Bên cạnh đó, các biện pháp hỗ trợ phát triển hành nghề luật sư được UBND thành phố quan tâm thực hiện. UBND thành phố ban hành và tổ chức triển khai nhiều kế hoạch, như: Kế hoạch về đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ công tác hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2012 – 2020; Kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về Hội nhập kinh tế quốc tế cho luật sư và công chức phụ trách công tác pháp chế các Sở, ban, ngành; Kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời, cử cán bộ theo dõi và tham mưu dự tọa đàm “Luật sư và Doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và thực thi các Hiệp định Tự do Thương mại (FTA)”… 

Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, nhất là đối với các hoạt động liên quan đến thị trường dịch vụ pháp lý là hết sức cần thiết. Những năm qua, UBND thành phố chỉ đạo Ðoàn Luật sư thành phố thực hiện công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các luật sư thành viên. Hằng năm, Ðoàn Luật sư thành phố đều tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định. Từ năm 2009 đến nay, các luật sư đã tham gia 11 đợt bồi dưỡng nghiệp vụ do Sở Tư pháp, Ðoàn Luật sư thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp tổ chức. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp cho các luật sư thành viên.

Thông qua việc các luật sư tự đào tạo, nghiên cứu và tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng, hoạt động nghề nghiệp của luật sư có bước phát triển, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên. Ông Lê Hoàng Nhí, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật sư Thuơng mại quốc tế, Ðoàn Luật sư TP Cần Thơ, chia sẻ: Hiện nay, Câu lạc bộ có 30 thành viên, sau 2 năm chính thức đi vào hoạt động, Câu lạc bộ đã tổ chức thành công nhiều buổi tọa đàm, hội thảo chuyên đề liên quan đến các vấn đề về hình sự kinh tế, tư vấn, doanh nghiệp, pháp luật về hội nhập đầu tư có yếu tố nước ngoài, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, thương mại quốc tế… giúp các luật sư có nhiều cơ hội học tập, trao đổi nhiều kiến thức liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế, đầu tư, hội nhập. 

Cần bồi dưỡng kỹ năng trong môi trường pháp lý quốc tế 

Bên cạnh sự phát triển về số lượng cũng như chất lượng của đội ngũ luật sư Cần Thơ, vẫn còn những hạn chế nhất định. Ðó là số lượng luật sư trên địa bàn thành phố nhiều, nhưng hoạt động không đồng đều. Một số luật sư còn thiếu kinh nghiệm trong thực hiện nghiệp vụ, chưa tuân thủ triệt để quy tắc đạo đức hành nghề luật sư, có trường hợp còn sai phạm nên bị xử lý vi phạm hành chính. Hiện nay, phần lớn hoạt động của các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư chưa mang tính chuyên nghiệp, hoạt động với quy mô nhỏ; đa số tổ chức hành nghề luật sư chỉ có 1-2 luật sư; trụ sở của một số tổ chức hành nghề luật sư chưa đảm bảo. Về mô hình tổ chức, chưa có đơn vị đầu tư và hoạt động chuyên sâu về thương mại quốc tế. Hoạt động thương mại quốc tế tại TP Cần Thơ chưa sôi động như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Ðông…

Ðến tháng 9-2020, thành phố có 281 luật sư chính thức, với 68 văn phòng luật sư, 28 công ty luật; 14 chi nhánh của các tổ chức hành nghề luật sư các tỉnh khác đăng ký hoạt động tại thành phố. So với mục tiêu Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 đề ra là 1 luật sư/5.000 dân thì số lượng luật sư trên địa bàn TP Cần Thơ đã vượt chỉ tiêu đề ra (theo số liệu của Tổng điều tra dân số năm 2019, dân số của thành phố là 1.235.171 người). Theo bà Châu Thị Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, số lượng luật sư trên địa bàn thành phố tăng nhưng số lượng luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại còn hạn chế, nhất là lĩnh vực thương mại quốc tế, vì đa phần luật sư chưa nghiên cứu chuyên sâu lĩnh vực thương mại quốc tế, trình độ về ngoại ngữ và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn hạn chế. Tổ chức hành nghề luật sư hoạt động với quy mô nhỏ, trụ sở chưa đảm bảo, một số công ty luật điều hành chưa chặt chẽ. 

Buổi tọa đàm do Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế tổ chức.

Buổi tọa đàm do Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế tổ chức. 

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển nghề luật sư, UBND thành phố đã đề xuất Bộ Tư pháp và Liên Ðoàn luật sư Việt Nam cần quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo nghề luật sư, chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hành nghề cho các luật sư. Ðặc biệt là tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho các luật sư những kiến thức và kỹ năng hành nghề luật sư trong môi trường pháp lý quốc tế. Ðồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng cơ chế cho phép các cơ quan hành chính huy động luật sư bảo vệ quyền lợi của mình trong các vụ án hành chính, tư vấn pháp luật đối với các dự án đầu tư… của địa phương. Bà Châu Thị Minh cho biết: Theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Tư pháp đã đề nghị Ðoàn Luật sư thành phố thực hiện xây dựng dự thảo Ðề án khuyến khích, thu hút sử dụng luật sư tham gia các hoạt động của thành phố đảm bảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tế tại địa phương. 

Bài, ảnh: Hoàng Yến

Chia sẻ bài viết