Trong thông điệp gởi đến thế giới những ngày đầu năm mới, 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) cam kết ngăn chặn nguy cơ phổ biến vũ khí nguyên tử và không để xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Tuyên bố chung thể hiện nỗ lực tránh xung đột hạt nhân của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Ảnh: Reuters
Tuyên bố chung được công bố hôm 3-1, khẳng định trách nhiệm chính của các cường quốc hạt nhân (còn được biết với tên gọi nhóm P5 hoặc N5) là hạn chế tối đa khả năng bùng phát xung đột giữa những quốc gia sở hữu năng lực nguyên tử; giảm thiểu rủi ro chiến lược nhằm đảm bảo căng thẳng toàn cầu không dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Bởi lẽ, không thể có nước nào chiến thắng trong một cuộc chiến như vậy và nó cũng không bao giờ nên xảy ra. “Việc sử dụng hạt nhân sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng, chúng tôi cũng khẳng định rằng, đến khi nào chúng ta còn tồn tại, vũ khí hạt nhân phải phục vụ các mục đích phòng thủ, ngăn chặn sự xâm lược và chiến tranh. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng cần phải ngăn chặn sự phổ biến rộng rãi hơn nữa những loại vũ khí này” - tuyên bố nêu rõ. Trên tinh thần đó, nhóm P5 kêu gọi tất cả các quốc gia hợp tác để tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình giải trừ quân bị.
Cải thiện bầu không khí trước thềm hội nghị NPT
Tuyên bố của nhóm P5 được đưa ra vào thời điểm sắp diễn ra hội nghị của Liên Hiệp Quốc nhằm rà soát Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968. Sự kiện này tổ chức 5 năm/lần kể từ năm 1975, là diễn đàn để các quốc gia nắm trong tay vũ khí hạt nhân thảo luận với những nước không sở hữu loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này. Khoảng 190 nước đã ký NPT.
Trước đó, hội nghị được lên kế hoạch tiến hành vào năm 2020 nhưng bị hoãn nhiều lần do đại dịch COVID-19. Với lịch tổ chức vào hè năm nay, hội nghị dự kiến có nhiều tranh cãi khi đà giải trừ vũ khí hạt nhân bị đình trệ trong bối cảnh an ninh thế giới trở nên phức tạp hơn do nhóm P5 ngày càng mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí nguyên tử. Ngoài ra, 4 nước khác sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng không được công nhận theo NPT (Israel, Ấn Độ, Pakistan và CHDCND Triều Tiên) cũng không có dấu hiệu giảm kho dự trữ. Bên cạnh đó là nguy cơ phổ biến vũ khí nguyên tử ngày càng tăng cao ở một số khu vực bất ổn trên thế giới, đặc biệt tại Trung Đông khi nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 vẫn đang bế tắc kể từ sau quyết định của Mỹ rút khỏi hiệp định này vào năm 2018.
Giảm rủi ro đối đầu Mỹ - Nga - Trung
Theo giới quan sát, tuyên bố chung của nhóm P5 về một vấn đề lớn của an ninh toàn cầu là động thái hiếm thấy ở thời điểm căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và phương Tây với Nga, Trung Quốc ngày càng tăng. Trong bối cảnh này, cam kết của các cường quốc được coi là thông điệp thể hiện nỗ lực muốn ngăn chặn bất kỳ cuộc đối đầu nào biến thành thảm họa hủy diệt.
Quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây bất ổn và tăng nhiệt những tháng gần đây liên quan tình hình tại biên giới Nga - Ukraine. Bất chấp phủ nhận từ Mát-xcơ-va, Mỹ và đồng minh liên tục cảnh báo Điện Kremlin về các biện pháp trừng phạt lớn hơn nếu Nga tiến hành “xâm chiếm” nước láng giềng. Về phần Trung Quốc, ngoại giao giữa Mỹ và cường quốc châu Á cũng đang ở mức thấp do loạt bất đồng về kinh tế, chính trị, nhân quyền và gần đây là tình hình Đài Loan. Đặc biệt, Trung Quốc đang khiến Mỹ lo ngại khi đang thu hẹp khoảng cách vũ khí hạt nhân nhanh hơn dự đoán. Theo ước tính của Lầu Năm Góc, Trung Quốc có thể sở hữu 700 đầu đạn hạt nhân vào năm 2027 và lên đến 1.000 đầu đạn vào năm 2030. Hiện nay, bất chấp thúc ép từ Mỹ, Trung Quốc vẫn bác bỏ lời đề nghị cùng nước này và Nga tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí mới.
MAI QUYÊN (Theo Reuters, AP, Guardian)