28/01/2023 - 09:43

Những nữ vương tương lai của châu Âu

NGUYỆT CÁT (Theo Thelist.com)

Trong bộ phim nổi tiếng “Nhật ký công chúa”, cô nữ sinh trung học Mia Thermopolis đã hết sức bối rối  khi bỗng dưng trở thành người thừa kế ngai vàng của Vương quốc Genovia. Nhưng ngoài đời thực, các công chúa đã sớm chuẩn bị cho bản thân những phẩm chất quan trọng của một người thừa kế ngai vàng. Điển hình như những công chúa châu Âu có khả năng trở thành nữ vương tương lai sau đây.

Công chúa Victoria của Thụy Điển

Công chúa Victoria (sinh năm 1977) là con đầu của Vua Carl XVI Gustaf và Hoàng hậu Silvia. Ban đầu, Hoàng tử Carl Philip - em trai của Công chúa Victoria - được chỉ định là người nối ngôi. Nhưng sau khi Thụy Điển cải cách hiến pháp năm 1980 và quy định người thừa kế ngai vàng là con trưởng của nhà vua không phân biệt nam nữ, Victoria đã trở thành người kế vị ngai vàng. Nhận xét về con gái, Vua Carl XVI Gustaf cho biết Công chúa Victoria sẽ là một nữ hoàng xuất sắc. "Con gái là tài sản vô giá đối với tôi, gia đình tôi và đất nước. Tôi tự hào về con gái và công việc không mệt mỏi của con dành cho Thụy Điển" - ông khẳng định.

Bà Victoria từng theo học tiếng Pháp tại Đại học Công giáo và học ngành khoa học chính trị và lịch sử tại Đại học Yale ở Mỹ, trước khi lấy bằng về vấn đề giải quyết xung đột và thúc đẩy hòa bình quốc tế tại Đại học Uppsala ở Thụy Điển. Công chúa Victoria kết hôn với Daniel Westling, một thường dân, sinh được 2 con. Với tư cách là nữ hoàng tương lai, bà cam kết sẽ làm tròn trọng trách này. "Cả cuộc đời tôi là dành cho Thụy Điển" - Công chúa Victoria chia sẻ.

Công chúa Leonor của Tây Ban Nha

Công chúa Leonor sinh năm 2005, là con trưởng của vua Tây Ban Nha Felipe VI và Hoàng hậu Letizia. Khi kế vị cha mình, Leonor sẽ trở thành nữ hoàng đầu tiên của Tây Ban Nha kể từ Isabel II, người trị vì từ năm 1830 đến 1904.

Năm 2018, trong dịp sinh nhật lần thứ 13, Leonor đã có bài phát biểu đầu tiên trước công chúng và cũng xuất hiện nhiều hơn kể từ đó. Chẳng hạn, trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát, Leonor và em gái đã phát hành một video trên YouTube để tri ân các nhân viên y tế. Vào tháng 12-2022, công chúa cũng xuất hiện ở Madrid để gặp gỡ và trò chuyện với các tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ. Hiện công chúa Tây Ban Nha du học theo chương trình Tú tài Quốc tế kéo dài 2 năm tại Đại học UWC Atlantic (Anh), nơi cũng có rất nhiều thành viên hoàng gia châu Âu khác đến học. 

Công chúa Ingrid của Na Uy

Sinh năm 2004, Công chúa Ingrid là con gái đầu của Thái tử Haakon và Công nương Mette-Marit, là cháu gái thứ hai của Vua Harald V và Hoàng hậu Sonja. Nếu lên ngôi, Ingrid sẽ trở thành Nữ hoàng đầu tiên của Na Uy trong hơn 600 năm.

Từ nhỏ, Công chúa Ingrid đã tham gia nhiều sự kiện quan trọng của hoàng gia Na Uy. Năm 2016, Ingrid thắp lửa tại lễ khai mạc Thế vận hội Thanh niên ở Lillehammer. 

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên, Công chúa Ingrid đã cởi mở chia sẻ về cuộc sống cũng như những khó khăn khi học để trở thành nữ hoàng. "Tôi học được rất nhiều điều từ nhà vua thông qua mọi việc ông làm và những điều ông nói" - cô chia sẻ.

Công chúa Catharina-Amalia của Hà Lan

Sinh năm 2003, Công chúa Catharina-Amalia là người kế vị ngai vàng Hà Lan, với tư cách là con cả của Vua Willem-Alexander. Catharina-Amalia từng là thành viên tham gia Model United Nations (phiên họp giả định của Liên Hiệp Quốc) ở Trường Quốc tế The Hague. Sau khi tốt nghiệp trung học, cô dành một năm để làm tình nguyện viên tại Quỹ màu da cam. Tháng 9-2022, công chúa đến Amsterdam để theo học ngành chính trị, tâm lý học, luật và kinh tế tại Đại học Amsterdam.

Công chúa Elisabeth của Bỉ

Công chúa Elisabeth sinh năm 2001, là con đầu của Quốc vương Philippe và Hoàng hậu Mathilde. Khi Elisabeth lên ngôi, cô sẽ là Nữ hoàng đầu tiên của Bỉ. Hiểu được trọng trách to lớn của mình trong tương lai, Elisabeth luôn chăm chỉ học tập và tích cực tham gia các khóa huấn luyện khắc nghiệt. Công chúa theo học một trường trung học nói tiếng Hà Lan ở Brussels trước khi học 1 năm tại Học viện Quân sự Hoàng gia. Sau đó, cô tiếp tục học lịch sử và chính trị tại Đại học Oxford (Anh). Sở thích của Công chúa Elisabeth rất đa dạng, như từ trượt tuyết, chơi quần vợt cho đến du lịch và đọc sách. Cô cũng có thể nói trôi chảy tiếng Hà Lan, Pháp, Đức và Anh.

Trong bài phát biểu nhân sinh nhật lần thứ 18, công chúa chia sẻ bản thân còn phải học hỏi nhiều, cô sẽ tìm hiểu thế giới nhiều hơn và cống hiến hết sức mình để cải thiện thế giới.

Chia sẻ bài viết