22/04/2021 - 09:15

Nỗi lo sợ lớn nhất của phụ nữ Afghanistan 

Nỗi lo sợ đang bao trùm Afghanistan là việc lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) sẽ rời khỏi quốc gia Tây Nam Á trong những tháng tới. Nhiều người tin rằng nhóm phiến quân Hồi giáo Taliban sẽ chiếm giữ thêm lãnh thổ và tái áp đặt nhiều luật lệ hà khắc mà họ đã từng thực thi khi cai trị Afghanistan hồi thập niên 1990.

Một lớp học yoga của phụ nữ Afghanistan tại thủ đô Kabul. Ảnh: NY Times

Những thành tựu trong 20 năm

Khi Afghanistan nằm dưới sự cai trị của Taliban giai đoạn 1996-2001, nhóm phiến quân này cấm phụ nữ và bé gái đi làm bên ngoài hoặc đến trường. Phụ nữ không khác gì tù nhân trong chính ngôi nhà của mình. Sau khi quân Mỹ lật đổ Taliban và đánh bại Al Qaeda sau vụ tấn công khủng bố ở xứ cờ hoa ngày 11-9-2001, việc phụ nữ tại Afghanistan được đến trường được xem như là một thành quả đáng quý.

Trong hơn 2 thập niên qua, Mỹ đã chi hơn 780 triệu USD để thúc đẩy quyền phụ nữ tại Afghanistan. Tuy tiến bộ không đồng đều, song phụ nữ/bé gái hiện chiếm khoảng 40% số lượng sinh viên. Nhiều “bóng hồng” còn tham gia vào lực lượng an ninh, nắm giữ vai trò chính trị, trở thành những ca sĩ được quốc tế công nhận, tranh tài tại Thế vận hội và gia nhập các đội chế tạo robot... Tất cả những điều này gần như không thể xảy ra đối với phụ nữ Afghanistan trong nửa cuối thập niên 1990.

Một trong những thành tựu gần như không phải bàn cãi là việc Afghanistan tiếp cận được Internet và truyền thông. Mạng điện thoại di động phủ sóng khắp phần lớn nước này, đồng nghĩa phụ nữ/bé gái có thêm điều kiện để học tập và kết nối với bên ngoài. Truyền thông Afghanistan nở rộ sau làn sóng đầu tư lớn từ chính phủ nước ngoài và các nhà đầu tư. Nhiều phụ nữ cũng đã trở thành những nhà báo, nhân vật nổi tiếng trên toàn quốc.

Tương lai mờ mịt

Sắp tới, Taliban có giành lại quyền lực thông qua vũ lực hoặc thỏa thuận chính trị với chính quyền Kabul hay không, thì ảnh hưởng của nhóm phiến quân này gần như chắc chắn sẽ gia tăng. Do vậy, giờ đây các trường học trên khắp cả nước buộc phải dự liệu xem họ có thể tiếp tục mở cửa hay không. “Nữ sinh sống tại những vùng đất nằm dưới sự kiểm soát của Taliban đã nhiều lần bị đe dọa, nhưng gia đình vẫn bí mật gửi họ đi học. Nếu binh sĩ nước ngoài rút khỏi Afghanistan sớm, tình hình sẽ càng tệ hơn”, Firoz Uzbek Karimi, Hiệu trưởng Ðại học Faryab ở phía Bắc Afghanistan, bộc bạch. Phân nửa trong số 6.000 sinh viên của trường này là nữ.

Tại những vùng Taliban kiểm soát, chuyện học của phụ nữ hiện bị hạn chế nghiêm ngặt, thậm chí là không tồn tại. Ở một số khu vực phía Ðông và Tây Afghanistan, bé gái chỉ được phép đi học cho đến khi tới tuổi dậy thì. Còn ở phía Bắc, các bô lão phải đàm phán để mở cửa trở lại một số trường nữ sinh dù các môn như khoa học xã hội bị thay thế bằng các môn nghiên cứu Hồi giáo. Nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công, để rồi hơn 1.000 trường đã phải đóng cửa trong những năm gần đây.

Ý tưởng của Taliban về công lý dành cho phụ nữ cũng đã hiện quá rõ, mà cụ thể là trước mặt Farzana Ahmadi hồi tháng rồi khi bà tận mắt chứng kiến những phần tử nổi dậy này trừng phạt một phụ nữ hàng xóm bằng cách quất roi vì “tội” không che mặt. Trong khi đó, bạo hành vẫn còn là vấn nạn nhức nhối ở Afghanistan. Khoảng 87% phụ nữ và bé gái tại đây phải chịu cảnh ngược đãi trong suốt cuộc đời, theo báo cáo của tổ chức Giám sát Nhân quyền.

Tương lai việc làm của phụ nữ Afghanistan cũng không được đảm bảo. Như Lina Shirzad chẳng hạn, bà này hiện là quyền giám đốc quản lý của một đài truyền thanh nhỏ với 15 nữ nhân viên ở phía Bắc Afghanistan. Trong bối cảnh an ninh ngày càng bất ổn, bà Shirzad sợ rằng các nhân viên sẽ bị mất việc. “Với việc lực lượng nước ngoài rút đi trong vài tháng tới, những phụ nữ này - hiện là trụ cột của gia đình họ - sẽ thất nghiệp. Giá trị và những thành tựu của họ có được duy trì hay không?”, bà Shirzad lo ngại. Hiện 30% lãnh thổ Afghanistan nằm dưới sự kiểm soát của Taliban.

HẠNH NGUYÊN (Theo NY Times)

Chia sẻ bài viết