Chuyến thăm Ấn Độ 3 ngày của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Ngoài cuộc gặp thượng đỉnh thường niên giữa lãnh đạo chính phủ hai nước ngày 25-1, ông Abe là Thủ tướng Nhật đầu tiên làm khách mời tham dự Ngày Cộng hòa 26-1, lễ quan trọng nhất của Ấn Độ.
Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề Đông Á của Ấn Độ Gautam Bambawale cho biết việc Thủ tướng Abe được mời dự khán ngày lễ trọng đại này là minh chứng cho thấy Ấn Độ coi Nhật Bản như một đồng minh chủ chốt trong các mối quan hệ với Đông Bắc Á. Hai nước đã có bước tiến lớn trong quan hệ kinh tế và thương mại, bên cạnh sự hợp tác quân sự, quốc phòng và chính trị ngày càng chặt chẽ hơn. Cũng theo ông Bambawale, thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản là thước đo thành công đối với chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ. Ba lĩnh vực ưu tiên hiện nay mà New Delhi muốn thúc đẩy quan hệ với Tokyo là công nghệ tiên tiến, nguồn vốn đầu tư và quản trị hiện đại.
Đáp lại sự kỳ vọng đó, Thủ tướng Abe đã thông báo cung cấp khoản vay 210 tỉ yen (2 tỉ USD) giúp Ấn Độ xây dựng đường ray tàu điện ngầm và phát triển các dự án bảo tồn năng lượng. Hàng loạt các tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Nhật Bản tháp tùng ông Abe là cơ hội để các đối tác Ấn Độ đón làn sóng đầu tư từ xứ Mặt trời mọc.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của tờ Thời báo Ấn Độ, Thủ tướng Nhật nhấn mạnh Tokyo cần có mối quan hệ an ninh với New Delhi. Ông Abe cho rằng hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba châu Á này cần đóng vai trò tích cực và mạnh mẽ hơn trong vấn đề duy trì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng cho châu Á-Thái Bình Dương lẫn thế giới.
Một trong những mục tiêu của ông Abe là bán cho Ấn Độ loại thủy phi cơ ShinMaywa US-2i trị giá 110 triệu USD/chiếc. Đây sẽ là lần đầu tiên trong gần 4 thập niên qua, Nhật Bản bán trang thiết bị quân sự ra nước ngoài mà không vi phạm lệnh cấm theo Hiến pháp hòa bình. ShinMaywa US-2i không được trang bị vũ khí và thường được sử dụng trong công tác tìm kiếm, cứu hộ trên biển, nhưng có thể chuyển đổi thành chiến đấu cơ thật thụ. Bản thân Thủ tướng Abe cũng đang tìm cách sửa đổi luật cấm xuất khẩu vũ khí trong bối cảnh môi trường an ninh tại khu vực đang căng thẳng. Ấn Độ lại là nhà nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, như đã nói, ông Abe muốn thắt chặt quan hệ an ninh với Ấn Độ cũng là nhằm cân bằng quan hệ với Trung Quốc. Ông Michael Auslin, nhà nghiên cứu về Nhật Bản thuộc Viện doanh nghiệp Mỹ, cho rằng Trung Quốc là yếu tố chính làm cho quan hệ Ấn-Nhật gần nhau hơn.
KIẾN HÒA