07/07/2011 - 21:29

Nỗi lo chính trị hóa...

Những cuộc tranh cãi nội bộ ở Mỹ và châu Âu có nguy cơ cản trở quá trình phục hồi kinh tế, nhất là khi các nhà lãnh đạo của họ đối mặt với thách thức làm thế nào để hoàn trả “núi” nợ công.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo hôm 6-7 rằng mưu đồ chính trị trong các quyết định ngân sách ở Mỹ là vấn đề nguy hiểm, “tồi tệ” hơn cả suy thoái. Tuyên bố của Tổng thống Obama được xem là dấu hiệu bất thường đầu tiên thể hiện sự thất vọng của ông về việc đảng Cộng hòa bác bỏ dự luật nâng mức trần nợ công của Mỹ (hiện ở mức 14.300 tỉ USD), sau nhiều lần thương lượng mà không đạt được thỏa hiệp đáng kể nào.

Mỹ đang đối mặt với sự sụt giảm chỉ số tín dụng nếu Nhà Trắng và Quốc hội không tìm được sự nhất trí về tăng mức trần nợ công vào đầu tháng 8 tới. Thâm hụt ngân sách của Mỹ đã lên tới 1.600 tỉ USD và nếu không tìm được sự nhất trí về mức giới hạn nợ mới, Mỹ có nguy cơ vỡ nợ vì Bộ Tài chính nước này không thể phát hành trái phiếu mới để có tiền trả cho các chủ nợ.

Trong khi đó, tân Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã tận dụng buổi họp báo đầu tiên của bà để nâng cao tầm quan trọng của định chế này trong việc giải quyết khủng hoảng ở châu Âu. Bà Lagarde cho biết nợ công ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản là những mối quan ngại lớn nhất đối với bà trong vai trò mới. Đề cập tới sự sụp đổ dây chuyền từ quyết định của Anh cho phép ngân hàng đầu tư Lehman Brothers phá sản năm 2008, bà Lagarde cho rằng IMF một lần nữa đang “ngồi trên lửa”.

Bởi lẽ, các nhà lãnh đạo IMF và châu Âu vẫn đang tranh cãi tìm giải pháp cho tình hình tài chính rối rắm của Hy Lạp, trong bối cảnh khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ đa quốc gia mà nhiều người cảnh báo có thể dẫn tới sự sụp đổ của khu vực này. Mới đây, các hãng xếp hạng tín dụng “còn châm dầu vào lửa”, khi đưa ra những đánh giá bi quan về tình hình nợ công của Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland. Ngày 5-7, hãng Moody’s hạ mức an toàn nợ của Bồ Đào Nha và cảnh báo rằng nước này có thể cần gói giải cứu thứ hai giống như Hy Lạp. Chi phí vay nợ của Bồ Đào Nha lập tức tăng hơn 1% hôm 6-7. Vấn đề của châu Âu là sự bất ổn của một quốc gia nhanh chóng lan sang nước khác. Hiện chi phí vay nợ ở Ireland và Ý cũng đang leo thang.

“Điểm chung” ở hai bên bờ Đại Tây Dương là sự không ổn định của các chính khách khi đi đến một nghị quyết chung giải quyết vấn đề. Tại Mỹ, các chính khách Cộng hòa đang tìm cách gây khó dễ cho ông Obama trước cuộc đua vào Nhà Trắng vào năm 2012. Còn ở châu Âu, lợi ích quốc gia cục bộ của một số nước thành viên Eurozone đã vượt lên trên lợi ích chung của khối, trở thành “vật cản” trong các cuộc thương lượng tìm giải pháp xua đuổi “bóng ma” nợ công.

N. KIỆT
(Theo Globe and Mail, NYT)

N. KIỆT (Theo Globe and Mail, NYT)

Chia sẻ bài viết