08/06/2012 - 08:21

Đục thủy tinh thể

Phát hiện và điều trị sớm để khỏi mù lòa

Tỷ lệ mù lòa trong cộng đồng ở Việt Nam là 0,59%. Một khảo sát gần đây tại Bệnh viện Mắt trung ương cho thấy, 70% số người mù tại Việt Nam là do mắc bệnh đục thủy tinh thể (ĐTTT). Trong khi bệnh này nếu phát hiện sớm, khả năng phục hồi thị lực cho bệnh nhân khoảng 90%.

Bệnh của người già

Nhiều người già khi thấy mắt mình thị lực suy giảm cứ tưởng là già thì mắt phải như vậy, chứ hoàn toàn không nghĩ có thể điều trị phục hồi được. Bà Nguyễn Thị Hải, 65 tuổi, xã Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long kể: “Mắt tôi bị mờ cả năm nay rồi. Nhìn xa chỉ thấy bóng mờ mờ. Mắt yếu nên tôi phải đi thật chậm, công việc nhà toàn ổng làm. Tôi cứ nghĩ mình uống thuốc tây nhiều (bà Hải bị bệnh đau bao tử, đau nhức, gan nhiễm mỡ...) nên mắt bị mờ nhưng khi ngưng uống thuốc mắt cũng không nhìn rõ. Nghe một số người cùng xóm mắt cũng bị mờ, đi khám rồi phẫu thuật, mắt sáng lại nên bà Hải mới đi khám. Bác sĩ nói bà bị ĐTTT (dân gian gọi là cườm đá) và khuyên bà nên phẫu thuật”. Sau khi khám xong, về nhà, bà Hải đến hàng xóm hỏi thăm những bệnh nhân đã phẫu thuật trước, họ kể phẫu thuật nhanh, chích thuốc tê không đau, sau mổ nhìn rất tốt. Thế là bà Hải yên tâm đến Bệnh viện Mắt-Răng Hàm Mặt Cần Thơ mổ.

Khám mắt cho bệnh nhân bị đục thủy tinh thể tại Bệnh viện Mắt - Răng - Hàm - Mặt Cần Thơ. 

Ngồi cạnh bà Hải, bà Nguyễn Thị Thiện, 74 tuổi, ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cũng bị ĐTTT. Mắt của bà Thiện yếu hai, ba năm nay nhưng vì sợ mổ nên bà không đi bệnh viện. Thời gian gần đây mắt càng yếu hơn. Có hôm bà lặt rau nấu canh, đến khi con bà múc canh ra ăn thì phát hiện toàn sâu. Con cái động viên lắm, bà mới chịu đi mổ. Trong chuyến khám chữa bệnh từ thiện tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, các bác sĩ phát hiện có nhiều bệnh nhân mắt nhìn rất yếu nhưng họ không đi khám. Bà Trần Thị Năm, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Tôi già rồi, sống nhờ con cháu, tụi nó cũng nghèo, thôi thì đành chịu. Đi khám biết có trị được không, mất công tốn tiền con cháu”. Sau khi khám đau nhức xong, bác sĩ cũng hướng dẫn bà sang Phòng Khám Mắt để bác sĩ chuyên khoa mắt khám. Đáng mừng là trường hợp của bà Năm có thể phẫu thuật được. Bác sĩ hướng dẫn bà liên hệ với Trung tâm Y tế huyện Phước Long, vì sắp tới có đợt của Bệnh viện Mắt-Răng Hàm Mặt Cần Thơ về mổ miễn phí.

Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân gây ĐTTT, thường gặp nhất là do lão hóa (nguyên nhân phổ biến nhất, rất hay gặp ở lứa tuổi trên 65 với tỷ lệ là 70%), do bệnh lý về mắt (cận thị nặng, viêm nhiễm, chấn thương, thoái hóa...), bệnh toàn thân ảnh hưởng lên mắt (tiểu đường, cao huyết áp...) hoặc bẩm sinh.

Đa số phát hiện muộn

Điều đáng buồn là tỷ lệ phát hiện cườm giai đoạn muộn thường rất cao do điều kiện kinh tế, dân trí... làm hạn chế cơ may bệnh nhân đến bệnh viện điều trị sớm. Mặc dù, hàng năm Bệnh viện Mắt-Răng Hàm Mặt, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Cần Thơ... phối hợp với các tổ chức, nhà hảo tâm tổ chức nhiều đoàn khám sàng lọc và phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhân nghèo, nhưng tỷ lệ cườm, nhất là cườm già tồn đọng và phát sinh mới hằng năm còn rất nhiều trong cộng đồng. Thạc sĩ Hoàng Quang Bình, Trưởng khoa Khám Mắt, Bệnh viện Mắt-Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ, cho biết thêm: “Nếu bệnh nhân đến bệnh viện muộn, ĐTTT có thể quá cứng, khó thao tác cho việc mổ phaco lấy nhân hoặc thủy tinh thể “quá chín”, gây biến chứng cườm nước hoặc viêm màng bồ đào. Lúc này khả năng phục hồi thị lực kém sau mổ. Nếu bệnh được phát hiện sớm, rất thuận lợi cho việc theo dõi và điều trị. Sử dụng phương pháp mổ phaco tiện lợi và cho kết quả tốt”.

Có nhiều bệnh nhân như ông Nguyễn Văn Ba, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ nhầm lẫn bệnh ĐTTT của mình được phát hiện sớm nên chỉ nhỏ thuốc là hết, không cần mổ. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, dùng thuốc chỉ có tác dụng tạm thời trong thời gian đầu. Phẫu thuật là phương pháp duy nhất có hiệu quả trong việc chữa ĐTTT. Phương pháp hiện đại và phổ biến nhất hiện nay là mổ phaco mà người dân hay gọi là “hút cườm” hay “mổ máy”. Phaco có ưu điểm là phẫu thuật nhanh và vết mổ rất ngắn, chỉ dưới 3mm. Nhờ thế, mắt mau lành và thị lực phục hồi nhanh. Nếu bệnh nhân đến muộn, không mổ được bằng phaco thì phải chuyển qua “mổ ngoài bao” mà người dân hiện nay quen gọi là “mổ tay” thì vết mổ sẽ lớn hơn và thời gian phục hồi thị lực lâu hơn.

Khả năng phục hồi tốt thị lực sau mổ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: có các bệnh lý khác tại mắt trước mổ hay không (bệnh tiểu đường, cườm nước, teo dây thần kinh mắt...), tình trạng viêm sau mổ, các biến chứng trong quá trình mổ... Tuy nhiên, thăm khám, siêu âm mắt... trước mổ để dự báo mức độ phục hồi thị lực, tính an toàn cao của phẫu thuật phaco và điều kiện chăm sóc tốt sau mổ thì khả năng phục hồi tốt thị lực rất cao, khoảng trên 90%. Tuy nhiên, sau mổ ĐTTT có tình trạng đục bao sau thủy tinh thể gây mờ dần dần. Lúc này có thể điều trị bằng cách dùng laser để phá bao sau. Tỷ lệ đục bao sau cần can thiệp lại bằng laser là khoảng 20% (sau khi mổ ĐTTT được 2 năm) - Thạc sĩ Hoàng Quang Bình cho biết thêm.

Hiện nay, không có cách phòng ngừa bệnh ĐTTT một cách có hiệu quả. Điều quan trọng là phải đi kiểm tra mắt thường xuyên để phân biệt với những bệnh mù do nguyên nhân khác.

Sau phẫu thuật ĐTTT, bệnh nhân cần che mắt bảo vệ (băng che mắt, kính mát.. ) để tránh gió bụi, hạn chế tiếp xúc với máy tính, đọc báo, xem tivi... trong vòng 1 tuần; rửa tay trước khi chạm vào mắt và sử dụng thuốc theo quy định; rửa mi mắt bằng gạc để lấy đi chất dịch bám vào mắt; tuyệt đối không dụi tay lên mắt, nháy mắt mạnh nhằm tránh xảy ra đè áp mạnh gây chấn thương mắt; ăn thức ăn dễ tiêu, tránh táo bón, tránh dùng các chất kích thích; tái khám đúng theo lịch hẹn (thường là sau 1 tuần và 1 tháng sau khi phẫu thuật). Khi có các dấu hiệu: giảm thị lực, đau kéo dài mặc dù đã dùng thuốc giảm đau; đỏ mắt tăng; chớp sáng hoặc nhiều đốm đen trước mắt; buồn nôn, nôn hoặc ho nhiều... bệnh nhân nên tái khám sớm. Thông thường, mắt hồi phục thị lực tối đa trong vòng 8 tuần. Không nên đi bơi, tắm biển, chơi những môn thể thao mạnh trong vòng 3 tháng.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết