MAI QUYÊN
Nổi tiếng là “thành phố sạch nhất thế giới”, nhưng lực lượng lao động trong các ngành nghề vệ sinh, dọn dẹp ở đảo quốc Sư tử đang dần bị thu hẹp liên quan sự bất cân xứng thu nhập.

Một người lao công lớn tuổi làm việc ở Singapore.
Khi mới tách khỏi Malaysia vào năm 1965, Singapore đầy rẫy kênh rạch ô nhiễm và nước thải tràn lan. Theo Giám đốc Trung tâm Đa dạng Sinh học tại Ủy ban Công viên Quốc gia Singapore, Lim Liang Jim, đảo quốc này thời điểm đó chỉ muốn “vượt lên chính mình” với mục tiêu giữ cho đất nước xanh và sạch. “Không có dấu hiệu nào dễ nhận biết sự thành công hơn việc chúng ta đạt vị trí là thành phố xanh và sạch nhất ở Nam Á” - cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã nói khi phát động chiến dịch “Keep Singapore Clean” vào tháng 10-1968.
Trong 30 năm sau đó, chính quyền Singapore đã dọn dẹp sạch sẽ các khu vực bị ô nhiễm, trở thành nơi có thể tìm thấy cây xanh ở bất kỳ đâu. Năm 2016, Singapore với hơn 5 triệu dân trên trên diện tích chỉ 700km2 được xếp hạng là thành phố xanh nhất châu Á. Singapore cũng đứng thứ 5 trong top 10 thành phố sạch nhất thế giới năm 2019.
Đội ngũ lao công bị thu hẹp
Hành trình đáng kinh ngạc của Singapore từ vùng đất ô nhiễm thành quốc gia xanh toàn cầu không phải là tự động hay dễ dàng gì. Bình luận với Kênh tin tức CNA, tác giả Richard Hartung cho biết thành công của Singapore duy trì môi trường sống lành mạnh có đóng góp không nhỏ của lực lượng dọn dẹp vệ sinh. Đặc biệt vào thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, tầm quan trọng của công nhân vệ sinh càng trở nên cần thiết để giữ an toàn cho cộng đồng.
Mặc dù nhu cầu về dịch vụ vệ sinh ngày càng tăng, nhưng thù lao trả cho nhóm đối tượng lao động trong các ngành nghề liên quan không phải lúc nào cũng phản ánh đúng giá trị công việc của họ. Ngoài ra, theo cựu Phó Thủ tướng Singapore Tharman Shanmugaratnam, hầu hết những người lao công không được hưởng mức tăng lương thực tế của người lao động trên toàn quốc.
Nhằm tạo sự chuyển dịch lao động vào ngành dọn dẹp, Singapore từ năm 2014 đã áp dụng mô hình tiền lương lũy tiến (PWM) trong lĩnh vực vệ sinh, sau đó bổ sung thêm các ngành như dịch vụ an ninh và cảnh quan vào năm 2016, bảo trì thang máy và thang cuốn vào năm 2019, bán lẻ vào năm 2022. Kể từ tháng 3-2023, PWM cũng được tính cho ngành dịch vụ thực phẩm, quản lý và tài xế; trong khi quản lý chất thải sẽ áp dụng từ tháng 7 tới. Hiện tại, mức lương cơ bản trả cho công nhân vệ sinh nói chung vào khoảng 982 USD/tháng. Đến tháng 7, mức lương được nâng lên 1.176 USD/tháng đối với người dọn dẹp trong các văn phòng và địa điểm thương mại. Đến năm 2028, mức lương khởi điểm cơ bản trong ngành vệ sinh ở Singapore tầm 1.813 USD/tháng.
Chưa giải quyết gốc rễ
Năm 2014, ông Shanmugaratnam cho biết tính năng của PWM có thể được xác định như “bậc thang lương - kỹ năng”, cho phép những người lao công được đào tạo cải tiến năng suất bằng cách sử dụng các thiết bị như máy quét hoặc máy phun rửa bằng hơi nước. Tuy nhiên, Giáo sư Linda Lim của Đại học Michigan (Mỹ) đánh giá mô hình PWM vẫn không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của mức lương thấp. Bởi vì năng suất trong các công việc như dọn dẹp chủ yếu dựa vào kỹ năng cá nhân của người lao động hơn là thiết bị, quá trình kiểm soát hay tổ chức công việc. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động có thể tránh tăng lương PWM bằng cách thuê lao động nước ngoài.
Giáo sư Lim cho rằng thay vì phúc lợi dựa trên cơ sở lương hiện tại, các công ty có thể chủ động mức tiền lương khi xem xét các yếu tố như nhu cầu của người lao động, năng suất mà họ có thể đạt nếu được hỗ trợ công nghệ và tham gia các lớp đào tạo cần thiết.
Trong cuộc khảo sát đầu tháng này, Đại học Quản lý Singapore cho biết tỷ lệ hài lòng về mức độ sạch sẽ nơi công cộng ở Singapore nhìn chung vẫn ở mức cao (92%). Tuy nhiên, cũng có người cho biết họ bắt đầu thấy các quán cà phê, trung tâm bán hàng rong và nhà vệ sinh trên phố không còn sạch sẽ như trước.