Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 29-8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã giữ đúng lời hứa khi lần đầu tiên chính thức nêu phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) không công nhận yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Ông Duterte khẳng định phán quyết năm 2016 của PCA là “cuối cùng, ràng buộc và không thể phản đối”.
Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Rodrigo Duterte trong cuộc gặp hôm 29-8. Ảnh: Bloomberg
Ngược lại, ông Tập tuyên bố: “Trung Quốc không công nhận phán quyết và không lay chuyển lập trường này”. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cho biết Chủ tịch Tập thúc giục Tổng thống Duterte “gác lại tranh chấp qua một bên” và không nên bị ảnh hưởng bởi sự “can thiệp bên ngoài” - điều được hiểu là áp lực từ Mỹ. Thay vào đó, ông Tập cho rằng Trung Quốc và Philippines nên tập trung thúc đẩy thỏa thuận thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông và hoàn tất đàm phán xây dựng Bộ quy tắc (COC) trên Biển Đông vào năm 2021. Ông Tập cũng nhấn mạnh hai nước cần tiếp tục hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, viễn thông và các trung tâm công nghệ. Nhà lãnh đạo Trung Quốc hứa thêm Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường nhập khẩu trái cây tươi và nông sản từ Philippines, cũng như cử chuyên gia nông nghiệp và thủy sản sang giúp Philippines cải thiện phát triển các lĩnh vực này.
Kết quả là hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Philippines thống nhất rằng “dù hai bên vẫn bảo lưu các lập trường riêng của mình nhưng cần không để các khác biệt chệch khỏi đường ray hay làm suy giảm tình bạn giữa hai nước”. Hai bên cũng đồng ý “quản lý vấn đề Biển Đông và tiếp tục đối thoại hòa bình nhằm giải quyết xung đột”. “Tổng thống Duterte và Chủ tịch Tập thống nhất tầm quan trọng của kiềm chế và tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông” - người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo cho biết thêm. Đáng chú ý, theo Tân Hoa xã, lãnh đạo hai nước đồng ý thành lập “ủy ban chỉ đạo chung” gồm các quan chức ngoại giao và năng lượng và “ủy ban hợp tác doanh nghiệp chung” gồm các công ty tham gia dự án thăm dò dầu khí giữa hai nước.
Bình luận về kết quả chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 5 của Tổng thống Duterte, ông Zhang Mingliang - chuyên gia về Đông Nam Á của Đại học Jinan (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) - cho rằng hai nước không đạt được sự tiến triển nào trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh muốn duy trì quan hệ tốt với Manila trong bối cảnh Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông sau hàng loạt hành động ngang ngược, hung hăng của nước này thời gian qua. “Thông báo thăm dò dầu khí chung đã được vẽ như là kết quả lớn của chuyến thăm, nhưng thực chất nó chỉ là cách thức che lấp những sự khác biệt về vấn đề Biển Đông” - ông Zhang nhận định.
Được biết, hai ông Tập và Duterte đã ký bản ghi nhớ hợp tác phát triển dầu khí tại Biển Đông hồi tháng 11-2018. Chi tiết của bản nghi nhớ không được tiết lộ nhưng mới đây nhiều thông tin cho rằng dự án sẽ được phân chia theo tỷ lệ 60-40 nghiêng về Philippines. Tuy nhiên, công luận Philippines khẳng định việc cho phép Trung Quốc thăm dò dầu khí tại khu vực mà họ không công nhận chủ quyền của Manila là vi hiến. Không công nhận phán quyết của PCA tức là Trung Quốc không công nhận chủ quyền của các nước khác trong phạm vi “đưỡng lưỡi bò” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Do vậy, dù lãnh đạo hai nước thống nhất thành lập các ủy ban xúc tiến dự án thăm dò dầu khí không có nghĩa thỏa thuận đã ký kết. Theo ông Jay Batongbacal, Giám đốc viện hàng hải và luật biển của Đại học Philippines, kết quả cuộc hội đàm về thăm dò dầu khí chung giữa ông Tập và ông Duterte chỉ là bước khởi động và nó chậm hơn so với kỳ vọng. “Nhưng điều này không đảm bảo một thỏa thuận cuối cùng sẽ được ký kết” - ông Batongbacal nhận định.
KIẾN HÒA