Các nhà lãnh đạo cấp cao châu Âu, bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman van Rompuy, ngày 20-9 đã có cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại Thủ đô Brussels của Bỉ nhằm thảo luận các biện pháp củng cố và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Cựu lục địa với Bắc Kinh, chủ yếu là những vấn đề thương mại, đầu tư. Đây có thể được coi là cuộc gặp cấp cao cuối cùng của giới chức châu Âu với ông Ôn Gia Bảo, người dự kiến sẽ nhường ghế thủ tướng sau Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc sắp tới.
Hội nghị thượng đỉnh thường niên Liên minh châu Âu (EU)-Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Ủy ban châu Âu đã viết hàng loạt lá đơn kiện Bắc Kinh lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tố Trung Quốc vi phạm lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm, bán phá giá tấm pin năng lượng mặt trời, lá nhôm, dụng cụ nội trợ, đường ống nhựa. Châu Âu cũng bày tỏ lo ngại và gia tăng sức ép lên cái gọi là "chủ nghĩa tư bản nhà nước" của Trung Quốc, nơi mà chính phủ kiểm soát chặt chẽ không chỉ đối với các doanh nghiệp nhà nước mà cả giới kinh doanh tư nhân, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ tài chính, nguyên liệu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thương trường trong nước và quốc tế. Châu Âu đồng thời yêu cầu Trung Quốc phải ký hiệp ước bảo đảm đầu tư để tiếp cận một cách tự do thị trường đông dân nhất thế giới và được bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ.
Những cuộc đối đầu căng thẳng như vậy cùng với thị trường nhập khẩu èo uột do khủng hoảng nợ công tồi tệ của Khu vực đồng euro (Eurozone) khiến kim ngạch thương mại song phương EU-Trung Quốc giảm sút. Năm ngoái, EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đạt trị giá 292,5 euro của Trung Quốc và xuất khẩu ngược lại 136,2 tỉ euro. Từ đầu năm 2012 đến nay, Mỹ đã vượt qua EU trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Lý do này có thể khiến Trung Quốc đáp trả thích đáng các lá đơn tố cáo của EU bằng cách giảm nhập khẩu, ngưng mua trái phiếu chính phủ từ Eurozone. Một chuyên gia kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế tại Bắc Kinh cho rằng chính quyền Trung Quốc không gắn việc mua trái phiếu với tranh chấp thương mại. Thế nhưng, vị này cảnh báo hai vấn đề ấy có liên quan đến quan hệ song phương, không thể tách rời nhau. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Song Tao hôm 17-9 "nhắc nhở" EU rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu đã và đang gây nhiều tổn hại cho nền kinh tế thế giới, nên "các cuộc chiến tranh thương mại (xảy ra vào lúc này) không có lợi cho bên nào".
Cuộc họp cấp cao EU-Trung Quốc vì thế là dịp "để lộ" các cuộc đấu đá nội bộ tại nhiều quốc gia thành viên quan trọng của EU trong cách xử lý mối quan hệ với Bắc Kinh. Sau chuyến thăm Trung Quốc mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi Cựu lục địa và Trung Quốc nên ngồi vào bàn đàm phán giải quyết ổn thỏa cáo buộc bán phá giá tấm pin năng lượng mặt trời. Các đảng đối lập ở Đức chỉ trích "bà đầm thép" được tạp chí Forbes bình chọn là "người phụ nữ quyền lực nhất thế giới" này tỏ ra yếu thế trước nhà lãnh đạo người Ý Mario Draghi khi ông này quyết định cho phép Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mua tất cả trái phiếu chính phủ của các quốc gia thành viên Eurozone. Họ cáo buộc bà Merkel hiện nay không còn màng đến các cam kết cải cách của Hy Lạp hay nguy cơ cầu cứu tài chính của Tây Ban Nha, mà chỉ bận tâm lớn đến khả năng Trung Quốc trả đũa thương mại ảnh hưởng đến uy tín và vị thế đứng đầu của liên minh cầm quyền trước cuộc tuyển cử vào năm tới.
ĐỨC TRUNG (Theo Reuters, Nytimes)