08/03/2008 - 10:22

Những bông hoa "Hai giỏi"

Ông bà ta thường bảo: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Nhưng ngày nay, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, người phụ nữ không chỉ dừng lại ở vai trò là người xây tổ ấm. Nhiều chị nỗ lực vượt khó, không ngừng phấn đấu vươn lên “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, góp phần xây dựng xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc.

1. Dáng người thanh mảnh, tính tình vui vẻ, ứng xử mềm mỏng, thế nhưng khi bắt tay vào việc, chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Bí thư Đảng ủy phường An Phú, quận Ninh Kiều, là người xốc vác, giàu nghị lực và quyết đoán. Những tính cách ấy đã giúp người nữ “thuyền trưởng” vượt qua nhiều vấn đề “gai góc”, lèo lái một địa bàn vốn khá phức tạp về các tệ nạn xã hội, vệ sinh môi trường... trở thành một trong những “Phường văn hóa” đầu tiên của TP Cần Thơ.

Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Bí thư Đảng ủy phường An Phú. Ảnh: H.THU 

Bon xe trên nhiều tuyến hẻm trong phường, chúng tôi nhận ra rằng An Phú đang từng ngày thay da đổi thịt. Đường hẻm rộng lớn, khang trang, nhiều tuyến hẻm “Thanh niên tự quản” đã đạt đúng tiêu chí xanh- sạch-đẹp. Nhiều người dân địa phương kể, trước đây, nhắc đến chuyện xây dựng khu vực văn hóa, phường văn hóa, nhiều người ngán dội. Bởi chỉ riêng việc khắc phục tình trạng vệ sinh môi trường đã là vấn đề khó khăn, nhất khu vực 3 và 4 cặp theo con rạch Tham Tướng, tình trạng ô nhiễm môi trường rất nặng. Nhiều nhà làm nhà vệ sinh ngay trên con rạch, rác sinh hoạt thả xuống rạch.

Những ngày ấy, chị Ánh Nguyệt cứ như con thoi, liên tục xuống khu vực nắm tình hình, gặp gỡ người dân phân tích lẽ thiệt hơn, nhưng việc chuyển đổi “nếp” sống của bà con không chỉ một ngày một bữa, tình trạng ô nhiễm vẫn kéo dài. Sau những đêm trằn trọc suy nghĩ, chị lãnh đạo các đoàn thể lập dự án, giúp bà con vay vốn xây dựng nhà vệ sinh. Mặt khác, chị huy động cả hệ thống chính trị tham gia phụ giúp dân dọn dẹp, vệ sinh môi trường. Tranh thủ nguồn kinh phí địa phương, chị đề nghị UBND phường mua hẳn một chiếc xuồng để làm phương tiện đi... vớt rác. “Để vận động nhân dân, trước nhất cán bộ phải gương mẫu. Phải làm cho dân thấy, dân tin...” . Vì vậy, mỗi lần ra quân, chị Nguyệt có mặt từ sáng sớm, xắn cao tay áo, cùng mọi người lao động. Cứ thế, sức thuyết phục, niềm tin dần lan tỏa, nhiều người dân tự nguyện tham gia phong trào. Từ những việc làm thiết thực đó, đã làm thay đổi dần nhận thức của người dân, mọi người ngày càng có ý thức hơn về việc giữ vệ sinh môi trường.

Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 1986, chị Ánh Nguyệt tham gia công tác ở địa phương. Từ nhân viên kế toán Hợp tác xã, thư ký văn phòng Đảng ủy, đến cán bộ tổ chức Đảng ủy phường, chị Nguyệt đều nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2001, chị được bầu làm Bí thư Đảng ủy phường. Với kinh nghiệm những năm làm công tác tổ chức, chị tập trung chỉ đạo đổi mới phong cách, lề lối làm việc, xây dựng qui chế phối hợp giữ chi bộ, chính quyền và các đoàn thể. Chị mạnh dạn đưa cán bộ tham dự các lớp tập huấn, đào tạo về công tác Đảng, chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời, chị tăng cường xuống khu vực nắm tình hình, đời sống người dân, tranh thủ gặp gỡ cán bộ cao niên nhờ phân tích, đóng góp công tác quản lý điều hành. Chị bộc bạch: “Kinh nghiệm thực tế là một lẽ, nhưng để làm tốt công tác lãnh đạo điều hành, đòi hỏi tôi phải tiếp tục học tập, nâng cao trình độ”. Chính vì vậy năm 2002, chị đăng ký đi học đại học Luật, khi đó con gái lớn của chị mới 14 tuổi còn con trai nhỏ mới lên 3. Hai năm sau đó, chồng chị chuyển công tác về Hậu Giang.

Một nách 2 con, chị Nguyệt thay chồng vừa lo đời sống kinh tế, chăm sóc các con, vừa phải lo học tập để nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu công tác. Ngày ngày, sau giờ lên lớp học, chị Nguyệt vội vã rước con, rồi cùng vào cơ quan để giải quyết những hồ sơ, giấy tờ... còn tồn đọng trong ngày. Có hôm mải mê làm việc, đến khi đứa con trai út đến bên cạnh nũng nịu: “Mẹ ơi! Con đói bụng quá”, chị ngẩng lên nhìn đồng hồ, đã gần 7 giờ tối. Đêm đêm, 3 mẹ con quây quần bên nhau, chị luôn nhắc nhở con gái lớn chăm chỉ học bài, rồi cầm tay con trai út nắn nót từng nét chữ. Khi các con ngủ say, chị lặng lẽ đọc giáo trình, ôn lại kiến thức cũ. Chị bộc bạch: “Có lúc tưởng chừng như kiệt sức vì mệt mỏi, vì hụt hẫng kiến thức... Nhưng chồng tôi, dù công tác xa, vẫn luôn động viên, sẻ chia với vợ những khó khăn. Chính điều đó tiếp thêm sức mạnh cho tôi phấn đấu”. Cuối năm 2007, chị Nguyệt tốt nghiệp đại học Luật. Con gái chị vào đại học năm thứ nhất, con trai đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đó là vinh dự, là hạnh phúc - phần thưởng xứng đáng dành cho chị sau những năm dài phấn đấu.

*

* *

2. Chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND phường Bình Thủy vào ngày thứ bảy đầu tháng 3. Chị Trần Lê Mộng Châu, Chủ tịch UBND phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, đang tất bật với công việc. Tranh thủ giải quyết nhanh hồ sơ cho người dân, chị cùng các cán bộ phường đi thăm, tặng quà các gia đình có thanh niên chuẩn bị lên đường nhập ngũ. Chị Châu tâm sự: “Nhiều thanh niên trúng tuyển có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Là cán bộ phường, phải sâu sát từng trường hợp để kịp thời hỗ trợ, động viên, giúp cho thanh niên an tâm lên đường thi hành nghĩa vụ...”.

Chia tay các thanh niên, chị trở về cơ quan, tiếp tục xem xét, ký các giấy tờ hành chính... giải quyết nhanh công việc cho người dân. Với bản tính mềm dẻo của người phụ nữ... trong quá trình tiếp dân, chị tận tình giải thích những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho người dân hiểu tường tận. Nhìn nét mặt của từng người dân phấn khởi khi rời trụ sở UBND phường, chúng tôi nghe lòng mình rộn lên niềm vui. Tôi còn nhớ, cách đây không lâu, khi công trình nâng cấp hẻm Xóm Lưới (khu vực 1, phường Bình Thủy) - công trình do Nhà nước và nhân dân cùng làm - bước vào giai đoạn cuối, thì nhiều hộ dân trong khu vực đã gởi đơn khiếu nại cho rằng công trình mất dân chủ. Nhận được đơn, chị Châu nhanh chóng tổ chức họp dân, giải thích cho bà con hiểu rõ qui trình xây dựng. Cũng tại buổi họp, chị Châu nhìn nhận khuyết điểm với bà con rằng mình chưa kịp thời nắm bắt được tâm tư của người dân, để xảy ra tình trạng người dân thắc mắc. Khi nhận thức đúng sự việc, bà con ai nấy đều vui vẻ và thống nhất với chủ trương của phường.

Chị Trần Lê Mộng Châu, Chủ tịch UBND phường Bình Thủy đến thăm và tặng quà cho thanh niên trên địa bàn phường, vừa trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Ảnh: H. THU 

Nhiều cán bộ công chức của phường cho rằng: “Trong công việc chị Châu không ngại khó, thường xuyên đi cơ sở gặp gỡ người dân, biết lắng nghe những lời phê bình thẳng thắn, để từ đó sửa đổi, hoàn thiện mình”. Chị Châu bộc bạch: “18 tuổi, tôi đã tham gia công tác ở địa phương. Khi ấy, trình độ, kinh nghiệm còn nhiều hạn chế. Nhờ được các đồng chí lãnh đạo phê bình, đóng góp ý kiến giúp tôi ngày càng trưởng thành. Vì vậy, với tôi việc tiếp thu phê bình cũng là một kinh nghiệm quí trong quá trình công tác”.

Thuở nhỏ, Mộng Châu hằng ước mơ mai này trở thành cô giáo, nối nghiệp của gia đình. Nhưng khi tốt nghiệp THPT, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, chị đành từ bỏ ước mơ của mình. Năm 1986, chị vào làm việc tại UBND phường Bình Thủy. Với tính năng nổ, nhiệt tình, chị được giao phụ trách công tác Đoàn Thanh niên. Sau đó một năm, chị được phân công công tác ở đài truyền thanh. Cũng thời gian này, chị gặp anh bộ đội Nguyễn Văn Trung và cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình. Đứa con đầu lòng được sinh ra trong hoàn cảnh kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Thiếu kinh nghiệm chăm sóc lẫn tiền bạc, thằng bé trở nên còm cõi, liên tục nhập viện. Có những hôm vào cơ quan, chị bước liêu xiêu vì cả đêm thức trắng chăm sóc con. Không ít người khuyên: “Làm việc ở phường lương bổng có bao nhiêu, thôi thì xin nghỉ, tìm công việc khác khá hơn kiếm tiền nuôi con”. Thế nhưng, những trang tin, những ngày gắn bó với cơ sở dường như đã thấm sâu vào hơi thở của chị. Để vượt qua khó khăn, chị chăn nuôi heo, chồng chị đi chụp ảnh dạo, cải thiện cuộc sống gia đình. Dù bận bịu, chị Châu luôn thu xếp chuyện gia đình, tăng cường đi cơ sở, đảm trách tốt “tiếng nói của địa phương”. Sau hơn 10 năm vui buồn cùng những trang tin, các dòng thời sự... chị Châu được tổ chức điều động làm cán bộ văn phòng UBND phường. Đầu năm 2004, chị được HĐND phường bầu làm Phó Chủ tịch, đến tháng 7-2006, được tập thể tin nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND phường.

Chính những ngày “lăn lộn” ở cơ sở, đã giúp chị Châu hiểu rành rẽ đặc trưng của từng khu vực, “nết” làm việc của từng cán bộ cơ sở, cũng như tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Trong quá trình đô thị hóa, hầu hết nhân dân địa phương mong muốn được nâng cấp hẻm, trong những năm qua, chị vận động bà con xây dựng nhiều tuyến hẻm với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nâng cấp chỉnh trang đô thị, xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ vốn cho hộ nghèo... Đến nay, phường có 7/7 khu vực văn hóa, 7/7 khu vực đạt tiêu chí xanh - sạch - đẹp.

Tuy công việc, ngành nghề khác nhau, nhưng chị Châu và chồng chị đều có một điểm chung là tích cực tham gia công tác xã hội, nhất là phong trào hiến máu nhân đạo. Từ năm 1993 đến nay, anh và chị mỗi người đã hơn 10 lần hiến máu nhân đạo. “Hơn 20 năm công tác tại phường Bình Thủy, tôi được chồng ủng hộ rất nhiều. Nhờ ảnh động viên, tôi đã có thể vượt qua khó khăn và hoàn thành chương trình đại học Quản lý hành chính. Hy vọng, khi đạt được trình độ cao hơn và được sự ủng hộ của gia đình, tôi ngày càng làm tốt nhiệm vụ của mình...”.

SỸ KHANG

Chia sẻ bài viết