21/02/2024 - 11:19

Nhiều người già Hàn Quốc vẫn lao động 

Theo Cổng thông tin thống kê Hàn Quốc (KOSIS), tính đến tháng 1, khoảng 24,5% người Hàn Quốc từ 70 tuổi trở lên, tức khoảng 1,55 triệu người, vẫn đang làm việc trong bối cảnh các cấp chính quyền đang tìm cách giữ chân người già càng nhiều càng tốt để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của nước này.

Một người già Hàn Quốc trong giờ làm việc. Ảnh: Getty Images

Trong số lao động nói trên, một nửa có độ tuổi từ 75 trở lên và 42,1% trong số này được coi là “lao động giản đơn”, tức làm những công việc không cần chuyên môn, chỉ cần được đào tạo vài giờ. Khoảng 30% trong số họ làm việc trong ngành nông, ngư và lâm nghiệp, trong khi 22,8% làm việc trong các ngành xã hội và dịch vụ.

KOSIS trong cuộc khảo sát hồi tháng 5-2023 phát hiện, 55,7% số người được hỏi ở độ tuổi 65-79 cho biết mong muốn được tiếp tục làm việc. Đáng chú ý, 52,2% trong số này tiết lộ họ “cần tiền trang trải cuộc sống”, trong khi 38% cho hay họ làm việc vì “thích làm việc, miễn là sức khỏe cho phép”.

Thực tế cho thấy Hàn Quốc có tỷ lệ người già nghèo khó cao nhất trong các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), với 40,4% người từ 66 tuổi trở lên có mức sống “tương đối nghèo”, tức có thu nhập thấp hơn 50% thu nhập trung bình của hộ gia đình, cao gấp 3 lần mức trung bình của OECD.

Thực trạng trên diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc được dự đoán sẽ trở thành quốc gia “già nhất thế giới” vào năm 2044 và số người ở độ tuổi 70 lần đầu “vượt mặt” số người ở độ tuổi 20 vào năm ngoái, kéo theo những tác động trên phạm vi rộng, gồm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội. Trong nỗ lực giải quyết vấn đề dân số già, giới chức Hàn Quốc khuyến khích tạo việc làm cho thanh niên cũng như người già, đồng thời khuyến khích tăng tỷ lệ sinh, gồm cân nhắc việc miễn nghĩa vụ quân sự cho những nam giới có từ 3 con trở lên. Năm 2022, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc giảm xuống còn 0,82 - mức thấp nhất thế giới và thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để thay thế dân số.

Không riêng Hàn Quốc, một số nền kinh tế trên khắp châu Á cũng cùng chung cảnh ngộ. Ở nước láng giềng Nhật Bản, quốc gia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học thậm chí còn lớn hơn, cứ 10 người thì có một người từ 80 tuổi trở lên, khiến xứ hoa anh đào trở thành quốc gia có tỷ lệ người già cao nhất thế giới. Năm 2022, những người từ 65 tuổi trở lên chiếm 13,6% lực lượng lao động Nhật Bản. Thủ tướng Fumio Kishida năm ngoái cảnh báo, nước này đang “bên bờ vực khủng hoảng không thể duy trì các chức năng xã hội”. Ông Kishida nói rằng đây là vấn đề phải xử lý “ngay bây giờ hoặc không bao giờ”, vì “đơn giản là không thể chờ thêm”.

Trong khi đó, Trung Quốc, nơi được Ngân hàng Thế giới coi là “xã hội siêu già”, cũng đang cố gắng thu hút nhiều người cao tuổi đi làm. Ước tính, những người trên 60 tuổi chiếm khoảng 20% dân số Trung Quốc và chiếm 8,8% lực lượng lao động nước này. Mới đây, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch “kinh tế bạc”, hứa hẹn sẽ định hướng nền kinh tế theo hướng dân số già ngày càng tăng, gồm đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ dành cho người cao tuổi.

Còn tại Singapore, nơi sẽ trở thành nước “siêu già” vào năm 2026, giới chức đang cân nhắc các biện pháp khuyến khích hơn nữa nhằm thu hút người cao tuổi tham gia vào lực lượng lao động. Năm 2022, tỷ lệ cư dân Singapore từ 65 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động đạt mức 31%.

Sau Hàn Quốc, các quốc gia OECD có tỷ lệ người nghèo trên 65 tuổi tương đối cao là Estonia (34,6%), Latvia (32,2%) và Litva (27%). Tỷ lệ người nghèo trên 65 tuổi ở Mỹ và Úc lần lượt là 22,8% và 22,6%, ở Nhật Bản là 20%. 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết