16/05/2022 - 11:08

Nở rộ trào lưu đông lạnh trứng tại châu Á 

Chi phí nhà ở và giáo dục cao ngất ngưởng khiến nhiều phụ nữ châu Á, đặc biệt là ở Hàn Quốc, chọn biện pháp đông lạnh trứng để có thể có con vào thời điểm thích hợp.

Ồ ạt đông lạnh trứng

Một phụ nữ Hàn Quốc đang được bác sĩ tư vấn về thủ thuật đông lạnh trứng. Ảnh: Reuters

Một phụ nữ Hàn Quốc đang được bác sĩ tư vấn về thủ thuật đông lạnh trứng. Ảnh: Reuters

Lim Eun-young, công chức 34 tuổi, là trường hợp điển hình. Lim cho biết cô chưa sẵn sàng lập gia đình do chi phí quá lớn cùng với việc cô chỉ mới bắt đầu hẹn hò với bạn trai cách đây vài tháng. Song, do lo ngại rằng đồng hồ sinh học “đang điểm”, Lim hồi tháng 11 năm ngoái quyết định đi đông lạnh trứng.

Theo Hãng tin Reuters, Lim chỉ là một trong số khoảng 1.200 phụ nữ độc thân Hàn Quốc chọn làm thủ thuật trên vào năm ngoái tại Trung tâm Y tế CHA, chuỗi phòng khám sinh sản lớn nhất xứ kim chi, chiếm khoảng 30% thị phần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) của nước này.

Đông lạnh trứng là phương pháp nhằm bảo tồn khả năng mang thai của phụ nữ. Đây là lựa chọn ngày càng được nhiều phụ nữ trên thế giới tìm hiểu nhưng ở Hàn Quốc, nơi có tỷ lệ sinh thuộc hàng thấp nhất thế giới, sự gia tăng các trường hợp sử dụng dịch vụ đông trứng của CHA đã giúp giải tỏa đáng kể gánh nặng kinh tế và hạn chế xã hội, vốn dẫn đến quyết định trì hoãn hoặc thậm chí từ bỏ việc sinh con của phụ nữ.

Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc hồi năm ngoái chỉ là 0,81 - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ sinh trung bình của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế là 1,59 - bất chấp những khoản tiền khổng lồ được chính phủ chi cho các gia đình có trẻ con. Đáng chú ý, Seoul hồi năm ngoái đã dành 46,7 ngàn tỉ won (tương đương 37 tỉ USD) trong ngân sách để tài trợ cho các chính sách thúc đẩy tỷ lệ sinh.

Sở dĩ nhiều phụ nữ Hàn Quốc không muốn có con là do hệ thống giáo dục có tính cạnh tranh cao và đắt đỏ. Chi phí nhà ở tăng cao cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Ví dụ, một căn hộ trung bình ở thủ đô Seoul có giá ước tính bằng 19 năm thu nhập hộ gia đình trung bình của Hàn Quốc, tăng mạnh so với chỉ 11 năm vào năm 2017.

Thật ra, trào lưu đông lạnh trứng không chỉ nở rộ ở Hàn Quốc mà nó còn “thịnh hành” ở nhiều quốc gia châu Á khác. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tại Ấn Độ diễn biến phức tạp, tỷ lệ phụ nữ tại nước này, chủ yếu ở độ tuổi 32-38, tìm đến phương pháp đông lạnh trứng hồi năm ngoái tăng mạnh vì dịch bệnh đã hạn chế cơ hội gặp gỡ bạn đời và sinh con của họ.

Theo ông Hrishikesh Pai, Giám đốc y tế của Bloom IVF - bệnh viện chuyên thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm với 9 trung tâm trên khắp Ấn Độ, số lượng phụ nữ chọn đông lạnh trứng đã tăng hơn 25% so với thời điểm trước đại dịch. 

Trong khi đó, từ đầu năm 2023, phụ nữ Singapore ở độ tuổi 21-35 sẽ được tiếp cận với phương pháp đông lạnh trứng, bất kể tình trạng hôn nhân. Hiện nay, việc đông lạnh trứng ở Singapore chỉ được cho phép nếu có lý do y tế. Tuy nhiên, những phụ nữ có đủ khả năng tài chính thường tới các nước như Úc, Malaysia, Thái Lan và Mỹ để thực hiện thủ thuật này, bất chấp một số rủi ro liên quan. Giới phân tích cho rằng việc tiếp cận phương pháp đông lạnh trứng là bước tiến có giá trị với phụ nữ tại đảo quốc sư tử, cho phép họ tự chủ cuộc sống, thăng tiến trong sự nghiệp và có con vào thời điểm thích hợp.

Chi phí đắt đỏ

Mặc dù công nghệ này ra đời từ những năm 1980 nhưng việc đông lạnh trứng không hề rẻ. Tại Hàn Quốc, một chủ doanh nghiệp có tên Lee Mi-young, 36 tuổi, cho biết cô và chồng đã trả khoảng 6-7 triệu won (tương đương 4.900-5.700USD) cho thủ thuật đông trứng. Trong khi đó tại Nhật Bản, chi phí dành cho thủ thuật này là khoảng 4.800-5.800USD, ở Đài Loan là 4.400USD và ở Indonesia là 3.500USD.

Trước đây, chi phí đông lạnh trứng ở Thái Lan lên tới 6.000USD nhưng trong những năm gần đây, mức phí đó đã giảm xuống còn khoảng 3.000USD tùy thuộc vào số lượng trứng và thời gian bảo quản. Tiến sĩ Poonkiat Punyamitr, Giám đốc y tế một phòng khám sức khỏe sinh sản ở thủ đô Bangkok, cho biết công nghệ đông lạnh trứng đã có mặt tại xứ Chùa Vàng cách đây khoảng 15 năm nhưng trước đây thủ thuật này chỉ được những phụ nữ mắc các bệnh nội khoa như ung thư buồng trứng “chuộng”. Giờ đây, thủ thuật này ngày càng trở nên phổ biến đối với những phụ nữ Thái Lan giàu có.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết