03/03/2020 - 07:01

Nơi bệnh nhân nghèo biên giới gửi gắm niềm tin 

Hơn 10 năm qua, hình ảnh các bác sĩ mang quân hàm xanh của Trạm xá Quân dân y Vĩnh Gia (xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã in đậm trong tâm trí người dân. Bằng tinh thần trách nhiệm và những việc làm thiết thực, các bác sĩ mang quân hàm xanh nơi đây đã tạo niềm tin, tô thắm thêm tình quân dân, tình đoàn kết, hữu nghị bền vững với nước láng giềng tại vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Thiếu tá, bác sĩ Phạm Văn Dũng khám cho một bệnh nhi Campuchia.

Vun đắp tình quân dân

Vĩnh Gia là xã biên giới nghèo của huyện Tri Tôn giáp ranh huyện Kiri Vong (tỉnh Tà Keo, Vương quốc Campuchia). Người dân trong xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống không chỉ khó khăn về kinh tế, mà còn khó khăn cả về điều kiện chăm sóc sức khỏe.

“Trước đây, do chưa có trạm xá, trong khi từ trung tâm xã đến bệnh viện huyện phải đi gần 50km, do vậy mỗi khi bị ốm đau, người dân chỉ chữa bằng cây, lá theo kinh nghiệm dân gian, bệnh nặng mới chuyển lên bệnh viện huyện. Thấy được khó khăn của bà con, Bộ đội biên phòng An Giang đã vận động các doanh nghiệp đóng góp xây dựng Trạm xá Quân dân y Vĩnh Gia với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng. Trạm xá có 6 giường bệnh và một số thiết bị y tế để khám, chữa bệnh thông thường và chính thức đi vào hoạt động tháng 9-2009”- Đại úy Trịnh Đức Hiếu, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Gia, nhớ lại.

Thiếu tá, bác sĩ Phạm Văn Dũng, Phụ trách Trạm xá Quân dân y Vĩnh Gia, kể: “Thời gian đầu, chúng tôi còn bỡ ngỡ, bởi trước đó chỉ khám và điều trị bệnh cho cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Vĩnh Gia, giờ mở rộng đến nhân dân trong vùng nên chưa quen trong việc quản lý, cũng như tổ chức khám và chữa bệnh cho đông người. Nhưng dần dần mọi việc đi vào nề nếp, được nhân dân trong vùng tin tưởng”.

Mới 6 giờ, Trạm xá Quân dân y Vĩnh Gia đã mở cửa đón bệnh nhân đến khám. Theo bác sĩ Dũng bà con đến khám sớm để tranh thủ về làm ruộng nên trạm xá thường đông bệnh nhân vào sáng sớm. Ông Đặng Văn Thanh, ở xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, Kiên Giang, cho biết, từ nhà ông xuống Trạm Y tế xã khá xa nên ông thường xuyên sang Trạm xá Quân dân y để khám, điều trị bệnh. Bác sĩ của Trạm xá Quân dân y rất quan tâm lo cho dân nên chăm sóc tận tình, chu đáo, đặc biệt khám, chữa bệnh ở đây vừa thuận tiện, lại ít tốn kém.

“Các anh bộ đội biên phòng nhiệt tình, gần gũi với dân nên có bệnh là tôi qua đây khám. Khám riết, quen luôn, bác sĩ Dũng - phụ trách Trạm - chẩn đoán bệnh hay lại tốt, vui vẻ nên tôi rất quý”- ông Thanh nói.

Hết lòng phục vụ nhân dân

Hiện nay, mỗi năm Trạm xá Quân dân y Vĩnh Gia khám và điều trị cho gần 9.000 lượt bệnh nhân. Riêng vào dịp cuối tuần, mỗi ngày có khoảng 50-70 lượt bệnh nhân từ các xã Vĩnh Gia, Lạc Quới (huyện Tri Tôn), Vĩnh Phú (huyện Giang Thành) và Tà Ô (quận Kirivong) đến khám và điều trị.

Đại úy Trịnh Đức Hiếu cho biết: “Chủ trương của Ban Chỉ huy đồn chủ yếu là giúp đỡ nhân dân. Những trường hợp nào khó khăn thì khám, điều trị miễn phí; trường hợp bệnh nhân có điều kiện kinh tế thì chỉ lấy tiền thuốc. Chính những việc làm đó mà nhân dân trên địa bàn quý mến Bộ đội Biên phòng, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Gia; qua đó, góp phần thắt chặt thêm tình quân dân trên địa bàn đóng quân”.

Hơn 10 năm qua, với tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm với nghề, các bác sĩ, y tá mang quân hàm xanh của Trạm xá Quân dân y Vĩnh Gia đã thực sự là người để các bệnh nhân gửi gắm niềm tin. Tiếng lành đồn xa, giờ đây Trạm thực sự trở thành địa chỉ tin cậy của bệnh nhân nghèo nơi biên giới. Đặc biệt, có những bệnh nhân có hoàn cảnh éo le, bệnh nặng, được giới thiệu lên tuyến trên điều trị, khi bệnh tình thuyên giảm, lại xin về để điều trị tại Trạm xá. Vì vậy, lúc nào Trạm xá cũng trong tình trạng quá tải.

Anh Chau Sam Sol, ở xã Tà Ô, cho biết nhà anh nghèo, không đủ tiền đi bác sĩ tư nên khi đau ốm anh đều sang Việt Nam chữa trị. “Đặc biệt, các bác sĩ bộ đội Biên phòng Việt Nam rất tốt, khám, chữa bệnh chu đáo, thăm hỏi nhiệt tình nên tôi rất yên tâm”- anh Sol nói.

Thiếu tá, bác sĩ Phạm Văn Dũng cho biết thường ngày ngoài công việc khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho bà con, cán bộ y tế của trạm còn lồng ghép nhiều nội dung tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và thành lập câu lạc bộ không sinh con thứ ba, vận động nhân dân xây dựng môi trường sống đảm bảo; ăn, ở hợp vệ sinh, khi ốm đau phải kịp thời đến cơ sở y tế để các bác sĩ thăm khám, chữa trị kịp thời... Thông qua đó, nhận thức của người dân từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, hiện nay việc khám, chữa bệnh cho người dân còn gặp rất nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở vật chất và thiếu nhân lực. “Mình phục vụ nhiệt tình, chu đáo nên bà con quý, tìm đến nhiều hơn. Có những trường hợp tai nạn lao động, tai nạn giao thông đưa đến trạm chỉ sơ cứu bước đầu rồi chuyển đi. Có những trường hợp nặng biết chuyển đi sẽ nguy hiểm nhưng giữ lại phải xét nghiệm, chụp hình, siêu âm… để điều trị chuyên sâu mà những thiết bị này trạm không có. Do đó, mong muốn của tôi là nếu có được các thiết bị cơ bản để phục vụ bà con là hay nhất” - Thiếu tá, bác sĩ Phạm Văn Dũng chia sẻ.

Bài, ảnh: Bình Nguyên

Chia sẻ bài viết