|
Tổng thống Yudhoyono tiếp Ngoại trưởng Clinton sáng 4-9. Ảnh: AFP |
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sáng qua đã có cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Susilo Yudhoyono và Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Surin Pitsuwan trước khi sang thăm Bắc Kinh gặp người đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì tối 4-9 và sẽ tiếp kiến giới lãnh đạo cấp cao khác của nước này vào hôm nay.
* Ủng hộ kế hoạch 6 điểm của ASEAN
Hãng tin Mỹ AP cho biết trong cuộc gặp với Tổng thống Indonesia và Tổng Thư ký ASEAN tại Thủ đô Jakarta sáng 4-9, Ngoại trưởng Clinton nhấn mạnh rằng các quốc gia Đông Nam Á cần phải thống nhất một quan điểm chung trong vấn đề Biển Đông với Trung Quốc mới có thể “thật sự làm yên bình vùng biển đang tranh chấp”. Bà thúc giục tất cả các bên liên quan đến Biển Đông phải tạo ra “bước tiến có ý nghĩa” trong quá trình đàm phán chấm dứt các cuộc tranh chấp tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11 tới ở Campuchia mà dự kiến sẽ có sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Cựu đệ nhất phu nhân Nhà Trắng cũng tuyên bố Washington ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch 6 điểm của ASEAN nhằm làm giảm căng thẳng với Trung Quốc thông qua việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho tất cả các bên có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Tối 3-9, phát biểu trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, Ngoại trưởng Clinton và người đồng nhiệm nước chủ nhà Indonesia Marty Natalegawa cũng đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), bảo đảm an ninh và giải quyết hòa bình mọi tranh chấp trên Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế đã được thừa nhận, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS-1982). Ngoại trưởng Natalegawa tin tưởng Mỹ và Indonesia “tiếp tục chia sẻ quan điểm rằng những tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên Biển Đông giữa các bên liên quan phải được giải quyết hòa bình thông qua các biện pháp ngoại giao, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và luật biển”.
Bà Clinton cũng hối thúc Trung Quốc và các nước Đông Nam Á kiên quyết trong việc xây dựng COC nhằm giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. “Chúng tôi tin tưởng rằng các nước trong khu vực sẽ cộng tác với nhau để giải quyết những tranh chấp một cách không ép buộc, không đe dọa và tuyệt đối không sử dụng vũ lực”- Ngoại trưởng Clinton bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh “Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, giao thương hợp pháp không bị cản trở trên Biển Đông”.
* Tìm cách cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc
Theo hãng tin Anh Reuters, bà Clinton đã đến Bắc Kinh từ chiều 4-9 và sau đó có cuộc gặp với Ngoại trưởng Dương Khiết Trì. Hai bên dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp báo chung sáng 5-9 trước khi bà Clinton đến hội kiến với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Phó Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là lần thứ hai kể từ tháng 5-2012 bà Clinton thăm Trung Quốc. Lần trước, chuyến đi bị phủ bóng đen bởi vụ luật sư mù Trần Quang Thành được Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh che chở. Lần này, Mỹ đứng về phía ASEAN và Nhật Bản trong tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Chẳng hạn, dù không khẳng định hậu thuẫn ai trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng bà Clinton gọi đó là quần đảo Senkaku theo cách của người Nhật. Tân Hoa Xã ngày 4-9 cho rằng lập trường như vậy của Ngoại trưởng Mỹ đối với quần đảo Điếu Ngư là “nguy hiểm”, “không thể chấp nhận được”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 3-9 cảnh báo “các nước bên ngoài khu vực nên tôn trọng sự lựa chọn của các nước liên quan đến Biển Đông”.
Vì thế, Reuters cho rằng bà Clinton phải tìm cách cân bằng mối quan hệ giữa một bên là đối tác Trung Quốc và bên kia là các quốc gia đang tranh chấp với chính nước này. Mỹ đang cần sự hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Iran, tình hình Syrie. Giải quyết những tranh chấp thương mại song phương cũng rất quan trọng trong bối cảnh ông Obama đang chuẩn bị chiến dịch tái tranh cử và đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thay đổi ban lãnh đạo.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)
Trung Quốc cam kết viện trợ cho Campuchia hơn 500 triệu USD
Quốc vụ khanh Bộ Tài chính Campuchia Aun Porn Moniroth chiều 3-9 cho biết trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây của Thủ tướng Hun Sen, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cảm ơn Campuchia đã giúp Bắc Kinh “duy trì mối quan hệ tốt với các nước ASEAN”, đồng thời cam kết chi hơn 500 triệu USD cho các khoản vay lãi suất thấp cùng với gói viện trợ không hoàn lại 24 triệu USD. Một công ty Trung Quốc cũng cam kết đầu tư 2 tỉ USD xây dựng một nhà máy thép ở Campuchia. |