Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác động của tiêu thụ chất béo đối với sức khỏe tổng thể. Theo đó, các axít béo bão hòa và chuyển hóa được xem là chất béo “xấu” và có hại cho sức khỏe, do chúng có thể làm tăng cholesterol trong máu, gây tắc nghẽn động mạch và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Còn các chất béo bão hòa đơn và chất béo bão hòa đa được xem là chất béo “tốt” vì mang lại nhiều lợi ích sức khỏe tim mạch. Và trong số các chất béo “tốt” mà mọi người cần tiêu thụ có hai axít béo omega-3 và omega-6.

Nhóm thực phẩm dồi dào cả omega-3 và omega-6.
Phân biệt omega-3 và omega-6
Theo các chuyên gia, cả omega-3 và omega-6 đều có lợi cho sức khỏe. Mặc dù không được cơ thể tổng hợp một cách tự nhiên, nhưng hai axít béo này cần thiết cho các chức năng trao đổi chất quan trọng trong cơ thể. Do đó, việc thiếu hụt hoặc mất cân bằng về omega-3 và omega-6 sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như loãng xương, chàm…
+ Omega-3. Ðây là axít béo không bão hòa rất cần thiết, nhưng cơ thể con người không thể tổng hợp được. Có 3 loại omega-3 chính gồm DHA, EPA và ALA. Ngoài nguồn cung cấp chính là các loại cá béo (cá hồi, cá thu, cá ngừ và cá mòi), omega-3 còn có nhiều trong các loại hạt (hạt lanh, hạt chia, quả óc chó) và dầu thực vật (như dầu hạt lanh, dầu đậu nành và dầu hạt cải).
Một chế độ ăn uống giàu omega-3 được biết là giúp duy trì sức khỏe tim, mạch máu, gan, phổi và hệ miễn dịch. Không chỉ vậy, omega-3 còn hỗ trợ duy trì sức khỏe thị lực và phòng ngừa các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo lắng và bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Ðối với trẻ em, omega-3 là dưỡng chất cực kỳ quan trọng liên quan đến sự phát triển toàn diện ở trẻ, đặc biệt là não bộ.
+ Omega-6. Cũng giống như omega-3, cơ thể chúng ta cần omega-6 để điều chỉnh gien và tăng cường sức khỏe miễn dịch. Omega-6 cũng là một loại chất béo không bão hòa lành mạnh, bao gồm 4 loại chất béo chính là LA, ARA, GLA và CLA. Các thực phẩm dồi dào omega-6 gồm: các loại hạt (như hạnh nhân, hướng dương, hạt điều và óc chó), các loại dầu như dầu bơ và trứng.
Omega-6 giúp duy trì sức khỏe tim mạch và là yếu tố chính giúp điều chỉnh chức năng não nhằm đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bình thường. Axít béo này cũng kích thích sự phát triển của da và tóc, duy trì sức khỏe xương khớp, điều chỉnh trao đổi chất và giúp duy trì hệ sinh sản.
Dung nạp omega-3 và omega-6 ra sao mới tốt cho sức khỏe?
Bởi vì cả omega-3 và omega-6 đều yêu cầu cùng một loại enzyme để phân hủy trong cơ thể, các chuyên gia sức khỏe cho rằng 2 axít béo này cạnh tranh lẫn nhau để cơ thể hấp thụ chúng. Tuy đa số mọi người thường tiêu thụ nhiều omega-6 hơn omega-3, nhưng điều này không sao cả. Bởi tỷ lệ omega-6:omega-3 nào là tốt nhất cho cơ thể còn tùy thuộc rất nhiều vào thể trạng của từng người. Ví dụ, tỷ lệ 4:1 có thể phòng ngừa nguy cơ bị bệnh tim, nhưng lại không có tác dụng giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Còn tỷ lệ 2:1 hoặc 3:1 có thể ức chế viêm ở bệnh nhân thấp khớp, tỷ lệ 5:1 có kết quả tốt đối với bệnh nhân hen suyễn, trong khi tỷ lệ 10:1 lại có ảnh hưởng xấu tới tình trạng hen suyễn.
Tóm lại, trong trường hợp không chắc chắn về tỷ lệ bổ sung omega-6:omega-3 phù hợp với tình tình sức khỏe bản thân, bạn cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ có chuyên môn trước khi quyết định dung nạp 2 axít béo này từ thực phẩm hoặc dùng viên bổ sung.
AN NHIÊN (Theo Times of India, News18)