25/04/2010 - 08:15

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ

Phát huy lợi thế, tiềm năng, quyết tâm xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển xứng tầm là trung tâm động lực vùng ĐBSCL

 

Tháng Tư lịch sử này, trong niềm vui cùng với cả nước kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ còn hân hoan chào đón nhiều sự kiện lớn, trong đó có nhiều công trình mang tầm cỡ khu vực, quốc tế được khánh thành đưa vào sử dụng..., góp phần khẳng định vị thế của một đô thị trung tâm vùng ĐBSCL. Nhân dịp này, phóng viên Báo Cần Thơ đã phỏng vấn đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, về những thành tựu đạt được sau 35 năm xây dựng và phát triển... Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết:

- Ba mươi lăm năm là quãng thời gian ngắn ngủi so với lịch sử hàng ngàn năm của đất nước, nhưng nhìn lại những thành quả cách mạng mà Đảng bộ và nhân dân thành phố đã đồng tâm hiệp lực phấn đấu để giành được, chúng ta rất đỗi phấn khởi, tin tưởng và tự hào.

Trong 35 năm qua, TP Cần Thơ có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và liên tục nhiều năm liền. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 15,12%/năm, so với giai đoạn 1976-1985 tăng 8,08 lần, giai đoạn 1986-1990 tăng 4,60 lần, giai đoạn 1991-1995 tăng 0,93 lần, giai đoạn 1996-2000 tăng 4,79 lần, giai đoạn 2001-2005 tăng 1,66 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Trong đó, kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản; công nghiệp - xây dựng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến nông - thủy sản, hóa chất, vật liệu xây dựng, hàng may mặc, tiêu dùng; thương mại - dịch vụ chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ vận tải, tài chính - tín dụng, bất động sản, viễn thông, du lịch,...

Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế của thành phố tiếp tục được nâng lên, nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn giai đoạn 2004-2010 đạt khoảng 97.220 tỉ đồng. Sự nghiệp kiến thiết đô thị bước đầu mang lại kết quả khả quan, diện mạo của một thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm vùng đang dần rõ nét hơn, được công nhận là đô thị loại I vào năm 2009. Bên cạnh việc cải tạo nâng cấp, chỉnh trang đô thị, nhiều khu đô thị mới, khu tái định cư, khu thương mại, dịch vụ ở các quận, huyện, nhất là ở Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy đã đầu tư theo hướng hiện đại. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt được những thành tựu lớn. Hệ thống kết cấu hạ tầng KT- XH, như các trường từ bậc giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, đến đào tạo, dạy nghề, hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế, văn hóa, thể dục - thể thao đã và đang được đầu tư theo hướng đạt chuẩn. Bên cạnh đó, thành phố còn chú trọng thực hiện tốt các chính sách xã hội, chăm lo giải quyết việc làm, chăm sóc người có công, đặc biệt là vận động toàn xã hội cùng tham gia hỗ trợ cho đồng bào dân tộc, người nghèo bằng các hoạt động thiết thực như: xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương (nhà đại đoàn kết), khám, chữa bệnh miễn phí,... Mức thu nhập trong dân cư tăng rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng cải thiện, an ninh chính trị được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại có nhiều chuyển biến tích cực, quan hệ quốc tế được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh do có những chuyển biến về qui mô, chất lượng và chiến lược sản xuất kinh doanh; mối quan hệ tác động qua lại giữa TP Cần Thơ và các tỉnh trong vùng cũng ngày càng phát triển... Năm 2009, TP Cần Thơ được Chủ tịch nước khen tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, xếp hạng Nhất trong khối cụm thi đua 5 thành phố lớn...

Đó là kết quả của cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Thơ để từng bước khẳng định vai trò là một cực phát triển, trung tâm động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của vùng ĐBSCL, đóng góp quan trọng trong tiến trình CNH, HĐH đất nước.

* Dịp này, thành phố đón mừng nhiều sự kiện quan trọng: khánh thành cầu Cần Thơ, sân bay Cần Thơ mở rộng hoạt động ra tầm quốc tế... và nhiều công trình quan trọng khác. Những công trình này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của thành phố trong thời gian tới, thưa đồng chí?

- Cùng với những thành tựu nêu trên, nhiều công trình của Trung ương trên địa bàn hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng như: sân bay quốc tế Cần Thơ, cầu Cần Thơ, Cảng biển Cái Cui, khu hậu cần logistic, đường Nam sông Hậu, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn 3.000MW, hệ thống các trường Đại học... sẽ giúp Cần Thơ tự tin đón đầu làn sóng đầu tư trong mọi ngành, mọi lĩnh vực kinh tế, sẽ là động lực mới cho TP Cần Thơ phát triển. Tôi tin rằng Cần Thơ sẽ trở thành một điểm đến an toàn và hấp dẫn, mở ra nhiều triển vọng để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội sản xuất kinh doanh. Đây cũng là bước mở đầu đầy ý nghĩa tạo điều kiện cho TP Cần Thơ vươn lên nhanh chóng, trở thành thành phố động lực của vùng, một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có khả năng liên kết, hợp tác, chủ động hội nhập kinh tế với khu vực và quốc tế.

* Bên cạnh những thành tựu ấy, so với tiềm năng, vị thế, TP Cần Thơ còn những mặt hạn chế nào, thưa đồng chí?

- Những thành tựu đã nêu trên là rất to lớn, nhưng thực tế cần nhìn nhận rằng, so với tiềm năng, vị thế, TP Cần Thơ vẫn còn nhiều mặt hạn chế, đó là: Kinh tế phát triển chưa thật sự vững chắc, chưa tương xứng chất lượng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều, còn tiềm ẩn nhiều nhân tố chưa bền vững. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, môi trường, cơ chế, chính sách chưa hấp dẫn để thu hút mạnh đầu tư. Vai trò trung tâm, sức lan tỏa và thu hút của Cần Thơ đối với kinh tế trong vùng còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng KT- XH còn thiếu và chưa đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng trong các khu công nghiệp. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực của thành phố hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Vấn đề việc làm cho người lao động, tệ nạn xã hội, trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường còn nhiều mặt trì trệ. Đời sống của một bộ phận nhân dân lao động còn nhiều khó khăn, kết quả giảm nghèo chưa thực sự vững chắc, nhiều vấn đề xã hội bức xúc phát sinh quá trình đô thị hóa chưa được giải quyết triệt để.

Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận rằng quản lý nhà nước trên một số mặt vẫn còn hạn chế, nhất là quản lý quy hoạch xây dựng, đô thị, sử dụng đất đai, môi trường do công tác giám sát, kiểm tra chưa kịp thời, chưa thực hiện đồng bộ các biện pháp chế tài và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cải cách hành chính thời gian qua tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố, nhất là tạo môi trường thật sự thuận lợi, thông thoáng trong thu hút đầu tư và khởi sự doanh nghiệp...

* Nhìn lại quá trình phát triển của thành phố, bài học nào trong công tác lãnh đạo, điều hành mà đồng chí tâm đắc nhất? Những bài học ấy có ý nghĩa như thế nào trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố hôm nay, thưa đồng chí?

- Trải qua từng thời kỳ, Đảng bộ, các cấp chính quyền TP Cần Thơ đã tổng kết và rút ra được nhiều bài học thực tiễn quí báu về xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; về phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, xây dựng đoàn kết; về huy động các nguồn lực cho phát triển; về kết hợp giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, giải quyết vấn đề an sinh xã hội... Song, bài học mà tôi tâm đắc nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành là xây dựng khối đoàn kết vì mục tiêu chung xây dựng thành phố ngày càng phát triển.

Muốn xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng phải luôn chú trọng phát huy dân chủ, đoàn kết trên cơ sở các nguyên tắc, quy định, kỷ luật, kỷ cương. Có đoàn kết, phát huy tốt dân chủ, các ngành, các địa phương, đơn vị mới phát huy tốt nhất tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám quyết định, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vận dụng tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào hoàn cảnh thực tiễn của địa phương, từ đó có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong hành động, đề xuất được những giải pháp hữu hiệu, thực hiện tốt vai trò tham mưu của mình trên tinh thần “quyết đoán, quyết tâm, quyết liệt, quyết làm”. Bài học trên luôn có ý nghĩa quan trọng và sẽ được lãnh đạo thành phố chú trọng phát huy để khắc phục những hạn chế, yếu kém để thực hiện hoàn thành các mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố.

* Thưa đồng chí, thời gian tới, TP Cần Thơ sẽ tập trung thực hiện những việc lớn nào để “cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của toàn vùng” như Nghị quyết 45 đã đề ra?

- Để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đề ra, Đảng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ còn rất nhiều việc phải làm, trong đó cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất là thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng thành phố theo hướng văn minh, hiện đại; tận dụng mọi cơ hội, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, bền vững, có hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, chú trọng chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại, phấn đấu đưa Cần Thơ trở thành trung tâm giao lưu, cửa ngõ và đầu mối giao lưu, buôn bán, hợp tác với nước ngoài của các tỉnh ĐBSCL; thu hút mạnh hơn đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, thành phố tập trung huy động các nguồn lực để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng KT - XH và kiến thiết đô thị; xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông thông suốt và đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm của thành phố.

Thứ hai là chăm lo phát triển con người một cách toàn diện. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Mở rộng, nâng cấp mạng lưới y tế, tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao phục vụ việc khám và chữa bệnh cho nhân dân Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Chăm lo phát triển, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, xây dựng con người Cần Thơ “trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch”. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm.

Thứ ba là kết hợp chặt chẽ phát triển KT - XH với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Tiếp tục củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trên, thành phố chọn các khâu đột phá sau: Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT - XH, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào thành phố. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, nhất là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vào trong sản xuất và quản lý KT - XH. Quan tâm giải quyết tốt hơn vấn đề an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thành phố xanh - sạch - đẹp...

Phát huy mạnh mẽ truyền thống anh dũng trong đấu tranh cách mạng, ba mươi lăm năm qua, nhân dân TP Cần Thơ đã đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng TP Cần Thơ phát triển đáng kể. Tin rằng, để làm tròn sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn mới, thời gian tới, Đảng bộ chính quyền và nhân dân thành phố sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần đoàn kết, cống hiến sức lực, trí tuệ và tài năng của mình để xây dựng TP Cần Thơ ngày càng giàu đẹp.

* Xin cảm ơn đồng chí!

HOÀNG THANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết