15/08/2014 - 15:08

Nỗi ám ảnh “ngựa thành Troy”

Truyền thuyết về "ngựa thành Troy" thời Hy Lạp cổ đại nay bỗng tái hiện và đang ám ảnh chính quyền Ukraina cùng các nước phương Tây, giữa lúc hàng trăm xe tải Nga chở hàng viện trợ cho cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng ở miền Đông Ukraina. Họ nghi ngờ Mát-xcơ-va sử dụng chiêu bài viện trợ nhân đạo để "ngụy trang" cung cấp khí tài cho phiến quân ly khai thân Nga, nên tìm mọi cách trì hoãn tiếp nhận đoàn xe chở nhu yếu phẩm.

Nga khẳng định số hàng trên chỉ là các mặt hàng như lương thực, nước sạch, thuốc men, dụng cụ y tế, túi ngủ và máy phát điện. Mát-xcơ-va còn nhấn mạnh hoạt động nhân đạo này do Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế (ICRC) điều phối và không có sự tham gia của quân đội, tình báo Nga. Nhưng sự e dè này có nhiều nguyên nhân.

Đoàn xe chở hàng cứu trợ của Nga. Ảnh: AP

 

Trước hết, hai bên đã thống nhất việc phân phát hàng cứu trợ sẽ tiến hành qua sự giám sát của ICRC, nhưng tổ chức nhân đạo này nói rằng vẫn chưa xác nhận được thông tin về hàng hóa chở trên các xe tải của Nga. Người phát ngôn ICRC Anastasia Isyuk cho biết Nga chỉ gửi "danh sách chung" về hàng hóa nhưng họ cần một thống kê chi tiết. "Rất nhiều vấn đề quan trọng vẫn cần làm rõ giữa hai phía, trong đó có thủ tục qua cửa khẩu, kiểm tra hải quan..." - bà Isyuk nói. Ukraina còn lo sợ mối đe dọa "một cuộc xâm lược quy mô lớn" của nước láng giềng. Báo cáo mới đây của Ukraina cáo buộc Nga tăng mạnh hiện diện quân sự dọc theo biên giới hai nước, với khoảng 45.000 quân, hàng ngàn xe thiết giáp, hàng trăm xe tăng, hệ thống tên lửa và máy bay chiến đấu. Do đó, Kiev cho rằng bất cứ việc viện trợ nào không được phép đều được xem là "hành động tấn công quân sự". Quyền Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk mỉa mai: "Ban đầu họ (Nga) đưa xe tăng, tên lửa Grad, những tên khủng bố và cướp bóc sang bắn người Ukraina thì nay họ lại cung cấp muối ăn và thức uống sao! Họ gởi xe quân sự cho các băng cướp chứ nào phải hàng viện trợ".

Hiện các nhà điều phối cấp cao của ICRC đang được cử đến Kiev và Mát-xcơ-va để đàm phán cách thức tiếp nhận hàng hóa cứu trợ của Nga. Dĩ nhiên, giữa lúc chưa thể biết được sự thật phái đoàn cứu trợ hùng hậu của Nga như thế nào, chính quyền Ukraina vẫn có quyền nghi ngại. Có điều, các chuyên gia phân tích quân sự và chính trị cho rằng nếu muốn cung cấp vũ khí hay chiếm đóng miền Đông Ukraina, Nga có thể trực tiếp hành động bởi phần lớn khu vực biên giới tại đây do lực lượng đòi liên bang hóa kiểm soát. Có khoảng 500.000-700.000 người Ukraina, bao gồm 3.500 binh sĩ đào ngũ, đã chạy tị nạn sang Nga từ khi xảy ra xung đột là một minh chứng.

THUẬN HẢI (Theo AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết