TRẦN QUYÊN
Croatia đang chuẩn bị ký kết với Slovenia thỏa thuận song phương về chia sẻ khí đốt trong trường hợp xảy ra khủng hoảng nguồn cung từ Nga và tình trạng khẩn cấp trong Liên minh châu Âu (EU).

Gazprom vừa quyết định ngừng cung cấp khí đốt cho Latvia.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, nhật báo Jutarnji List của Croatia cho biết thêm các thỏa thuận tương tự với Ý, Hungary và Áo cũng đang được đàm phán, bao gồm các vấn đề kỹ thuật, pháp lý và tài chính. Trước đó, tại hội nghị khẩn cấp các bộ trưởng năng lượng EU ngày 26-7, Bộ trưởng Năng lượng Slovenia tuyên bố Ljubljana muốn ký với Croatia một thỏa thuận có hiệu lực trước khi kết thúc mùa Hè và một đề xuất tương tự cũng đã được gửi tới Áo.
Từ năm 2017, EU đã có cơ chế đoàn kết năng lượng, theo đó các quốc gia thành viên có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc đảm bảo cung cấp khí đốt cho những đối tượng tiêu dùng được bảo vệ (như các hộ gia đình và bệnh viện) trong trường hợp khủng hoảng. Cho tới nay, mới có 6 thỏa thuận theo cơ chế này được ký kết. Thỏa thuận đầu tiên được ký vào tháng 12-2020 giữa Ðức và Ðan Mạch. Cuối năm 2021, Ðức và Áo ký kết thỏa thuận tương tự. Trong năm 2022, đã có 4 thỏa thuận được ký, gồm các thỏa thuận Estonia - Latvia, Litva - Latvia, Ý - Slovenia và Phần Lan - Estonia.
Trong diễn biến liên quan, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngày 30-7 thông báo đã tạm ngừng cung cấp khí đốt cho Latvia do nước này vi phạm những điều khoản mua khí đốt. Tuy nhiên, Gazprom không nêu rõ Latvia đã vi phạm điều khoản cụ thể nào.
Gazprom đưa ra quyết định trên một ngày sau khi công ty năng lượng Latvijas Gaze của Latvia cho biết họ đang mua khí đốt của Nga và thanh toán bằng đồng euro thay vì đồng ruble theo yêu cầu của phía Mát-xcơ-va. Hiện công ty năng lượng Latvijas Gaze chưa đưa ra bình luận gì trước quyết định trên của Gazprom.
Nga đã tạm ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Ðan Mạch, những nước đã từ chối thanh toán bằng đồng ruble. Nga cũng đã ngừng bán khí đốt cho công ty năng lượng Shell Energy Europe ở Ðức.
Nga và các nước châu Âu đang tiến hành các biện pháp đáp trả lẫn nhau, đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt trong bối cảnh các nước phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt và tìm cách cô lập Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine. Ðể bảo vệ lợi ích quốc gia, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mọi hợp đồng mua bán dầu mỏ và khí đốt của Nga đều phải thanh toán bằng đồng ruble. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối từ phương Tây và khiến các nước tìm cách tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế để giảm sự phụ thuộc vào Nga.