22/02/2021 - 21:39

Ông Biden không dễ lôi kéo châu Á đối phó Trung Quốc 

Sức ép trong nước có thể cản trở Tổng thống Mỹ Joe Biden (ảnh) theo đuổi chính sách xây dựng liên minh đối trọng với Trung Quốc ở châu Á - Phó Giáo sư tại Viện Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) James Crabtree nhận định.

Theo chuyên gia này, thách thức hiện nay một phần bắt nguồn từ cam kết của Tổng thống Biden “hồi sinh” tầng lớp trung lưu mà ông cho là “đã sinh ra nước Mỹ” và làm họ hòa nhập hơn về mặt chủng tộc. Nhiệm vụ này mặt khác cản trở Washington thúc đẩy các chính sách kinh tế và thương mại cho phép Mỹ xích lại gần châu Á, chẳng hạn như tiến trình thực hiện Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

 Ảnh: Global Capital

 Ảnh: Global Capital

 

CPTPP, tiền thân là Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được đàm phán bởi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương (không có Trung Quốc). Thời điểm ký kết năm 2016, TPP là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới khi chiếm gần 40% sản lượng kinh tế toàn cầu. Dù được dự đoán giúp Washington nâng cao vai trò chiến lược và cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực, hiệp định thương mại đa quốc gia này đã vấp phải chỉ trích tại Mỹ và chưa từng được Quốc hội nước này thông qua. Ðến năm 2017, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Washington khỏi TPP với lập luận rằng thỏa thuận làm tổn thương lao động và ngành sản xuất trong nước. Trái với động thái của Mỹ, Trung Quốc những năm gần đây không ngừng mở rộng ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương. Năm ngoái, Bắc Kinh và 14 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã ký thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới mang tên Hiệp định Ðối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Giới phân tích dự báo động thái này sẽ củng cố thêm sức mạnh kinh tế lẫn chính trị của Trung Quốc.

Trước sự trỗi dậy của cường quốc châu Á và sự dao động từ các đối tác chiến lược, giới chuyên môn nhận định Washington dưới thời Tổng thống Biden sẽ tập trung tăng cường tương tác với khu vực và quốc tế nhằm tập hợp, củng cố đồng minh. Nỗ lực này được phản ánh qua quyết định của ông Biden bổ nhiệm các chuyên gia về châu Á trong đội ngũ chính sách đối ngoại. Nhưng để thuyết phục những đối tác vốn không chắc chắn về tương lai chính sách của Mỹ, ông Crabtree cho rằng Nhà Trắng cần có phương thức “sáng tạo” để khẳng định vị thế trong bối cảnh sức mạnh kinh tế của Mỹ đang giảm so với một Trung Quốc đang lên.

Bên cạnh đó, tình hình nội bộ rối ren với các cuộc bạo loạn về sắc tộc, suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 song song với tình trạng phân cực chính trị cũng khiến các nhà hoạch định chính sách châu Á tiếp tục lo ngại Nhà Trắng lơ là khu vực này. Với bối cảnh như vậy, giới chuyên môn cho rằng chính quyền Biden cần đưa Mỹ trở lại dẫn đầu trong cải cách các thể chế quốc tế, đề ra những quy tắc mới vốn đang thiếu trong khuôn khổ đa phương bị phân mảnh hiện nay, từ đó giành lại niềm tin và củng cố ảnh hưởng lâu dài. Theo các nhà quan sát, Tổng thống Biden có cơ hội rất lớn khi đảng Dân chủ đang kiểm soát cả Nhà Trắng và lưỡng viện Quốc hội.

Trung Quốc kêu gọi “cài đặt” lại quan hệ với Mỹ

Phát biểu hôm 22-2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới của Mỹ trong các vấn đề như biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19, từ đó đưa quan hệ hai nước quay lại đúng hướng. Ðại diện ngoại giao Trung Quốc đồng thời kêu gọi Washington dỡ bỏ thuế quan và chấm dứt những chính sách “đàn áp phi lý” đối với lĩnh vực công nghệ Trung Quốc.

Ông Vương Nghị nhấn mạnh điều quan trọng là phải tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Theo ông, đây là quy tắc cơ bản điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế. Ông cũng nêu rõ Trung Quốc luôn tôn trọng những lựa chọn của Mỹ, đồng thời không có ý định thách thức hay thay thế Mỹ và sẵn sàng chung sống hòa bình, cùng Mỹ thúc đẩy phát triển.

Ông Vương Nghị cũng đề cập tầm quan trọng của việc thúc đẩy đối thoại và xử lý đúng đắn những khác biệt giữa hai bên. Ông cho rằng hai nước cần thực hiện những nội dung đã thống nhất trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo nhân dịp Tết Nguyên đán vừa qua, đồng thời hành động vì lợi ích của nhân dân hai nước, có thái độ cởi mở, cùng hướng tới tương lai và kích hoạt trở lại hoặc thiết lập các cơ chế đối thoại trong các lĩnh vực và ở các cấp độ khác nhau.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, CNBC)

 

Chia sẻ bài viết