26/08/2009 - 21:11

Nhặt "sạn" trong thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản

Thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) từ lâu được xem là nhiêu khê nhất trong các thủ tục. Trong đó, những khâu mà các chủ đầu tư “than” nhiều nhất là quy định về xử lý các nhà thầu cố tình thi công trì trệ, việc thẩm định hồ sơ dự án (DA), hồ sơ đấu thầu,… Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư XDCB, Quốc hội vừa thông qua luật “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư XDCB”. Với những quy định mới này, nhiều “hạt sạn”trong thủ tục đầu tư XDCB sẽ được nhặt bỏ.

QUÁ NHIỀU SẠN!

Trong XDCB, tiến độ DA phụ thuộc nhiều yếu tố như: bồi thường thiệt hại (BTTH), giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư... nhưng cũng có thể là do các nhà thầu năng lực tài chính kém, không tập trung nhân lực, trang thiết bị để thi công,... Thế nhưng, quy trình xử lý các nhà thầu trì trệ này cũng rất nhiêu khê. Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, than thở: Phải qua các khâu như đôn đốc, nhắc nhở, lập biên bản vi phạm,... rồi mới cắt hợp đồng. Nhưng khi cắt hợp đồng, chủ đầu tư phải thanh toán khối lượng thi công cho nhà thầu, sau đó, lập lại thủ tục DA cho phần khối lượng còn lại để trình cơ quan chức năng thẩm định DA. Khi DA đã được phê duyệt thì tiếp tục lập kế hoạch đấu thầu, trình cơ quan chức năng thẩm định, rồi phát hồ sơ mời thầu. Khi có kết quả trúng thầu lại trình cơ quan thẩm định kết quả đấu thầu... Ông Trần Việt Phường cho biết, quá trình này không khác gì quá trình thực hiện một DA hoàn chỉnh, do vậy chủ đầu tư rất ngại cắt hợp đồng với các nhà thầu thi công chậm.

Thủ tục xây dựng cơ bản còn nhiêu khê, là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến trình đầu tư phát triển.
Trong ảnh: Thi công đường Mậu Thân - Sân bay Trà Nóc. 

Bên cạnh đó, theo phản ánh của các địa phương, hiện nay việc thẩm định, phê duyệt DA, công nhận kết quả đấu thầu đều phải gởi về Sở KH&ĐT phê duyệt hoặc trình cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt. Tuy nhiên, “đầu mối” này nhiều khi quá tải, nên thời gian xét duyệt dự án kéo dài. Ông Huỳnh Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, nói: “Tiến độ XDCB của huyện vừa qua chậm một phần do những nguyên nhân như: chờ các cơ quan thẩm định DA, phê duyệt kết quả đấu thầu,... Ngay cả một số công trình bức xúc, huyện muốn đầu tư nhanh, nhưng mới ngay khâu xin chủ trương đầu tư đã chậm”. Đây là những khó khăn không đáng có, nếu được phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho chủ đầu tư.

Một trong những cản ngại lớn đối với công tác XDCB được nhiều địa phương lo lắng là cơ chế chính sách liên quan thường xuyên thay đổi. Ông Huỳnh Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai nêu thí dụ: Chỉ riêng về quản lý DA đầu tư xây dựng công trình, từ năm 2005 đến nay đã có 3 nghị định của Chính phủ điều chỉnh (số 16/2005-NĐ-CP, số 112/2006/NĐ-CP, số 12/2009/NĐ-CP). Mỗi nghị định lại có hàng loạt thông tư hướng dẫn... Các DA đã lập xong hồ sơ phải điều chỉnh lại theo văn bản mới”. Trong nhiều cuộc giám sát của Thường trực HĐND, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tại Sở Giao thông Vận tải về tiến độ DA đường Mậu Thân -Sân bay Trà Nóc (MT-SBTN), ông Đinh Văn Thảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, phản ánh: “Ngoài những nguyên nhân chủ quan, tiến độ DA chậm còn do chính sách về BTTH, GPMB thay đổi”. Cụ thể, khi bắt tay vào thực hiện DA này, Quyết định 53/2005/QĐ-UB về việc Ban hành Quy định về BTTH, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Cần Thơ (QĐ 53) còn hiệu lực. Thế nhưng, sau đó ít lâu thành phố ban hành Quyết định 91/2008/QĐ-UB về Ban hành Quy định về BTTH, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Cần Thơ (QĐ 91) để thay thế. So với QĐ 53, thì QĐ 91 có nhiều điểm ưu việt hơn, nên người dân đòi áp giá theo Quyết định 91. Tuy nhiên, trên cùng một DA không thể có 2 chính sách, UBND thành phố “bù” bằng việc tăng mức hỗ trợ bồi thường trượt giá. Nhưng để có được quyết định tăng mức hỗ trợ và được người dân chấp nhận là cả một kỳ công. Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy về tiến độ DA đường MT-SBTN, ông Nguyễn Phú Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, đơn vị chịu trách nhiệm BTTH, GPMB DA, cho biết: “Do có những thay đổi về chính sách BTTH, chúng tôi phải gần 10 lần điều chỉnh phương án BTTH, GPMB, nên thời gian GPMB của DA kéo dài. Đến nay, sau gần 3 năm thực hiện, những khó khăn về thủ tục, chính sách đã được tháo gỡ và tiến độ GPMB đang có tiến triển thuận lợi”.

CỞI TRÓI

Nhằm tháo gỡ các khó khăn, ràng buộc về thủ tục có thể làm chậm quá trình thực hiện DA, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư XDCB. Theo ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư , luật này giao quyền rất lớn cho các chủ đầu tư, từ thẩm định, phê duyệt DA, đến lập hồ sơ mời thầu, chọn thầu,... đồng thời, quy định thủ tục đầu tư rõ ràng hơn, tinh gọn hơn... Điển hình như luật quy định: “Trường hợp điều chỉnh DA không làm thay đổi địa điểm, quy mô, mục tiêu DA, không vượt quá tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư được tự quyết định”; trong khi trước đây phải báo với Chủ tịch UBND thành phố, sở, ngành có liên quan. Luật cũng quy định “người quyết định đầu tư chịu trách nhiệm về việc thẩm định thiết kế và các nội dung khác của DA khi thẩm định DA đầu tư xây dựng công trình để phê duyệt DA”; đồng thời cũng giao quyền cho chủ đầu tư “có trách nhiệm xem xét, phê duyệt kết quả đấu thầu trên cơ sở báo cáo về kết quả đấu thầu và báo cáo thẩm định kết quả đấu thầu. Việc thông báo kết quả đấu thầu được thực hiện ngay sau khi có quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu của chủ đầu tư”... Đây là những vấn đề lớn, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục DA, khi bỏ qua nhiều khâu “trung gian” là các sở chuyên ngành thẩm định, phê duyệt hoặc các sở này trình cơ quan thẩm quyền xem xét phê duyệt...

Rõ ràng, những quy định mới giao quyền mạnh mẽ cho chủ đầu tư (sở ngành, quận, huyện). Tuy nhiên, những người thận trọng lại lo lắng vì việc chủ đầu tư vừa phê duyệt DA, thẩm định DA, mời thầu, xét chọn thầu,... giống như “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Việc này rất nguy hiểm, nếu thiếu công tác kiểm tra, giám sát! Vấn đề này, ông Võ Thành Sang cho biết: “Với những quy định mới, Sở sẽ rảnh tay trong việc trực tiếp thực hiện, do vậy chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra để giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn về kỹ thuật, chuyên môn; đồng thời kịp thời chấn chỉnh, đề phòng hành vi vi phạm, tránh thất thoát tài sản của nhà nước”.

Ngoài các chính sách chung của cả nước, hiện nay UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì phối hợp cùng các ngành tiến hành rà soát, loại bỏ những thủ tục không cần thiết trong XDCB để công tác này thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội của thành phố.

Bài, ảnh: QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết